Huyện M'Đrắk: Phòng chống bệnh dại còn nhiều khó khăn
Mặc dù trên địa bàn vừa xảy ra một trường hợp tử vong do bệnh dại và ngành Y tế địa phương cũng thường xuyên tuyên truyền các biện pháp phòng chống bệnh dại, song vẫn còn không ít người dân huyện M’Đrắk thờ ơ trước căn bệnh nguy hiểm này.
Ngành Y tế đẩy mạnh tuyên truyền, giám sát
Là cộng tác viên y tế của buôn Đứk, xã Cư M’ta (huyện M’Đrắk), hằng ngày, bà Hồng Thị Nguyệt vẫn thường xuyên tuyên truyền cho người dân trên địa bàn về các dịch bệnh truyền nhiễm và các biện pháp phòng chống, trong đó có bệnh dại. Đặc biệt, sau khi huyện nhà ghi nhận một trường hợp tử vong do bị chó dại cắn mà không tiêm vắc xin phòng bệnh, bà Hồng càng chú trọng hơn đến việc nâng cao nhận thức của người dân về bệnh dại. Bà Hồng cho biết, người dân trong buôn thường có thói quen nuôi chó thả rông, nhiều hộ còn nuôi rất nhiều chó, nên nguy cơ chó cắn người là rất cao. Vì thế, để loại trừ nguy cơ này, bà đã đến từng nhà dân, vận động bà con tiêm phòng dại cho đàn chó. Đồng thời, tuyên truyền để bà con biết được sự nguy hiểm của bệnh dại, từ đó chủ động đến cơ sở y tế khám và tiêm vắc xin phòng bệnh khi bị chó cắn.
Cán bộ Trung tâm Y tế huyện M’Đrắk tuyên truyền về các biện pháp phòng chống bệnh dại cho người dân. |
Với sự tuyên truyền thường xuyên, liên tục của cán bộ y tế, người dân buôn Đứk đã bắt đầu quan tâm đến bệnh dại. Bà H’Piêu Ksơr ở buôn Đứk bộc bạch: Trước đây, mỗi khi bà con buôn mình bị chó cắn đều nghĩ là chó nhà nuôi rất lành nên không đến cơ sở y tế để tiêm phòng mà chỉ lấy lá cây đắp cho nhanh khỏi. Giờ được cán bộ y tế tuyên truyền, giải thích, bà con trong buôn đã biết về cách phòng chống như chủ động đi tiêm phòng nếu bị chó cắn, tiêm phòng bệnh dại cho chó nuôi trong nhà ...
Để nâng cao ý thức người dân trong phòng chống bệnh dại, thời gian qua, Trung tâm Y tế huyện M’Đrắk đã chỉ đạo các trạm y tế tham mưu cho UBND các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch, tổ chức rà soát, thống kê chính xác số hộ nuôi chó ở từng khu dân cư, lập sổ theo dõi hộ nuôi chó và số lượng chó nuôi trong từng hộ gia đình nhằm hỗ trợ công tác tiêm phòng vắc xin dại triệt để trên đàn chó; yêu cầu các hộ nuôi chó cam kết thực hiện nghiêm túc việc khai báo, đăng ký chó nuôi, chấp hành việc xích, nhốt và tiêm phòng vắc xin dại cho chó nuôi theo đúng quy định. Cùng với đó, ngành y tế cũng đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng dân cư, hộ gia đình về tính chất nguy hiểm của bệnh dại, các dấu hiệu nhận biết động vật mắc bệnh dại, các biện pháp phòng chống; phối hợp với Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện thông tin thường xuyên tình hình và nguy cơ bệnh dại trên đàn vật nuôi, thông báo thời gian tổ chức tiêm phòng dại cho chó, mèo trên địa bàn; tuyên truyền, vận động cán bộ thú y, người làm nghề buôn bán, giết mổ chó, mèo chủ động tiêm vắc xin phòng dại trước phơi nhiễm…
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Y tế huyện M’Đrắk, năm 2017, toàn huyện chỉ có 13 trường hợp bị chó cắn đến tiêm vắc xin điều trị dự phòng và trong 6 tháng đầu năm 2018 chỉ có 4 trường hợp. |
Theo ông Võ Trọng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện M’Đrắk, ngay sau khi tiếp nhận thông tin về ca bệnh tử vong do dại tại xã Ea H’Mlay, Trung tâm đã kịp thời xuống giám sát, điều tra ca bệnh và xác định vùng nguy cơ véc tơ, từ đó phối hợp với chính quyền địa phương, trạm y tế triển khai các biện pháp phòng chống bệnh dại. Đồng thời, Trung tâm cũng tiếp tục có văn bản chỉ đạo các trạm y tế xã tăng cường phòng chống bệnh dại trên địa bàn toàn huyện.
Nhiều người dân còn lơ là, chủ quan
Mặc dù công tác tuyên truyền đã được đẩy mạnh, song nhận thức về phòng chống dịch bệnh nói chung và bệnh dại nói riêng cũng như công tác tiêm chủng mở rộng của người dân trên địa bàn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu vùng xa, đồng bào di cư từ vùng núi phía Bắc vào vẫn còn hạn chế nên công tác hưởng ứng các hoạt động phòng chống dịch bệnh chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.
Trên thực tế, hiện tượng chó nuôi thả rông, không đeo rọ mõm và cắn người nơi công cộng vẫn còn phổ biến trên địa bàn huyện M’Đrắk. Thống kê của ngành chức năng tại địa phương này cho thấy, toàn huyện có tổng đàn chó khoảng 6.500 con, nhưng tỷ lệ tiêm phòng dại trên đàn chó chỉ đạt khoảng 17%. Đáng chú ý, nhiều người dân bị chó cắn còn rất chủ quan, không đến các cơ sở y tế để tiêm phòng.
Tại nhiều khu vực dân cư trên địa bàn huyện M’Đrắk, người dân vẫn giữ thói quen nuôi chó thả rông, không đeo rọ mõm. |
Được biết, một con chó mang vi rút dại có thể di chuyển được vài chục cây số từ khi phát hiện bệnh đến khi chết. Trong quá trình di chuyển đó, nó có thể điên cuồng cắn và truyền bệnh cho bất cứ ai hoặc con vật nào nó gặp trên đường. Có những con chó chỉ bỏ ăn, nằm một chỗ nhưng chỉ cần nước dãi của nó tiếp xúc với vết trầy xước trên cơ thể người đều có thể lây nhiễm. Thiết nghĩ, để chủ động phòng chòng bệnh dại, không xuất hiện thêm trường hợp tử vong do bệnh dại, huyện M’Đrắk cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các ban, ngành, đoàn thể trong triển khai phòng chống bệnh dại tại địa phương; tăng cường hơn nữa công tác truyền thông phòng chống bệnh dại và tuyên truyền phải phù hợp với đặc thù dân cư. Đồng thời, mỗi người dân cũng cần chủ động hơn trong công tác phòng chống bệnh dại, khi bị chó dại cắn cần đến ngay cơ sở y tế để được điều trị dự phòng phơi nhiễm bệnh dại. Đối với các hộ nuôi chó nên chủ động tiêm vắc xin phòng dại cho chó mỗi năm để tạo miễn dịch, phòng dại cho vật nuôi.
Kim Oanh
Ý kiến bạn đọc