Những phát minh "độc, lạ" ra đời cuối năm 2020
Robot đầu bếp kiêm dọn bàn, rửa bát
Công ty Moley Robotics ở London (Anh) vừa đưa vào sử dụng một loại bếp robot đầu tiên có tên Moley Kitchen (MK). Chỉ cần một nút nhấn, mọi công đoạn chuẩn bị cho bữa ăn sẽ do máy móc thực hiện hoàn toàn, từ nấu ăn cho đến rửa bếp, dọn dẹp.
Moley là sản phẩm trí tuệ của chuyên gia máy tính, toán học Nga Mark Oleynik với sự hỗ trợ của nhà sáng tạo ẩm thực Tim Anderson. Robot này hiện có giá 248.000 bảng (tương đương 7,75 tỷ đồng Việt Nam). Moley có hai cánh tay robot với đầy đủ khớp nối, có thể tái tạo lại các cử động của đôi tay người một cách thuần thục như: lấy nguyên liệu từ tủ lạnh thông minh, điều chỉnh nhiệt độ lò nướng, lấy nước vào chảo từ bồn rửa chén, đổ nguyên liệu vào nồi, trộn các nguyên liệu và dọn các món đã hoàn tất ra đĩa như một người đầu bếp thật sự. Các kỹ thuật nấu ăn của Anderson đã được sao chép dưới dạng không gian 3 chiều và chuyển đổi thành cử động số linh hoạt bằng các thuật toán. Hằng tháng, Moley sẽ được cập nhật thêm công thức mới, có thể chế biến được hàng nghìn món ăn khác nhau.
Phích cắm điện giám sát người già cô đơn
Tờ Thời báo Hàn Quốc (TKT), tại một số quận ở thủ đô Seoul hiện nay người ta đang triển khai lắp các phích cắm thông minh có thể đảm nhận luôn chức năng giám sát người già cô đơn, giúp phát hiện tình huống khẩn cấp về sức khỏe. Đây là sản phẩm do các nhà khoa học Hàn Quốc phát minh, dựa trên công nghệ Internet vạn vật (IoT).
Phích cắm điện giám sát người già cô đơn. |
Về cơ bản, các phích cắm này dùng được cho các thiết bị dân dụng như tivi hay máy tính. Nó có thể đo lường và phân tích những biến động trong tiêu thụ điện và đèn chiếu sáng trong nhà. Nếu sau một khoảng thời gian nhất định không có biến động, thiết bị sẽ phát tín hiệu báo động đến các cơ sở chăm sóc tại địa phương. Khi nhận được tín hiệu, nhân viên sẽ liên lạc bằng điện thoại với người ở trong nhà để kiểm tra. Nếu không có phản hồi, họ sẽ đến tận nơi xem xét. Theo TKT, thực chất đây là hệ thống ứng phó khẩn cấp cá nhân (PERS) nhằm hỗ trợ những người sống một mình trong thời điểm đại dịch Covid-19 khi việc chăm sóc sức khỏe gặp nhiều khó khăn.
Tuabin gió vừa sinh điện vừa tạo ra cả nước uống
Madhu Vajrakarur, kỹ sư điện vừa ra trường tại Ananthapur, bang Andhra Pradesh (Ấn Độ) đã sáng tạo một loại tuabin gió có thể sản xuất được cả điện năng lẫn nước uống cùng một lúc. Tuabin “2 trong 1” này có công suất 30KW, và có thể sản sinh 80 - 100 lít nước mỗi ngày. Sản lượng điện do tuabin sản xuất ra có thể đáp ứng nhu cầu của khoảng 25 gia đình.
Theo Madhu, tuabin gió của anh là một hệ thống khép kín. Có một ống thông ở giữa quạt được gắn với tuabin gió để gom không khí dẫn vào. Không khí được làm mát với sự hỗ trợ của máy nén làm lạnh. Nhờ cấu trúc này, hơi nước trong không khí ẩm được chuyển đổi thành nước, được đưa qua hệ thống ống đồng dẫn đến bể chứa lọc, làm sạch và nước có thể sử dụng được ngay.
