Multimedia Đọc Báo in

63% phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có hàm lượng folate thấp

14:39, 10/05/2011

Theo nghiên cứu tại Việt Nam, 57% phụ nữ trong độ tuổi sinh sản (từ 15 – 49 tuổi) đủ chuẩn để sinh con. Trong đó, cứ 5 phụ nữ thì 3 người có folate hồng cầu dưới mức ngưỡng (905 nmol/L) để dự phòng khuyết tật ống thần kinh cho thai nhi.

Theo kết quả nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng quốc gia Việt Nam kết hợp với Đại học Otago (New Zealand) tiến hành, 63% trong số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có hàm lượng folate trong máu thấp hơn ngưỡng tối thiểu cần thiết là 905 nmol/L. Điều này cho thấy nguy cơ mắc phải dị tật ống thần kinh (NTD) sẽ vào khoảng 14,7 trẻ/10.000 trẻ được sinh ra. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do ăn uống thiếu chất dinh dưỡng. Việc bổ sung folate thông qua chế độ dinh dưỡng cho thai phụ tại Việt Nam hiện chưa được chú trọng đúng mức. PGS.TS.BS Lê Bạch Mai nhấn mạnh việc thiếu dinh dưỡng vào đầu thai kỳ, con đẻ ra không bị thấp cân nhưng sau này lại có nguy cơ béo phì và bệnh tim mạch cao. Còn thiếu dinh dưỡng vào cuối thai kỳ, nguy cơ đẻ nhẹ cân và rối loạn khả năng dung nạp glucoza sẽ cao hơn.

Folate có nhiều trong các loại rau màu xanh đậm. Ảnh: TL

Được biết, folate (hay axít Folic) là vitamin B9, thuộc nhóm vitamin tan trong nước. Folate rất cần thiết cho quá trình tạo và tăng trưởng của mọi tế bào. Ở phụ nữ mang thai, nhu cầu về folate tăng gấp 1,5 lần so với lúc bình thường. Khi mang thai, quá trình tạo máu tăng, các mô tăng trưởng nhanh ở cả mẹ lẫn thai nhi. Việc thiếu folate ở phụ nữ mang thai tăng nguy cơ khiếm khuyến ống thần kinh ở thai nhi, gây thiếu máu hồng cầu khổng lồ, nguy cơ sinh non, sinh con nhẹ cân và nguy cơ sẩy thai đều cao. Chính vì vậy, PGS Lê Bạch Mai khuyến nghị các bà mẹ cần chuẩn bị tình trạng dinh dưỡng của mình 24 tuần trước mang thai chứ không phải 16 tuần như trước đây. Các bà mẹ cần chú ý việc dự phòng thiếu folate bằng việc bổ sung các thực phẩm giàu folate ở thức ăn động vật có màu đỏ, gan, lòng đỏ trứng gà, trứng vịt hay ở các rau có màu xanh đậm như rau muống, rau bó xôi, súp lơ, bông cải xanh, hoặc các loại vừng, lạc, các loại đậu (đậu đũa, đậu xanh, đậu tương, đậu Hà Lan…). Tuy nhiên, các bà mẹ cần lưu ý folate cũng dễ mất đi trong quá trình chế biến và nấu nướng thức ăn, đặc biệt là trong điều kiện nấu ở nhiệt độ cao, thời gian lâu và tiếp xúc với không khí.

K.D (nguồn Dân trí)


Ý kiến bạn đọc