Dịch sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh: Đã giảm mạnh số người mắc mới
Theo thống kê của Sở Y tế, đến hết ngày 6 - 10, số trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH) trên toàn tỉnh là 4.928 ca, trong đó 3 trường hợp tử vong. Thành phố Buôn Ma Thuột vẫn là địa phương có số trường hợp mắc SXH nhiều nhất với 2.619 ca.
Người bệnh SXH đang được điều trị tích cực tại cơ sở y tế. Ảnh: K.O |
Mặc dù đang là thời điểm SXH hoành hành mạnh nhất trong năm, song, trong 10 ngày trở lại đây, số ca mắc mới trên địa bàn tỉnh đã giảm đáng kể. Hiện tại trung bình mỗi ngày toàn tỉnh có khoảng trên 20 trường hợp mắc mới SXH, giảm khoảng 60% so với cùng kỳ tháng trước (60 – 70 ca/ngày). Đến thời điểm này, các địa phương từng có nhiều người mắc SXH như: Krông Buk, Buôn Hồ, Ea H’leo, Krông Ana, Krông Năng, Ea Súp, Cư Kuin, M’Drak đã “xóa sổ” SXH. Đặc biệt, TP. Buôn Ma Thuột, địa phương dẫn đầu về số người mắc SXH cao cũng đã có dấu hiệu chững lại và giảm hẳn. Cụ thể, thời điểm đầu mùa dịch, tất cả 21 xã, phường trên địa bàn thành phố đều có SXH, trong đó phường Thắng Lợi và xã Cư Êbur còn được coi là điểm dịch của tỉnh, nhưng đến nay, toàn thành phố chỉ còn 8/21 xã, phường có SXH, đặc biệt phường Thắng Lợi và xã Cư Êbur đã “thanh toán” xong SXH và không có trường hợp mắc mới.
Đẩy mạnh tuyên truyền về phòng, chống SXH cho người dân là một trong những biện pháp khống chế hiệu quả sự bùng phát của SXH. Ảnh: K.O |
Theo bác sĩ Nguyễn Phi Tiến, Giám đốc Sở Y tế, sở dĩ dịch SXH ở tỉnh ta giảm mạnh trong khi cả nước đang bước vào đỉnh dịch là do tỉnh ta đã huy động được lực lượng toàn xã hội tham gia vào công tác phòng, chống SXH. Dưới sự chỉ đạo tích cực của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, hoạt động phòng, chống SXH đã được triển khai mạnh mẽ, đồng bộ và có hiệu quả. Thông qua hoạt động tuyên truyền sâu rộng đã làm cho người dân hiểu được SXH ảnh hưởng đến sức khỏe và phòng chống SXH là trách nhiệm của mỗi người, từ đó có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường sạch sẽ, làm cho muỗi không còn nơi sinh sản và khi mắc SXH đã tìm đến cơ sở y tế để được chữa trị kịp thời. Tuy nhiên, cũng theo bác sĩ Tiến thì, mặc dù công tác phòng, chống SXH ở tỉnh ta đến thời điểm này đã đạt được những kết quả khả quan, song với các bệnh SXH, sốt rét và các loại sốt siêu vi khác lại có đặc tính dễ thay đổi và rất dễ bùng phát trở lại. Chính vì vậy, trong bất cứ hoàn cảnh nào, công tác phòng, chống SXH cũng không được phép lơ là, chủ quan mà vẫn luôn chủ động, tích cực và thường xuyên. Đồng thời, người dân cũng vẫn phải nâng cao cảnh giác, thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống SXH cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
Kim Oanh
Ý kiến bạn đọc