Phát minh mới lạ cho cuộc sống
Hệ thống cảnh báo va chạm người đi bộ
Để bảo vệ người đi bộ trong bối cảnh giao thông đông đúc như hiện nay, các nhà khoa học ở Viện Fraunhofer Vật lý cao tần, Mạch tích hợp IIS và Trung tâm Ứng dụng Fraunhofer, Đức (gọi chung là Viện Fraunhofer hay IF) đã phát minh một hệ thống cảnh báo va chạm người đi bộ. Hệ thống tích hợp các cảm biến radar MIMO, kết nối với cơ sở hạ tầng, lắp đặt tại các địa điểm đông người đi lại như trạm xe buýt, khu vực trường học hoặc các lối đi bộ. Thuật toán liên tục quét 100 lần/giây, mỗi cảm biến có khả năng xác định người ở khu vực đó; radar xác định tốc độ và hướng mà người đó di chuyển. Nếu xác định người nào đó đang đi tốc độ quá nhanh và nguy hiểm trước luồng xe, hệ thống sẽ phát ra tín hiệu cảnh báo. Tín hiệu không dây sẽ được truyền tới xe ô tô gần đó nhờ thiết bị hạ tầng V2I. Âm thanh, hoặc hình ảnh của hệ thống V2I có thể tự động kích hoạt phanh của những chiếc xe đó. Ngoài ra, ngay cả khi không có ai chuẩn bị bước xuống đường, hệ thống vẫn có thể cảnh báo để lái xe giảm tốc độ nếu thấy nguy hiểm.
Tin vui cho nhóm người rụng tóc, hói đầu
Các nhà khoa học ở Đại học Harvard, Mỹ (HU) đã thực hiện một nghiên cứu chứng minh stress (căng thẳng) có thể dẫn đến tóc bạc và rụng tóc sớm. Qua thử nghiệm trên chuột cho thấy, căng thẳng mãn tính khiến các tế bào gốc nang lông của chuột ở trạng thái “nghỉ hưu” hay bất hoạt trong thời gian dài, không tạo ra các mô tái sinh. Bằng chứng là khi chuột uống loại hormone căng thẳng corticosterone thì hormone căng thẳng tăng vọt, tác động tiêu cực đến các tế bào gốc nang tóc nhưng khi loại bỏ nguồn gốc gây căng thẳng thì quá trình rụng lông giảm hẳn. Thử nghiệm tiếp, các nhà nghiên cứu phát hiện thấy, khi hormone stress tăng cao, nó ngăn cản các tế bào này tiết ra một phân tử gọi là Gas6. Đây là loại protein được chứng minh là có khả năng kích hoạt các tế bào gốc của nang tóc. Nhóm đề tài đã bổ sung Gas6, ngay lập tức protein này đã kích hoạt các tế bào gốc nang tóc đang trong giai đoạn nghỉ ngơi hoạt hóa, giúp tóc phát triển trở lại.
Con người có thể tự “nuôi trồng thịt” mà không cần giết mổ động vật
Để khắc phục tình trạng thiếu thực phẩm trong tương lai và giảm thiểu tối đa chất thải gây ô nhiễm phát sinh hiệu ứng khí nhà kính, kỹ sư người Anh Alice Turner vừa cho ra đời một máy sản xuất thực phẩm có tên Carnerie, cho phép con người tự "trồng thịt" trong tương lai.
Máy sản xuất thực phẩm có tên Carnerie cho phép con người tự "trồng thịt" trong tương lai. |
Carnerie được điều khiển bởi một ứng dụng, nhờ đó người dùng có thể đặt viên nang tế bào lấy từ các trang trại địa phương để “gieo trồng” thành nhiều loại thịt khác nhau. Do đang trong quá trình nghiên cứu, thử nghiệm nên chưa có nhiều thông tin về Carnerie song thiết bị này đang được kỳ vọng giúp con người tự sản xuất thịt trong tương lai mà không cần giết mổ động vật.
Lần đầu tiên thu được 10 gam oxy trên sao Hỏa
Cơ quan Hàng không & Vũ trụ Mỹ (NASA) vừa thông báo đã chuyển đổi CO2 từ bầu khí quyển sao Hỏa thành oxy tinh khiết giúp con người thở được. Đây là thành tựu chưa từng có trong lịch sử loài người. Không khí loãng trên sao Hỏa thu được thông qua thiết bị thí nghiệm trên tàu Perseverance, tàu vũ trụ tự hành 6 bánh đã hạ cánh xuống Hành tinh Đỏ sau 7 tháng di chuyển từ Trái đất.
Trong lần hoạt động đầu tiên, thiết bị nhỏ gọn có kích cỡ tương đương lò nướng bánh mì có tên Moxie đã sản xuất ra được 5 gram oxy, cung cấp lượng oxy đủ cho một phi hành gia thở trong vòng 10 phút. Đây là thành công “điểm nhấn” cho thấy khả năng con người có thể sống được trên sao Hỏa.
Cơ chế hoạt động của Moxie là sử dụng công nghệ điện phân, sử dụng nhiệt độ cực cao để tách nguyên tử oxy khỏi các phân tử CO2 đang chiếm khoảng 95% bầu khí quyển trên sao Hỏa. Moxie có công suất thiết kế để sản xuất được 10 gram oxy/giờ, và phải qua thử nghiệm nhiều lần nữa mới khẳng định chính thức được. Tàu tự hành Perseverance có nhiệm vụ thu thập 30 mẫu đất đá trên sao Hỏa cho đến năm 2030 gửi về Trái đất để phục vụ nghiên cứu về sự sống trên hành tinh này.
Duy Nguyễn
(Dịch từ HFD/GNO/Express/YDC/NHK/NPR–4/2021)
Ý kiến bạn đọc