Công cụ xác định vị trí trồng cây sau cháy rừng
Nhằm xác định vị trí trồng cây sau cháy rừng, nhóm chuyên gia tại Đại học California, cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) và Bộ Lâm nghiệp Mỹ vừa phối hợp phát triển thành công thiết bị có tên Công cụ dự báo tái sinh cây lá kim sau hỏa hoạn (Post-fire Spatial Conifer Regeneration Prediction Tool, gọi tắt POSCRPT), có thể giúp xác định vị trí những nơi cây trồng có khả năng tái sinh tự nhiên và nơi nào cần trồng mới chỉ sau vài tuần diễn ra hỏa hoạn.
Các nhà khoa học đã thu thập dữ liệu phục hồi trong 19 trận cháy rừng từ năm 2004 đến 2012, cũng như dữ liệu về khả năng sản xuất hạt giống của rừng trong 18 năm, đồng thời tham khảo ở hơn 170.000 hạt giống. Kết hợp các dữ liệu này với hình ảnh vệ tinh đa góc nhìn, bản đồ cấu trúc rừng, khí hậu và các dữ liệu môi trường khác, nhóm đề tài đã tạo ra các mô hình không gian, tạo tiền đề cho ra đời POSCRPT. Nhờ công cụ này, con người có thể giải quyết các vấn đề quản lý tài nguyên nảy sinh do biến đổi khí hậu và hỏa hoạn, đặc biệt là xác định vị trí trồng cây sau cháy rừng, nhất là những nơi cần trồng mới.
Áo len thông minh nhắc nhở giãn cách xã hội thời Covid-19
Áo len thông minh do Công ty an ninh Mỹ SimpliSafe thiết kế nhằm đảm bảo khoảng cách an toàn khi tiếp xúc với người khác, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 đang bùng phát tại nhiều nơi trên thế giới. Áo có họa tiết xinh xắn, ưa nhìn, có thể phát sáng và tạo ra âm thanh cảnh báo.
Theo SimpliSafe, “áo len giãn cách xã hội” được trang bị các cảm biến chuyển động giúp kích hoạt còi báo động và đèn LED nhấp nháy khi một người tiến sát trong phạm vi 1,8 m. Nhờ cảnh báo này mọi người có thể giữ khoảng cách tối ưu, hạn chế nhiễm bệnh. Áo len SimpliSafe hiện trong giai đoạn thử nghiệm. Tuy nhiên, SimpliSafe thông báo họ sẽ cho ra mắt các phiên bản mới không kèm công nghệ cảm biến để người dùng tự nâng cấp, cài đặt thêm tiện ích như chuông báo, đèn LED và hệ thống cảm biến phù hợp với sở thích của cá nhân.
Bàn phím ảo
Các kỹ sư tại Đại học California, Mỹ (UoC) vừa phát triển thành công thiết bị cảm biến kết hợp AI (trí tuệ nhân tạo) có khả năng nhận diện cử chỉ bàn tay. Thiết bị này gồm các cảm biến sinh học kết hợp AI, được dùng để điều khiển các bộ phận cơ thể giả hoặc tương tác với bất kỳ thiết bị điện tử mà không cần chạm. Để tạo hệ thống nhận diện cử chỉ bàn tay, nhóm đã thiết kế một dải băng đeo tay có thể đọc tín hiệu điện tại 64 điểm khác nhau trên cẳng tay. Tín hiệu điện sau đó được chuyển vào một con chip điện tử, được lập trình với một thuật toán AI có khả năng liên kết giữa tín hiệu điện với cử chỉ bàn tay cụ thể. Các nhà khoa học đã dạy cho thuật toán nhận diện thành công 21 cử chỉ, bao gồm giơ ngón cái, nắm chặt bàn tay, mở thẳng bàn tay, giơ từng ngón và đếm số.
Trong tương lai, hệ thống này không chỉ được áp dụng vào các bộ phận giả cho người khuyết tật mà còn mở ra khả năng tương tác không chạm với nhiều thiết bị hoặc gõ máy tính mà không dùng bàn phím, chơi game không dùng điều khiển cầm tay hay kể cả lái xe không cần đến vô lăng. Điểm độc đáo của thiết bị này chính là tích hợp được cảm biến sinh học, công nghệ xử lý và phiên dịch tín hiệu cùng với trí tuệ nhân tạo nên nhỏ gọn và tiêu tốn ít năng lượng.
Duy Khắc
(Dịch từ HCU/SC/IMC/UE/TINYC/SCMP- 12/2020)
.
Ý kiến bạn đọc