Những bác sĩ có các thử nghiệm táo bạo trong lịch sử y văn
Andrew Ure (1778-1857)
Andrew Ure (1778-1857), giáo sư hóa học kiêm bác sĩ y khoa người Glasgow (Scotland) nổi tiếng với nhiều thành tựu đáng nể. Đặc biệt là 4 thí nghiệm trên xác chết của thợ dệt Matthew Clydesdale - một phạm nhân bị treo cổ về tội giết người.
Sau khi bị hành quyết, xác của Mathew được bàn giao để phục vụ cho công việc nghiên cứu giải phẫu. Bác sĩ Andrew Ure đã được chỉ định để giải phẫu tử thi vào ngày 4-11-1818. Ban đầu, ông mổ tử thi bằng việc rạch một đường ở gáy và cắt đi một phần đốt sống của thi thể. Sau đó, ông muốn thử nghiệm với dòng điện nên hai dây dẫn điện được nối vào cổ, đùi và gót chân của xác chết, hành động này đã tạo ra những cơn co giật không thể kiểm soát.
Ure cho rằng, máu của Mathew đã không bị đông lại và cổ của anh ta không bị gãy khi bị treo cổ nên có thể làm cho xác của Mathew sống lại được. Khi dây dẫn điện được nối với mặt Mathew, bỗng nhiên gương mặt của xác chết xuất hiện cảm xúc tức giận, sợ hãi, tuyệt vọng và nụ cười méo mó như thể bắt đầu “thở”. Hiện tượng này khiến những người có mặt ngạc nhiên tột độ, khiến họ tin rằng xác chết đang sống lại. Ở khâu cuối cùng, khi Mathew bị dẫn nguồn điện vào ngón tay đã được rạch, xác chết lập tức giơ tay lên chỉ về hướng những người đang theo dõi cuộc giải phẫu. Điều này đã khiến mọi người sợ hãi thực sự vì sợ rằng xác chết này sẽ đe dọa tính mạng họ nhưng rốt cuộc, dòng điện mới chính là nguyên nhân khiến xác chết "động đậy" chứ bản thân xác chết không thể hồi sinh.
Các thí nghiệm của Ure có vẻ như phù phiếm, nhưng nhờ những thí nghiệm này mà sau đó ông đã phát minh ra máy khử rung tim đã được sử dụng trên khắp thế giới nhằm hỗ trợ bệnh nhân ngưng tim có thể hồi sinh trở lại. Trên cơ sở các thí nghiệm của mình, Andrew Ure đã tuyên bố, thay vì kích thích trực tiếp, hai núm đồng dấp nước kết nối với pin, được đặt trên da tại vị trí dây thần kinh và cơ hoành có thể phục hồi sự sống cho người chết lâm sàng.
Sergei Bryukhonenko (1890-1960)
Sergei Bryukhonenko, người Nga được coi là cha đẻ thiết bị tim - phổi và người đầu tiên áp dụng nó trong thí nghiệm. Ông đã chứng minh được rằng, các bộ phận trong cơ thể có thể bảo quản trong trạng thái sống và thực sự hoạt động ngay cả sau đưa ra khỏi cơ thể. Ông đã có thể làm điều này bằng cách lưu thông máu oxy, cũng như không khí khi cần thiết, để giữ cho phổi “thở”, tim đập, và thậm chí có thể khiến não trở lại trạng thái bán nhận thức. Ví dụ, Bryukhonenko đã gắn đầu của một con chó bị cắt rời vào máy bơm tự động “autojektor”', nó vẫn phản ứng với những kích thích bên ngoài giống như khi đang sống, như chớp mắt, liếm môi khi đưa axit xitric vào hoặc đưa âm thanh lớn vào sát tai.
Sergei Bryukhonenko - người mở đường cho việc ra đời các thiết bị điều trị tim - phổi và tim nhân tạo sau này. |
Các cơ quan cắt rời nối lại theo cách này chỉ ngừng hoạt động khi máu trong autojektor đông kết tới hơn 100 phút. Khi tin đồn về Bryukhonenko có khả năng "hồi sinh người chết" lan sang Mỹ, Bryukhonenko đã trở nên nổi tiếng. Bryukhonenko tiếp tục thử nghiệm ý tưởng này trên người, đó là một người đàn ông quyên sinh tự treo cổ và qua đời 3 giờ trước đó nhưng kết quả không hoàn toàn như mong đợi. Bryukhonenko đã kết nối tĩnh mạch và một động mạch vào máy autojektor và chờ đợi cho máu tái sinh oxy. Trong vòng vài giờ, ông và các cộng sự đã phát hiện ra một nhịp tim đập nhưng sau đó lại phát ra một âm thanh kiểu như súc miệng đáng sợ phát ra từ cổ họng và mắt mở nhìn chằm chằm vào các bác sĩ phẫu thuật, làm nhiều người sợ hãi buộc phải ngưng hoạt động autojektor và để cho xác chết yên nghỉ.
Theo các nhân chứng, đây là những thí nghiệm có tầm quan trọng thiết thực đối với phẫu thuật và cấy ghép; là cơ sở cho sự phát triển của một phương pháp tưới máu bình thường, trở thành một trong những phương pháp chính của bảo tồn cơ quan. Ngoài ra, những thí nghiệm này đã trở thành một nguyên mẫu của phương pháp tưới máu vùng được sử dụng trong thực hành lâm sàng và mở đường cho việc ra đời các thiết bị tim - phổi và ra đời tim nhân tạo sau này.
Khắc Duy (Dịch từ Toptenz- 6/2018)
Ý kiến bạn đọc