Multimedia Đọc Báo in

Những bất cập trong công tác tiêm chủng

16:15, 18/10/2011

Tiêm chủng là một trong những biện pháp phòng bệnh hữu hiệu, giúp cơ thể có sức đề kháng cao và có khả năng chống lại bệnh tật. Do vậy, tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em, phụ nữ mang thai, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là việc làm cấp thiết, góp phần hạn chế tỷ lệ mắc bệnh và tử vong, đặc biệt là tử vong sơ sinh do uốn ván.

Tại tỉnh ta, công tác tiêm chủng mở rộng được triển khai từ năm 1983 và đã đạt được những kết quả khả quan. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi được tiêm chủng trong các chiến dịch và tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có thai được tiêm phòng uốn ván luôn đạt trên 90%. Tính trên địa bàn tỉnh, trường hợp mắc các bệnh như: Sởi, từ đầu năm đến nay là 1 trường hợp, giảm so với cùng kỳ năm 2010 là 5 người; uốn ván sơ sinh là 4 trường hợp, trong đó có 1 ca tử vong trong khi cùng kỳ năm ngoái có 3 trường hợp mắc uốn ván đều tử vong.

Hiện nay, tại các Trạm Y tế xã, phường trên địa bàn tỉnh, công tác tiêm chủng được duy trì hằng tuần, hằng tháng và cũng đã triển khai tiêm vắc-xin sởi mũi 2, tiêm nhắc mũi 4 gồm: bạch hầu, ho gà, uốn ván cho trẻ 18 tháng tuổi. Hầu hết phụ nữ mang thai và có con trong độ tuổi đều nhận thức được lợi ích của việc tiêm chủng và tích cực tham gia tiêm phòng. Tính đến hết tháng 9, các đối tượng trong diện tiêm chủng, như: tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi  được tiêm phòng lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, sởi, bại liệt, viêm màng não đạt 66,1%; phụ nữ có thai tiêm uốn ván là 68,5% và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là 72,4%, tương đương so với cùng kỳ năm trước.

Tiêm chủng cho trẻ dưới 1 tuổi tại phường Thành Nhất (TP. Buôn Ma Thuột).   Ảnh: Liên Chi
Tiêm chủng cho trẻ dưới 1 tuổi tại phường Thành Nhất (TP. Buôn Ma Thuột). Ảnh: Liên Chi
Tuy nhiên, ở một số vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, người dân vẫn chưa nhận thức được lợi ích của  tiêm chủng, chưa hưởng ứng tiêm chủng, gây khó khăn cho cán bộ y tế. Theo kết quả giám sát từ đầu năm đến nay của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, tại các xã Cư Pui, Ea Trul (Krông Bông), có 52 bà mẹ mang thai thì mới chỉ có 25 bà mẹ được tiêm phòng uốn ván và có tới 45 bà mẹ đẻ tại nhà do mụ vườn chưa được đào tạo chuyên môn y tế đỡ. Vì vậy, nguy cơ tiềm ẩn không bảo đảm an toàn sản khoa, uốn ván sơ sinh…chiếm tỷ lệ cao. Ngoài ra, phụ nữ mang thai và trẻ em dưới 1 tuổi tại một số vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là người Mông ở xã Cư Drăm (Krông Bông) đa số không biết tiếng phổ thông nên chưa hiểu và chưa hợp tác với cán bộ y tế trong việc tiêm chủng cho con. Bác sĩ nguyễn Thị Xuân Thu Trưởng Trạm Y tế xã Cư Drăm cho biết: “Vấn đề tiêm phòng uốn ván cho phụ nữ mang thai chưa nhận được sự hợp tác của một số người dân. Khi cán bộ y tế xuống tận các thôn, buôn tiêm thì có những người không muốn tiêm vì họ cho rằng tiêm đau, tiêm cũng chẳng có ích lợi gì. Trẻ em dưới 1 tuổi trên địa bàn xã chiếm tỷ lệ khá cao, tại các thôn dân di cư tự do thường phải tổ chức tiêm vét, khiến tỷ lệ tiêm thì đạt nhưng tiêm đúng lịch thì lại không đạt vì có những bà mẹ sau khi cho con tiêm về thấy nóng, sốt là họ không cho con đi tiêm những mũi sau nữa”.

Tại một số nơi như xã Cư Kbang (Ea Súp), xã Ea Wer (Buôn Đôn)… vẫn còn một số người dân chưa hiểu tiêm chủng để làm gì và càng không quan tâm khi nào cần tiêm nên không tham gia tiêm phòng.

Trước những hạn chế trong công tác tiêm chủng hiện nay ở một số vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã tổ chức các chương trình tập huấn tiêm chủng mở rộng cho cán bộ y tế tuyến cơ sở tại các huyện nhằm giúp họ hiểu rõ hiệu quả của tiêm chủng cũng như thực hiện đúng quy trình tiêm, động tác tiêm; từ đó truyền thông cho người dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số tại vùng sâu, vùng xa nâng cao nhận thức về tiêm chủng để phòng bệnh. Ngoài ra, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh còn thường xuyên tổ chức các đợt giám sát nhằm hỗ trợ cho cán bộ y tế tuyến cơ sở thực hiện tốt công tác tiêm chủng mở rộng, tập trung tiêm vét cho các đối tượng bị bỏ sót, đồng thời tuyên truyền cho phụ nữ mang thai tiêm phòng uốn ván đầy đủ và đến sinh tại các cơ sở y tế. Bác sĩ Phạm Văn Lào, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết: “Trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tăng cường cán bộ đến các huyện để phối hợp với Trung tâm y tế các huyện lập kế hoạch cụ thể để người dân tham gia tiêm chủng đầy đủ cho các đối tượng nằm trong diện tiêm chủng; tăng cường phối hợp với các địa phương trên địa bàn tỉnh tuyên truyền về lợi ích của tiêm chủng, đặc biệt là truyền thông trực tiếp tại cộng đồng cho người dân hiểu và tham gia tiêm phòng. Ngoài ra, chúng tôi sẽ tăng cường cán bộ xuống cơ sở phối hợp với các đơn vị để tiến hành tiêm chủng cho nhân dân”.

Hương Xuân

Ý kiến bạn đọc