5 triển vọng trong nghiên cứu ung thư năm 2019
Năm 2018, y học đã đạt được nhiều thành tựu trong nghiên cứu ung thư. Năm 2019, 5 dự án dưới đây được kỳ vọng sẽ sớm tìm ra liệu thuốc đặc trị để chế ngự căn bệnh nan y nguy hiểm này.
1. Liệu pháp miễn dịch
Liệu pháp miễn dịch (Immunotherapy) trong điều trị ung thư đang là niềm hy vọng của rất nhiều bệnh nhân trên thế giới. Liệu pháp này sử dụng chính hệ thống miễn dịch của cơ thể để tìm và diệt bào ung thư. Một số thủ thuật trong liệu pháp này đã phê duyệt như sử dụng tế bào CAR-T, chất ức chế kiểm soát miễn dịch hay liệu pháp tế bào lympho xâm nhập khối u (TIL).
Năm 2018, một nghiên cứu cho thấy, TIL đã thành công trong việc loại bỏ tất cả các khối u rắn trong người một phụ nữ mắc ung thư vú di căn song hiện nó đang được thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn để khẳng định tác dụng đích thực. Hiện đã có hơn 2.500 thử nghiệm sử dụng liệu pháp Immunotherapy, song khoa học vẫn chưa hiểu ngọn ngành tại sao một số bệnh nhân phát huy tác dụng còn những người khác thì không. Đây là mục tiêu cần làm sớm, bởi nó là một trong những liệu pháp khá đắt tiền.
2. Xét nghiệm sinh thiết lỏng
Nghiên cứu sinh thiết lỏng để phát hiện sớm ung thư thực chất là một xét nghiệm máu. Nó ưu điểm hơn so với sinh thiết thường và chẩn đoán ung thư sử dụng bức xạ là đơn giản, ít xâm lấn, chi phí rẻ và mang tính phổ biến, giúp tầm soát ung thư sớm.
Hệ vi sinh vật người có ảnh hưởng lớn đến phản ứng thuốc hóa trị. |
Năm 2018, Đại học Johns Hopkins, Mỹ đã kiểm tra hai trong số các xét nghiệm sinh thiết lỏng hàng đầu trên thị trường và phát hiện thấy kết quả khác nhau mặc dù cùng một mẫu bệnh phẩm. Điều này khiến khoa học bối rối, vì vậy, trong năm nay hy vọng khoa học sẽ giải mã được bí ẩn này.
3. Tập trung sâu hơn vào tác dụng phụ của điều trị ung thư
Trong nhiều thập kỷ trở lại đây, nghiên cứu về ung thư chỉ tập trung vào việc nâng cao tỷ lệ sống nhưng nay, nhờ thành tựu đạt được nên người ta quay trở lại tìm hiểu kỹ hơn về tác dụng phụ của điều trị ung thư. Mục tiêu là cải thiện chất lượng sống cho người bệnh, theo phương châm sống nhưng phải khỏe, nhất là nhóm người trẻ tuổi, thậm chí còn đảm bảo được khả năng sinh đẻ cho những bệnh nhân mắc ung thư vú giai đoạn sớm, bằng cách hạ liều bức xạ thấp hơn tiêu chuẩn mà vẫn đảm bảo hiệu quả điều trị.
4. Ung thư và hệ vi sinh vật trong cơ thể con người
Hệ vi sinh vật người (microbiome) là một trong những chủ đề “hot” trong y học năm 2018 và nó sẽ vẫn tiếp tục sôi động trong năm 2019 này. Microbiome rất đa dạng, bao gồm tất cả vi khuẩn, virus và nấm sống bên trong cơ thể. Nghiên cứu chủ đề này giúp con người ăn uống, dùng thuốc hợp lý để nuôi dưỡng hệ lợi khuẩn đường ruột, giúp giảm nhiều bệnh nan y, trong đó có ung thư, thậm chí cả bệnh Alzheimer.
Đến nay, đã có nhiều nghiên cứu cho thấy hệ vi sinh vật người có ảnh hưởng lớn đến phản ứng thuốc hóa trị, thậm chí trong một số trường hợp nó còn gây ra việc sản xuất các sản phẩm phân hủy độc hại của thuốc. Trên tạp chí Nature Communications số cuối tháng 12-2018 đã công bố một nghiên cứu, phát hiện thấy một chủng khuẩn đặc biệt trong hệ vi sinh vật cơ thể người ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch, nó “chống lưng” cho một loại ung thư máu hiện chưa chữa được gọi là đa u tủy. Nghiên cứu còn đề suất khả năng nhắm mục tiêu các vi khuẩn này bằng thuốc để ngăn chặn hoặc làm chậm bệnh ung thư tiến triển.
5. Organoids, vũ khí trị ung thư theo từng cá thể
Organoids thực chất là các mẫu mô nhỏ được nuôi trồng trong phòng thí nghiệm từ mẫu mô bệnh phẩm nhưng lại hứa hẹn trong điều trị ung thư, cho phép thử nghiệm thuốc trên khối u nhân tạo bên ngoài cơ thể, trước khi dùng chính thức cho người bệnh. Công nghệ này hiện đang được nhiều hãng dược phẩm quan tâm để thử thuốc. Organoids được nuôi trồng trong phòng thí nghiệm chưa có nguồn máu cung cấp, chưa được kết nối với các hệ thống khác của cơ thể nên người ta vẫn chưa hiểu hết những ảnh hưởng của nó đối với bệnh nhân. Lợi thế của organoids là giúp phản ánh chính xác hơn bản chất của khối u và căn bệnh mà con người mắc phải. Từ đó giúp y học tìm ra phương pháp điều trị dựa theo từng cá thể, tức bệnh ung thư của mỗi người để điều trị nhằm mang lại hiệu quả hơn chứ không dùng đại trà như hiện nay, nên có người khỏi, người không.
Khắc Duy
(Theo MDC- 3/2019)
Ý kiến bạn đọc