Multimedia Đọc Báo in

Giảm tử vong mẹ - tử vong sơ sinh: Những điều cần lưu ý đối với phụ nữ trong thời kỳ mang thai và sinh nở

14:49, 04/06/2010

 

Thời kỳ mang thai và sinh nở là giai đoạn đặc biệt quan trọng đối với người phụ nữ. Do đó, muốn có một cơ thể khỏe mạnh, bảo đảm phát triển về tâm sinh lý, các bà mẹ trẻ cần chú ý một số phương pháp về làm mẹ an toàn.
Giai đoạn chuẩn bị mang thai, chị em phải cố gắng ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng và bổ sung thêm viên sắt phòng chống thiếu máu để chuẩn cho một đứa trẻ chào đời. Khi bắt đầu có thai, nên đi khám thai ít nhất từ 3-5 lần trong 3 kỳ thai nghén. Trong 3 tháng đầu của thai kỳ, cần đi khám để xác định chính xác có thai hay không? Đồng thời, khám toàn diện bệnh nội khoa xem có bị thiếu máu, sắt, viêm tiết niệu và khám tử cung, cổ tử cung, buồng trứng để xem có khối u bất thường hay không? Xem thai nằm bên trong hay bên ngoài tử cung. Trong thời gian này, các bà mẹ có thể nghén nhiều, vì vậy cần phải có chế độ dinh dưỡng thật tốt, vệ sinh cá nhân thường xuyên và sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ. Đối với 3 tháng đầu của thai kỳ nên siêu âm vào khoảng tuần thứ 8-10 để xác định tuổi thai. Trong 3 tháng giữa thai kỳ, các bà mẹ cần đi khám thai để bác sĩ phát hiện sớm các triệu chứng và dấu hiệu của tiền sản giật và dự phòng sản giật. Thời kỳ này cần dinh dưỡng tốt, vệ sinh dự phòng để tránh các bệnh viêm nhiễm đường sinh dục. Bên cạnh đó, nên đến bác sĩ để tư vấn xét nghiệm HIV, thông tin về HIV, AIDS, nhất là các bệnh lây truyền và cách ngăn chặn lây truyền từ mẹ sang con và tiêm phòng uốn ván. Trong 3 tháng cuối của thai kỳ, đi khám thai để theo dõi sự phát triển của thai nhi và xác định ngôi thai (xem thai thuận hay ngược) và phát hiện những nguy cơ cho mẹ và thai nhi. Lưu ý, trong thời kỳ này, có thể có một số biến chứng như: xuất huyết âm đạo bất thường, ra nước ối sớm, nhức đầu, hoa mắt của tiền sản giật nặng. Do đó, khi gặp tình huống này, các bà mẹ cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được điều trị. Cần tiêm phòng uốn ván đủ 2 lần trong thai kỳ (lần thứ 2 nên cách ngày sinh ít nhất 1 tháng).
Khi đi sinh nên đến cơ sở y tế để được các bác sĩ, nữ hộ sinh giúp đỡ, không nên sinh tại nhà do mụ vườn đỡ vì có thể dẫn đến băng huyết, vỡ tử cung, thai nhi ngạt , nhiễm trùng hậu sản. Sau khi sinh mẹ tròn con vuông, nên cho con bú sớm trong vòng 1 giờ đầu, không nên cho trẻ uống nước cam thảo, mật ong, nước đường… khi trẻ  sinh ra. Cho con nằm cạnh mẹ để trẻ được ủ ấm từ hơi mẹ bằng phương pháp Kăng-gu-ru và cho trẻ bú nhiều lần trong ngày, bú theo yêu cầu của trẻ. Lưu ý, trước khi cho trẻ bú, các bà mẹ cần dùng bằng khăn sạch, nước ấm để vệ sinh 2 bầu vú và kích thích tuyến sữa tốt.
Bác sĩ Bùi Thị Tâm
(Trung tâm Chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em)

Ý kiến bạn đọc