Multimedia Đọc Báo in

Những phát minh mới làm cuộc sống con người dễ chịu hơn

05:43, 18/12/2020

Phương tiện giao thông siêu tiết kiệm năng lượng

Đại học (ĐH) Dalarna và ĐH Kỹ thuật Chalmers (Thụy Điển) vừa hợp tác phát triển thành công phương tiện giao thông có tên Eximus IV, siêu tiết kiệm năng lượng với kỷ lục đi nửa vòng trái đất chỉ hết... 1 lít xăng. Trong cuộc thi trình diễn Delsbo Electric, Eximus IV di chuyển trên đường ray dài 3,36 km để giữ lực cản lăn ở mức tối thiểu, đồng thời chở 6 hành khách, trọng lượng trung bình 50 kg/người. Eximus IV lập kỷ lục 0,603 watt-giờ/người/km (Mức tiêu thụ năng lượng cho các phương tiện tham gia được đo bằng watt-giờ và sau đó chia đều cho số lượng hành khách trên xe).

Eximus IV - phương tiện giao thông siêu tiết kiệm năng lượng.
Eximus IV - phương tiện giao thông siêu tiết kiệm năng lượng.

Khẩu trang kiêm máy dịch ngôn ngữ

Donut Robotics, một doanh nghiệp khởi nghiệp của Nhật Bản vừa phát triển thành công một loại khẩu trang thông minh kiêm chức năng dịch thuật, có khả năng dịch từ tiếng Nhật sang 8 ngôn ngữ khác. Khẩu trang có tên C-Face Smart (CFS) được kết nối với điện thoại và có khả năng phiên âm chính tả, khuếch đại giọng nói và dịch lời nói chủ thể sang các ngôn ngữ nước ngoài khác nhau. CFS có cấu trúc, kích cỡ như khẩu trang tiêu chuẩn, mặt trước đảm nhận chức năng lọc khí, bụi bẩn, môi chất gây bệnh và bảo vệ chống lại vi rút Corona.

Khẩu trang CFS làm bằng nhựa trắng và silicone, trang bị một micrô kết nối với điện thoại thông minh, kể cả ở cách xa tới 10 m nhờ Bluetooth để chuyển lời nói thành tin nhắn văn bản, thực hiện cuộc gọi và khuếch đại giọng nói của người đeo. Nó có khả năng dịch tiếng Nhật sang các ngôn ngữ gồm: tiếng Trung, tiếng Hàn, tiếng Việt, tiếng Indonesia, tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Pháp.

Điện thoại thông minh chịu nước và kháng khuẩn

Tập đoàn sản xuất điện thoại di động Bullitt Group (BG) của Anh vừa trình làng phiên bản điện thoại thông minh kháng khuẩn đầu tiên trên thế giới, sử dụng ion bạc để giảm sự lây lan của vi khuẩn tới 99,9% trong thời gian 24 giờ. Điện thoại có tên CAT S42, được thiết kế gọn nhẹ, độ bền cao, linh hoạt, có thể dùng cho nhiều đối tượng, như người làm trong ngành an ninh, quân sự và các y bác sĩ đang làm việc ở tuyến đầu phòng, chống dịch bệnh. Điện thoại CAT S42 có màn hình 5,5 inch, camera phía sau độ phân giải 13 megapixel, camera trước độ phân giải 8 megapixel, chạy hệ điều hành Android 10 và có thể nâng cấp lên 11. CAT S42 chịu được nước, kháng khuẩn, không ngấm xà phòng hay chất tẩy rửa. Tính năng này có được là nhờ công nghệ Biomaster, sử dụng các ion bạc để tạo lớp bảo vệ vĩnh viễn chống lại mầm bệnh và ức chế sự phát triển của chúng trên bề mặt của điện thoại.

Điện thoại thông minh chịu nước và kháng khuẩn.
Điện thoại thông minh chịu nước và kháng khuẩn.

Máy in 3D cao tốc dùng cho xây dựng

Máy in 3D có tên BOD 2 có thể in được tới 10 tấn bê tông mỗi giờ, giúp hoàn thành tòa nhà 3 tầng trong vòng 6 tuần. BOD 2 là sản phẩm của hãng Peri và Michael Rupp Bauunternehmung (Đức) chế tạo. BOD 2 hiện đang tham gia xây dựng tòa nhà 3 tầng rộng gần 400 m2 và một hầm. BOD 2 có rất nhiều bộ phận, tốc độ in tối đa là 100 cm mỗi giây, tương đương 10 tấn bê tông mỗi giờ. Với đặc tính này, BOD 2 được xem là máy in 3D xây dựng nhanh nhất thế giới hiện nay. Cơ chế in của BOD 2 giống như hầu hết các phương pháp in 3D khác, phun hỗn hợp vữa xi măng thành nhiều lớp, từng bước tạo nên các bức tường nhưng chỉ cần 2 công nhân vận hành.

Trí tuệ nhân tạo phát hiện nhiễm Covid-19 qua tiếng ho

Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) Mỹ vừa phát triển thành công mô hình dùng AI (trí tuệ nhân tạo) để phân biệt người nhiễm Covid-19 không có triệu chứng với người khỏe mạnh thông qua các bản ghi âm tiếng ho. Nhóm thực hiện đề tài đã sử dụng 4.000 mẫu ghi âm tiếng ho của người bệnh và người khỏe mạnh để đào tạo AI. Kết quả, trong số tất cả các tiếng ho của những người bị nhiễm bệnh, mô hình đã xác định chính xác 98,5%. Đặc biệt, nó còn xác định chính xác 100% tiếng ho của những người nhiễm Covid-19 nhưng không có triệu chứng. Ngoài chẩn đoán bệnh Covid-19, nghiên cứu trên còn phát hiện thấy điểm tương đồng mang tính đặc thù giữa Alzheimer và Covid-19.

Phương pháp trị liệu giúp con người trẻ mãi không già

Trường thọ, luôn luôn khỏe là ước muốn ngàn đời của con người nay đang dần trở thành hiện thực nhờ tiến bộ khoa học - công nghệ. Thông qua liệu pháp oxygen (oxygen therapy - gọi tắt OT) các nhà nghiên cứu đã đảo ngược hai chỉ số chính của quá trình lão hóa là chiều dài telomere và sự tích tụ tế bào già cỗi. Đây là nghiên cứu của Đại học Tel Aviv và Trung tâm Y tế Shamir (Israel). Tham gia thử nghiệm, 35 tình nguyện viên độ tuổi trên 64 tuổi sử dụng liệu pháp OT thông qua buồng điều áp oxygen tinh khiết thời lượng 90 phút mỗi ngày, 5 ngày/tuần, trong thời gian 3 tháng. Kết quả sau trị liệu, telomere của nhóm người này dài trung bình 20% và các tế bào già cỗi giảm tối đa 37%.

Duy Nguyễn

(Theo NRC/AC/DM/CNN/3DPN/NME/Sun-11/2020)

 


Ý kiến bạn đọc