Những thiết bị thông minh và nghiên cứu hữu ích
Phương pháp tái chế bền vững nhựa dạng polyetylen
Các chuyên gia ở Đại học Konstanz, Đức (UK) vừa phát triển thành công một loại vật liệu có thể thay nhựa dẻo polyethylene bằng công nghệ tái chế bền vững. “Chìa khóa” của công nghệ này là tái cấu trúc lại cách các phân tử nhựa kết hợp với nhau để tạo ra loại nhựa hiệu quả gấp 10 lần sản phẩm cũ và tái chế dễ dàng hơn bằng phương pháp hóa học.
Hầu hết các quy trình tái chế truyền thống đều dựa trên dây chuyền cơ khí vừa phức tạp, tốn kém mà hiệu quả thấp. Công nghệ mới này là tái cấu trúc lại cách các phân tử nhựa kết hợp với nhau khiến quá trình tái chế hóa học hiệu quả hơn nhiều. Nhúng nhựa mới vào ethanol hoặc methanol, thêm chất xúc tác và đặt vào trong môi trường ở nhiệt độ 120 độ C, nhựa sẽ ngay lập tức phân rã. Nếu không có chất xúc tác, quá trình tái chế cũng chỉ cần mức nhiệt 150 độ C. Khi thử nghiệm với nhựa polycarbonate, nhóm nghiên cứu thu về được tới 96% lượng vật liệu có độ bền tương đương với polyethylene đậm đặc và thích hợp cho in 3D. Loại vật liệu tái chế này có thể dùng làm vỏ điện thoại, máy tính hay các vật dụng gia dụng khác mà không lo gây ô nhiễm môi trường.
Phấn hoa làm tăng nguy cơ mắc Covid-19
Nghiên cứu của nhóm chuyên gia ở Đại học Bách khoa Munich, Đức (TUM) phát hiện thấy nguy cơ mắc Covid-19 tăng lên khi có phấn hoa trong không khí. Nếu nồng độ phấn hoa trong không khí cao thì tỷ lệ người nhiễm SARS-CoV-2 tăng lên đáng kể. Nghiên cứu cảnh báo sớm cho nhóm có nguy cơ mắc bệnh cao để tự bảo vệ bằng cách xem dự báo về phấn hoa và đeo khẩu trang lọc bụi khi cần thiết.
Tiến sĩ Athanasios Damialis, Trưởng nhóm nghiên cứu cho hay, từ mùa xuân 2020 ở Bắc bán cầu, sự bùng phát của đại dịch Covid-19 trùng với mùa phấn hoa nở rộ nên nhóm của ông đã thu thập số liệu về các tác nhân này. 154 nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu về phấn hoa gom được từ 130 trạm thuộc 31 quốc gia trên năm lục địa. Kết quả trong thời gian không phong tỏa, tỷ lệ lây nhiễm trung bình cao hơn 4% cho mỗi lần gia tăng 100 hạt phấn hoa trên 1m3 không khí. Tại một số thành phố của Đức, nồng độ phấn hoa lên đến 500 hạt phấn hoa/m3 mỗi ngày nên tỷ lệ lây nhiễm tổng thể tăng hơn 20%. Trong khi đó, ở những khu vực bị phong tỏa, số ca nhiễm trung bình chỉ cao bằng một nửa ở những nơi có nồng độ phấn hoa tương đương.
Nồng độ phấn hoa cao dẫn đến phản ứng miễn dịch đường hô hấp yếu đi, dễ phát sinh ho và cảm lạnh. Thông thường, khi vi rút SARS-CoV-2 xâm nhập vào cơ thể, các tế bào bị nhiễm thường gửi các protein thông tin truyền tín hiệu báo hiệu cho các tế bào lân cận tăng cường khả năng phòng chống vi rút; đồng thời kích hoạt phản ứng viêm thích hợp để chống lại vi rút. Tuy nhiên, nếu nồng độ phấn hoa trong không khí cao và các hạt phấn hoa được hít phải cùng với các hạt vi rút thì protein truyền tín hiệu kháng vi rút sẽ giảm đi.
Kính áp tròng thông minh kết nối Internet
Start-up Mỹ Mojo Vision (MV) vừa phát triển một loại kính áp tròng thông minh tích hợp dữ liệu hiển thị hình ảnh, sơ đồ và nhiều thông tin khác gói gọn trong tầm mắt con người và kết nối liên mạng Internet.
Theo MV, Mojo có thể giúp người dùng di chuyển trên đường phố, nhìn rõ các bước lắp ráp máy móc hoặc thuyết trình không cần nhìn vào màn hình và có thể thay cho hệ thống định vị, hướng dẫn công nhân trong quá trình sản xuất... Nếu trước đây kính áp tròng thông minh chỉ dùng cho lĩnh vực y tế, thì nay được tích hợp thêm nhiều tính năng mới, hữu ích hơn. Đây cũng là kỷ nguyên mới của công nghệ số, khiến các hãng sản xuất kính mắt phải chuyển đổi từ quang học sang kỹ thuật số bởi nó tiên tiến hơn, tiện lợi hơn.
Bát thông minh giúp giảm cân, ăn uống lành mạnh
Kỹ sư người Mỹ Roderic Andrews đã phát minh loại bát kiểm soát khẩu phần ăn dựa trên cơ sở khoa học, giúp người dùng duy trì chế độ ăn uống cân bằng, khoa học có lợi cho sức khỏe và giúp giảm cân. Loại bát này có tên IGGI hiện đang được thương mại tại Mỹ và thị trường châu Âu. Đây là loại bát được làm từ chất liệu Stoneware, vật liệu gốm có thành phần đất sét có chứa hàm lượng đá nhỏ, có thiết kế “ẩn giấu calo” lừa não bộ giúp người dùng ăn ít hơn so với bình thường. Phần đáy cong của bát khiến nó trông luôn đầy ắp nhưng thực tế chứa thức ăn ít hơn 33%, không chứa quá 600 calo. Lòng bát IGGI màu đỏ giúp con người có cảm nhận tích cực, hạn chế sự thèm ăn so với bát đĩa màu trắng. Đặc biệt, nó còn giúp người dùng thích các món có lợi cho cơ thể hơn, nhất là rau xanh.
Bát thông minh giúp giảm cân, ăn uống lành mạnh. |
Khắc Duy
(Dịch từ NSC/EO/DWC/Forbes/Reuters/YDC– 3/2021).
Ý kiến bạn đọc