Những khám phá thú vị về Nam Cực
Phần đông người ta chỉ biết Nam Cực là lục địa băng giá nhất hành tinh. Nhưng còn có những khám phá rất thú vị ở vùng đất bí ẩn và lạnh lẽo này…
Động vật không xương sống ở Nam Cực
Nam Cực là nơi có khí hậu khắc nghiệt nên không có hoặc có rất ít các loài thực động vật sống thường xuyên. Tuy nhiên, mới đây khoa học đã phát hiện ở Nam Cực có một loài côn trùng tên Belgica ant-arctica (ruồi nhuế không cánh), dài 2 - 6 mm, động vật trên cạn lớn nhất và cũng là loài côn trùng duy nhất của Nam Cực. Tính đến năm 2014, Belgica antarctica là côn trùng có bộ gien nhỏ nhất, chỉ có 99 triệu cặp nucleotide gốc với 13.500 gien. Belgica antarctica là động vật không xương sống màu đen bóng, tuy gọi là ruồi nhưng lại không cánh, có thể sống sót sau hai mùa đông bị đóng băng dưới dạng ấu trùng đến 10 ngày trước khi chết, đủ thời gian để sinh sản cho thế hệ tiếp theo.
Ở dưới nước ngoài khơi Nam Cực, các nhà khoa học còn phát hiện thấy một loài côn trùng lạ có ngoại hình quái đản được gọi là sâu biển Eulagisca gigantea. Đây là động vật không xương sống với những chiếc răng khổng lồ. Chưa hết, ở Nam Cực còn có một loài mực khổng lồ Colossal Squid, nặng gần 350 kg với đôi mắt như hai cái đĩa lớn, kèm theo những chiếc xúc tu khổng lồ, sắc nhọn để tóm gọn đối phương khi bắt mồi.
Văn minh Nam Cực
Con người hiện đại đã khai phá Nam Cực nhiều hơn so với những gì đã được công bố. Chẳng hạn, Argentina đã xây dựng một thị trấn hoàn hảo trên lục địa băng giá này đặt tên là Base Esperanza (căn cứ Hy vọng) để phục vụ cho các hoạt động nghiên cứu. Chilê cũng xây dựng một thị trấn có tên Villa Las Estrellas trên đảo King George. Đây là hai thị trấn dân sự duy nhất có tại Nam Cực. Hầu hết cư dân đều sống ở đây trong những tháng mùa hè từ 3-6 tháng.
Còn có một số công trình văn minh đáng chú ý khác ở Nam Cực gồm 7 nhà thờ; trong số đó có nhà nguyện nổi tiếng của dòng họ Snows đã bị thiêu rụi bất chấp giá lạnh và 40 sân bay. Tính đến năm 2009, 11 người đã được sinh ra ở Nam Cực, trong đó, cư dân đầu tiên được sinh ra ở Nam Cực là Emilio Marcos Palma, chào đời ngày 7-1-1978, tại căn cứ Esperanza của Argentina.
Hải cẩu báo. |
Những hồ ngầm dưới mặt băng ở Nam Cực
Nam Cực không chỉ là một tảng băng bao phủ lục địa đá mà nó còn phức tạp và kỳ lạ hơn những gì chúng ta tưởng. Con người đã khám phá được hơn 400 hồ phụ ẩn dưới lớp băng dày trung bình trên 1,8 km. Trong số này có hồ Vostok là hồ lớn nhất, nằm bên dưới trạm nghiên cứu Vostok của Nga. Một hồ lớn khác có tên Mercer, rộng gần 140 km2 nằm bên dưới lớp băng. Trong hồ này, các nhà khoa học phân tích các mẫu cho thấy nồng độ vi khuẩn cao, khoảng 10.000 vi khuẩn trên một mililít nước. Nằm ở phía tây nam cực, cách cực nam Nam Cực vài trăm dặm, Mercer được “nuôi sống” bởi các chất lắng đọng carbon cổ đại.
Những kẽ nứt đáng sợ ở Nam Cực
Có những kẽ nứt đáng sợ ở Nam Cực và cả những “cư dân không thân thiện” có thể xuất hiện bất cứ lúc nào. Những kẽ nứt khổng lồ sâu hàng trăm mét đột ngột xuất hiện có thể phá vỡ tảng băng khổng lồ kèm những tia sáng chói lòa nguy hiểm.
Ở Nam Cực, Trái đất có thể nuốt chửng con người vì những kẽ nứt này. Trong số những trường hợp tử vong khủng khiếp từng được đề cập là vụ tai nạn năm 1965, khi một kẽ hở đã nuốt cả một phi hành đoàn. Chuyện xảy ra vào ngày 14-10-1965, khi đoàn thám hiểm của John Ross, Jeremy Bailey, David Wild và John Wilson (Anh) đi trên một chiếc xe kéo muskeg; khi đến gần Trạm nghiên cứu Halley cực Đông Nam Cực thì chiếc xe rơi xuống độ sâu trên 30 m. Duy nhất có một mình John Ross còn sống do bật ra khỏi xe trước khi xe rơi xuống vực.
Những con hải cẩu tử thần
Ngoài cá mập, ở Nam Cực còn có một loài vật nguy hiểm là hải cẩu báo. Hải cẩu báo có kích thước khổng lồ, thường ăn các loài chim biển, nhất là chim cánh cụt, nhưng chúng còn tấn công cả con người. Nhà nữ sinh vật học Kirsty Brown ở Phân ban Khảo sát Nam Cực của Anh đã bị mất mạng do bị hải cẩu báo tấn công hồi tháng 7 - 2003. Hải cẩu báo có kích thước khổng lồ, dài tới 4 m, nặng 450 kg, có bộ răng cực khỏe và lúc nào cũng đói, có tốc độ bơi 400 km/giờ.
Khắc Duy
(Dịch từ Toptenz-4/2014)
Ý kiến bạn đọc