Những phát minh giảm thiểu rác thải nhựa
Ống hút và ly tách ăn được
Trước tình trạng mỗi ngày có khoảng 500 triệu ống hút nhựa được sử dụng và loại bỏ (đủ để chứa đầy 125 xe buýt) trên toàn nước Mỹ, gây ô nhiễm rất lớn, hai người Mỹ là Chelsea Briganti và Leigh Ann Tucker công tác tại hãng Loliware đã sáng chế ra loại ống hút và ly tách có thể ăn được với thành phần chính là rong biển bổ sung hương vị và chất dinh dưỡng.
Hãng Loliware còn có một siêu sản phẩm khác có tên hyperostostable – loại vật liệu có thể phân hủy nhanh được làm từ ngô chuyển gien và các phụ gia khác ăn được và tạo hương vị. Theo Briganti, cốc hoặc ống hút của Loliware có thể tan ngay trong dòng nước vì chúng có tính hòa tan, còn trong môi trường tự nhiên sẽ biến mất sau 60 ngày. Loliware hiện đang thảo luận với các chuỗi kinh doanh trong lĩnh vực cà phê và thức ăn nhanh, cũng như các chuỗi cao cấp khác về việc sử dụng cốc, nắp và ống hút của họ. Theo Tucker, chỉ cần thay thế 10% số ống hút bằng nhựa hiện có bằng loại ống hút ăn được này sẽ làm thay đổi môi trường, thay đổi doanh nghiệp, cả nhà nước lẫn người dùng đều được lợi. Briganti và Tucker tự tin các sản phẩm của mình sẽ tạo ra một “cú huých” trong thị trường đồ uống sử dụng một lần.
Thời trang làm từ nhựa tái chế
Hai nhà thiết kế thời trang sinh thái ở London (Anh) là Vin và Omi vừa giới thiệu bộ sưu tập thời trang làm từ nhựa tái chế. Hai nhà thiết kế này đã tái chế rác thải nhựa thành 12 loại vải độc đáo để thiết kế nên các trang phục như: áo choàng, áo phông T-shirt...
Theo Vin, chiếc áo phông làm từ nhựa (được chế từ 11 chai nước khoáng Evian) có độ mềm hơn một chiếc áo phông bằng vải cotton bình thường. Trước đó, vào năm 2017, hai nhà thiết kế này cũng đã ra mắt các trang phục gồm áo cánh, áo choàng và một chiếc áo khoác đặc biệt bắt mắt bằng nhựa thải.
Hiện, Vin và Omi đang có kế hoạch thu thập chai nhựa Coca-Cola sử dụng một lần để tạo ra những sản phẩm may mặc cao cấp và trao tặng tận tay cho CEO của Coca-Cola. Họ cũng có kế hoạch khai trương một cửa hàng ở London bán các sản phẩm thời trang nói trên với giá phải chăng. Quan trọng hơn việc làm của họ là nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, tạo ra một thế giới sạch “phi rác thải nhựa” trong tương lai gần.
Từ trái sang: Briganti - Tucker với ống hút ăn được; Vin - Omi với thời trang làm từ nhựa tái chế và chai nước ăn được Ooho của SRL. |
Chai nước ăn được dạng tròn Ooho
Nhóm các nhà khoa học trẻ Rodrigo Garcia Gonzalez, Pierre Paslier và Guillaume Couche ở Phòng thí nghiệm Skipping Rocks Lab (SRL), London (Anh) đã sáng chế ra chai nước Ooho - một chai nước hình cầu có thể ăn được. Ý tưởng ra đời Ooho được cả nhóm được khởi nguồn từ năm 2014 khi họ còn học tại Trường Đại học Hoàng gia London.
Sau hơn 2 năm miệt mài phát triển, sản phẩm đã ra đời, được làm từ màng gelatine gốc rong biển, với nhiều kích thước. Màng gelatine được tạo thành nhờ nhúng một cục nước đá vào canxi clorua và natri alginate, chất làm dày được tách ra từ tảo nâu, thường dùng để tạo gel. Khi nước đá tan ra, màng tế bào vẫn còn nguyên, tạo ra một quả cầu nước.
Nếu muốn dán nhãn thì dùng 2 lớp, nhãn mác chế từ bột gạo hay bột ngô ăn được cho vào giữa, khi dùng có thể nhai và nuốt được toàn bộ. Ooho giống hệt trái cây, rất an toàn, nếu không ăn thì loại bỏ và phân hủy nhanh trong môi trường với thời gian không quá 2 tháng. Ngoài sử dụng chứa nước, chai Ooho có thể dùng đóng gói các loại đồ uống dạng dịch khác, kể cả cà phê, rượu mạnh hay mỹ phẩm.
Hiện nhóm đề tài đang cải tiến để tăng thêm chất dinh dưỡng và hương vị cho Ooho. Năm 2014, phát minh này đã được trao giải Lexus Design Award, giải thưởng quốc tế dành cho ý tưởng của các nhà khoa học trẻ.
Nguyễn Duy
(Dịch từ WO/Guardian/NGC- 10/2019)
Ý kiến bạn đọc