Multimedia Đọc Báo in

Những chú chuột nổi tiếng trên phim ảnh thế giới

10:37, 20/01/2020

Tuy con chuột có hình tượng xấu trong văn hóa dân gian nhưng lại được nhiều đạo diễn khai thác thành nhân vật trong phim hoạt hình.

Thông qua lối ẩn dụ, nhân cách hóa, những chú chuột trong phim hoạt hình rất dễ thương, được trẻ em và cả người lớn trên thế giới đón nhận nồng nhiệt. Nhà sản xuất phim huyền thoại Walt Disney từng có câu nói bất hủ: “Tôi chỉ hy vọng mọi người đừng quên rằng tất cả mọi thứ đều bắt đầu từ một con chuột”. 

 Chuột Mickey
Chú chuột Mickey là biểu tượng của Hãng phim hoạt hình Walt Disney (Mỹ) danh tiếng. Đây cũng là chú chuột nổi tiếng, “lớn tuổi” và giàu có nhất thế giới. Mickey ra đời ngày 18-11-1928, bước sang năm 2020, chuột Mickey đã là “ông già” hơn 90 tuổi nhưng vẫn xuân sắc và được trẻ con toàn thế giới yêu mến. Những bộ phim đầu tiên về Mickey thường là những chuyến du hành thú vị, hài hước và “rất người” như: “Tàu hơi nước Willie”, “Chuyến bay kinh hoàng”... (đều là phim đen trắng). Mickey không mang hình tượng anh hùng nhưng được yêu thích bởi có tính cách và số phận gần giống với đa số người dân Mỹ thời đó. Không chỉ trẻ nhỏ mà cả người lớn cũng yêu mến chuột Mickey.

Chuột Mickey.
Chuột Mickey.

Với hàng trăm câu chuyện ngày càng được chăm sóc về mặt nội dung, hình ảnh, màu sắc, âm thanh..., chuột Mickey trở thành một huyền thoại với nhiều lần đoạt giải Oscar và là nhân vật hoạt hình đầu tiên được tôn vinh trên đại lộ danh vọng ở Hollywood vào đúng sinh nhật 50 năm của mình (18-11-1978). Đến nay, có cả một thế giới với hàng trăm tập phim điện ảnh, phim truyền hình, truyện tranh, trò chơi điện tử và các loại đồ dùng mang hình ảnh chuột Mickey.

Chuột Jerry
Chú chuột tinh anh Jerry với hàng nghìn tình huống đối phó gã mèo Tom bạo lực cũng đã có đến 7 giải Oscar danh giá trong tay. Thật không thể tưởng tượng nổi chỉ trong 17 năm (1940 - 1957) mà Hãng MGM (Mỹ) đã sản xuất đến 114 tập phim “Tom và Jerry”. Chẳng ai biết rõ vì sao Tom cứ phải bắt cho được Jerry. Có thể vì sự đối nghịch thường tình giữa mèo và chuột, vì nhiệm vụ chủ giao cho Tom, vì Jerry hay phá đám Tom hay vì Jerry hay cứu giúp những con mồi của Tom như vịt con, cá vàng, chim hoàng yến...

Chuột Jerry
Chuột Jerry

Khác với Mickey, Jerry được nhân cách hóa một cách vừa phải. Jerry có thể đi đứng bằng hai chân, có những hành động và suy nghĩ hệt con người nhưng không biết nói tiếng người, không mặc quần áo (những phim thời kỳ đầu). Người ta xem Tom và Jerry với những cảm xúc và cảm giác thú vị khi xem một con mèo quần con chuột nhưng luôn bị “chơi” ngược lại. Sau 114 phim của Hanna - Barbera (hai cha đẻ của Tom và Jerry) câu chuyện về Tom và Jerry vẫn còn tiếp diễn dưới sự chỉ đạo của Gene Deith với 13 phim trong khoảng thời gian 1961 - 1962 và Chuck Jones với 34 phim từ năm 1963 - 1967. Đến nay thỉnh thoảng vẫn có những tập phim mới về Tom và Jerry, nhưng người hâm mộ lại không yêu Tom và Jerry “đời mới” bằng “đời cũ” bởi Tom và Jerry ngày càng giống người hơn.

