Giao mùa, thai phụ cần thận trọng với bệnh cúm
Khi mang thai, sức đề kháng của cơ thể giảm đi rất nhiều khiến cho hệ miễn dịch của thai phụ trở nên yếu ớt.
Do đó, các bà bầu dễ bị ho, cảm lạnh, cúm… Khi mắc bệnh, nếu thai phụ chủ quan không điều trị kịp thời hoặc điều trị không đúng cách sẽ có thể mang lại hậu quả nguy hiểm như sảy thai, sinh non, con sinh ra bị nhẹ cân, dị tật bẩm sinh, thai chết lưu hoặc tăng tỷ lệ tử vong cũng như bệnh tật cho đứa con khi chào đời.
Trong thời kỳ mang thai, giai đoạn 3 tháng đầu là thời kỳ thai nhi hình thành tổ chức. Nếu giai đoạn này bà bầu bị cúm sẽ rất nguy hiểm bởi nó sẽ ảnh hưởng đến quá trình hình thành tổ chức, có thể gây ra khiếm khuyết hoặc đột biến nhiễm sắc thể khiến em bé sinh ra bị dị tật bẩm sinh như sứt môi, hở hàm ếch… Đặc biệt, nếu người mẹ bị cảm cúm do nhiễm Rubella thì thai nhi có nguy cơ bị hội chứng Rubella bẩm sinh đến 90%, virút này cũng có khả năng gây dị tật, tổn thương ở mắt và hệ thần kinh cho thai nhi. Như trường hợp chị Trương Thị Mai (huyện Cư Kuin) đến giờ vẫn rất ân hạn vì sự chủ quan và thiếu hiểu biết của mình khiến con bị dị tật. Chị tâm sự: “Khi tôi có thai được 2 tháng thì bị ho, sổ mũi, sốt nhẹ, nghĩ không vấn đề gì nên tôi tự mua thuốc cảm uống. Tuy nhiên, đến khi thai lớn, đi siêu âm, bác sĩ bảo con tôi bị dị tật hở hàm ếch. Hỏi nguyên nhân, tôi mới biết do mấy tháng đầu mình bị cảm mà chủ quan tự ý điều trị. Thật sự tôi rất buồn vì sự thiếu hiểu biết của mình khiến con bị ảnh hưởng như vậy”.
Cán bộ y tế xã Hòa Thắng (TP. Buôn Ma Thuột) tư vấn, hướng dẫn cách xử trí cho một thai phụ có biểu hiện cảm cúm. |
Trong quá trình mang thai, khi có dấu hiệu gì bất thường về sức khỏe kể cả cảm cúm, tốt nhất các bà mẹ nên tìm đến bác sĩ để được khám và tư vấn cẩn thận, không nên tự ý dùng bất cứ loại thuốc nào để tránh những di chứng đáng tiếc cho con mình. |
Hậu quả của bệnh cúm gây ra để lại di chứng nặng nề như vậy nhưng khi đang mang bầu, việc dùng thuốc trị bệnh lại vô cùng nguy hiểm bởi hầu hết các thuốc đều có thể gây hại cho cả mẹ và con cũng như quá trình mang thai. Để an toàn cho mẹ và con, khi phát hiện mình có những triệu chứng của cúm như sốt, đau nhức cơ thể, đau đầu, mệt mỏi, chảy nước mũi, nghẹt mũi, ho, đau họng, hắt hơi, ớn lạnh…thì thai phụ cần đến ngay các cơ sở y tế để được bác sĩ khám và tư vấn. Bác sĩ CKII Đoàn Sỹ Hoàng, Trưởng khoa Sản (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên) nhấn mạnh: “Tôi khuyến cáo tất cả phụ nữ mang thai, nếu bị cúm đừng bao giờ tự mua thuốc uống, tuyệt đối không tự mua thuốc điều trị tại nhà bởi vì virút không có thuốc chữa, chỉ có dự phòng hoặc tiêm vắc xin. Để phòng tránh mắc bệnh thời kỳ mang thai, thai phụ nên tăng cường sức đề kháng cơ thể bằng cách uống nước chanh, nước cam, ăn uống khoa học, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể, khi bị cúm có thể dùng một số loại lá nấu và xông…Trong thời điểm giao mùa này, bà bầu hạn chế tới những chỗ đông người, giữ vệ sinh cá nhân thật tốt, luôn giữ ấm cơ thể. Tốt nhất nên tiêm vắc xin phòng cúm trước khi mang thai 3 tháng để đảm bảo an toàn”.
Phương Nhiên
Ý kiến bạn đọc