Multimedia Đọc Báo in

Vai trò của i - ốt đối với sức khỏe

10:15, 03/11/2010

Theo báo cáo của Bộ Y tế và Unicef tại Hội nghị phòng chống bướu cổ năm 2009 tại TP. Hồ Chí Minh cho thấy, tỷ lệ người dân sử dụng muối i-ốt trong những năm gần đây giảm mạnh: năm 2005, tỷ lệ người dân dùng muối i-ốt trên toàn quốc là 93%, năm 2008 tỷ lệ này giảm xuống còn 88,6%. Tỷ lệ người dân dùng muối i-ốt đặc biệt giảm mạnh ở khu vực Đông Nam Bộ từ 88,8% (2005) xuống còn 83,7% (2008) và Tây Nam Bộ từ 88,8% (2005) giảm xuống còn 74,8% (2008). Riêng ở TP. Hồ Chí Minh, tỷ lệ người dân dùng muối i-ốt là rất thấp, từ 66,7% (2005) giảm xuống còn 54,2% (2008). Một trong những nguyên nhân cho thấy tỷ lệ người dân sử dụng muối i-ốt giảm là do họ dùng các loại bột nêm, bột canh thay cho muối i-ốt.

I-ốt là một nguyên tố hóa học đồng thời là một nguyên tố vi lượng cần thiết cho sự chuyển hóa trong cơ thể. Sau khi đi vào cơ thể, i-ốt chủ yếu được tuyến giáp trạng hấp thu và tham gia vào sự hình thành chất kích thích tố của tuyến giáp trạng. Tuyến này nằm ở hai bên khí quản, phía trước cổ, có tác dụng điều tiết sự chuyển hóa vật chất của cơ thể, thúc đẩy sự sinh trưởng và phát triển. Để có được cơ bắp mạnh khỏe và một thể trọng lý tưởng thì không thể tách rời sự điều khiển của các kích thích ở tuyến giáp trạng. Sự sinh trưởng của thần kinh đại não cũng bắt buộc phải dựa vào các kích thích tố ở tuyến giáp trạng. Ngay từ khi người mẹ mang thai đến khi đứa trẻ sinh ra trong vòng hai tuần đầu là thời kỳ then chốt phát triển của đại não nên rất cần đủ kích tố của tuyến giáp trạng. Để tạo ra lượng kích tố tuyến giáp trạng một cách đầy đủ cần phải có i-ốt bổ sung. Nếu thiếu hụt i-ốt trong thời kì này có thể tạo ra sự phát triển không bình thường của đại não, dẫn đến giảm thiểu trí tuệ và khả năng miễn dịch của cơ thể trẻ.
Các chuyên gia về nội tiết học cho rằng, ở một cơ thể khỏe mạnh chứa 15-20mg i-ốt, trong đó 70-80% được dự trữ ở tuyến giáp, tương đương với nhu cầu i-ốt tối thiểu cần có của con người trong 3 tháng, kho dự trữ này được bổ sung thường xuyên. Cơ thể hấp thu i-ốt chủ yếu qua thức ăn, nước uống và không khí. Suốt cuộc đời, mỗi người chỉ cần một thìa cà phê i-ốt nhưng nó cần được đưa vào cơ thể hằng ngày. Mỗi ngày chúng ta chỉ cần bổ sung một hàm lượng i-ốt nhất định, nếu thừa i-ốt cơ thể sẽ tự điều hòa, đào thải qua đường nước tiểu.

Những người sống ở các vùng ven biển, do ăn nhiều thực phẩm chứa hàm lượng i-ốt cao nên thường không bị thiếu hụt i-ốt, còn dân cư ở miền núi thường bị thiếu hụt i-ốt ở các mức độ khác nhau. Việc chỉ sử dụng các loại lương thực, thực phẩm, rau xanh,... thường không đáp ứng đủ lượng i-ốt cho nhu cầu cơ thể. Để duy trì sự chuyển hóa, lượng i-ốt trong cơ thể thường bị tiêu hao dần. Vì vậy, chúng ta phải bổ sung i-ốt mỗi ngày theo sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

Hiện nay trên thị trường, i-ốt được trộn trong một số thực phẩm cần thiết hàng ngày như nước mắm có i-ốt, muối có i-ốt, bánh có i-ốt bột nêm,... Vậy, sử dụng muối i-ốt như thế nào nhằm bảo đảm i-ốt vào được cơ thể ?

Muối i-ốt nếu cất giữ ở nhiệt độ bình thường (khoảng 20-250C) có thể bảo quản được một năm mà hàm lượng i-ốt cơ bản không bị giảm; nếu cất giữ trong ba năm thì hàm lượng i-ốt giảm khoảng 10%. Tuy nhiên, trong quá trình nấu chín, ở nhiệt độ cao và dưới tác dụng của ion sắt và lượng acid có trong thức ăn sẽ khiến cho lượng i-ốt dễ bị tiêu hao. Do vậy, khi nấu ăn không nên cho muối i-ốt vào trước, đợi đến lúc thức ăn chín mới cho muối i-ốt vào. Ngoài ra, cần chú ý bảo quản muối i-ốt trong lọ gốm sứ và nên đặt ở những nơi khô ráo, mát mẻ.

Những thực phẩm có chứa i-ốt là rong biển, tảo tía, tôm cá biển, hến, sò, trong đó rong biển chứa hàm lượng i-ốt nhiều nhất. Nếu thường xuyên sử dụng các loại thực phẩm này thì có thể không cần bổ sung thêm i-ốt nữa. Phụ nữ mang thai, cho con bú và trẻ em không hấp thụ đủ lượng i-ốt thì không được tự ý sử dụng các loại thuốc có chứa i-ốt mà phải dùng theo sự chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

Hồng Vân (tổng hợp)

 


Ý kiến bạn đọc