Chuột Chí Ngạn

Phim “Chú chuột không gian” (Topo Gigio) của đạo diễn người Nhật Bản Kon Ichikawa phát hành năm 1988 kể về chú chuột có tên là Tiểu Chí Ngạn đến từ tương lai, biết nói tiếng người và là phi hành gia chuột đầu tiên phiêu lưu vượt thời gian và bay vào dải ngân hà. Tuy nhiên, do sự cố kỹ thuật, đĩa bay của cậu đã quay về Trái đất vào năm 1988. Ở đây, cậu sống trong nhà của Tư La, một khách trọ trong khu nhà của bà cụ Guốc Mai, là chủ của con mèo Cát Lai. Và cũng từ đây nhiều chuyện dở khóc dở cười đã xảy ra khi Chí Ngạn và những chú chuột hàng xóm đụng độ với Cát Lai cùng bọn thuộc hạ vô dụng của hắn. Hình ảnh chuột Chí Ngạn có nguồn gốc từ nhân vật chính của một chương trình múa rối dành cho trẻ em trên truyền hình Ý vào đầu những năm 1960 (Topo Gigio). Nhân vật chuột này được tạo ra vào năm 1958 bởi nghệ sĩ Maria Perego, ra mắt trên truyền hình Ý năm 1959 và được diễn viên Giuseppe “Peppino” Mazzullo và sau đó là Davide Garbolino lồng tiếng. Phim một thời khiến thế hệ 8X say mê khi được nhóm lồng tiếng phim Hong Kong TVB thực hiện rất tươi vui, dí dỏm, truyền cảm…

Chuột Chí Ngạn
Chuột Chí Ngạn

Chuột Stuart Little


Stuart Little là chú chuột hoạt họa nổi tiếng có nguồn gốc từ một tác phẩm văn học cùng tên dành cho thiếu nhi. Tập truyện Stuart Little (xuất bản năm 1945) của tác giả E.B.White kể về một “chàng trai” New York không lớn hơn một chú chuột bao nhiêu. Thực tế cả gia đình chàng đều là những con người, nhưng bản thân Stuart lại là một chú chuột mang dáng dấp của một con người tí hon. Và mọi chuyện cứ xoay quanh cuộc sống một chú chuột. Năm 1999, bộ phim “Stuart Little” (tên tiếng Việt là “Chú chuột siêu quậy”, đạo diễn Rob Minkoff) ra mắt công chúng. Phim kết hợp giữa những cảnh quay với các diễn viên thật và kỹ thuật vẽ hoạt họa trên máy tính. Một sự kết hợp nhuần nhuyễn và tuyệt vời đến mức câu chuyện “người chuột” Stuart lập tức được công chúng trên toàn nước Mỹ và thế giới say mê.

Chuột Stuart Little
Chuột Stuart Little

Chuột Roddy

Flushed Away (tên tiếng Việt là “Chuột đào tẩu”) là bộ phim hoạt hình hài phiêu lưu của bộ đôi đạo diễn David Bowers và Sam Fell, phát hành 2006. Phim kể về chuyến phiêu lưu kỳ thú trong hệ thống cống ngầm của chú chuột cảnh Roddy. Chú chuột đang sống trong căn hộ sang trọng ở khu phố nhà giàu London. Một ngày nọ, chú bị một con chuột cống lừa rơi xuống hệ thống cống ngầm và lạc đến một thành phố của chuột. Trong hành trình tìm đường về nhà, Roddy phải trải qua nhiều tình huống nguy hiểm... Sự thành công của phim phải nhờ đến tài lồng tiếng dí dỏm của các ngôi sao hạng A ở Hollywood như: Hugh Jackman, Kate Winslet, Ian McKellen, Andy Serkis… 

Chuột Roddy
Chuột Roddy

Chuột Remy

Chuột Remy
Chuột Remy


Năm 2007, hãng Pixar đã sản xuất một bộ phim hài hước mang tên “Ratatouille” (tên tiếng Việt là “Chuột đầu bếp”, đạo diễn Brad Bird) kể về chú chuột Remy. Tựa đề phim liên hệ đến một món ăn của Pháp mang tên “Ratatouille” được phục vụ ở cuối phim và cũng là một phép chơi chữ về xuất thân của nhân vật chính. Remy không muốn mình mãi là một con chuột trốn chui trốn nhủi, chỉ biết trộm đồ ăn hoặc đón nhận thức ăn dư thừa của con người. Cậu muốn làm điều gì đó cao siêu hơn thế nữa. Điên rồ hơn, Remy còn muốn trở thành một chú chuột đầu bếp hàng đầu thế giới. Tác phẩm đã thu về 620,7 triệu USD tiền doanh thu phòng vé và nhận phản hồi phê bình tích cực. Bộ phim giành giải Quả cầu vàng, giải Oscar cho phim hoạt hình hay nhất 2007 và được bình chọn là một trong 100 phim điện ảnh vĩ đại nhất của thế kỷ 21 theo cuộc bầu chọn của các nhà phê bình quốc tế năm 2016 do BBC tiến hành.

Trần Thái Học (st-bs)


Ý kiến bạn đọc