Multimedia Đọc Báo in

Hướng tới kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh

07:59, 22/11/2018

Hiện nay, có không ít gia đình sống trong nghèo khó, ăn bữa trước lo bữa sau nhưng vẫn “cố” đẻ nhiều chỉ vì muốn có con trai “nối dõi tông đường”. Song rất nhiều gia đình khác dù sinh con một bề là gái nhưng cuộc sống lại hạnh phúc, vẹn tròn…

Hạnh phúc ở những gia đình sinh con một bề là gái

Là gia đình sống ở nông thôn, cuộc sống không mấy dư giả, chị Hà Thị Miên (39 tuổi, ở buôn Dliê Ya A, xã Dliê Ya, huyện Krông Năng) ý thức được việc không sinh thêm con thứ 3 khi đã có 2 con gái là một quyết định đúng đắn. Chị tâm sự: "Gia đình tôi cũng khó khăn nên hai vợ chồng quyết định không sinh thêm và động viên nhau cố gắng làm lụng phát triển kinh tế gia đình để lo cho các con được ăn học đầy đủ, nên người. Con cái là trời cho, dù là trai hay gái thì sinh được con khỏe mạnh, lành lặn, ngoan ngoãn là hạnh phúc rồi".

Cộng tác viên dân số buôn Dliê Ya A hướng dẫn phụ nữ trong độ tuổi sinh nở thực hiện kế hoạch hóa gia đình.
Cộng tác viên dân số buôn Dliê Ya A hướng dẫn phụ nữ trong độ tuổi sinh nở thực hiện kế hoạch hóa gia đình.

Mặc những lời gièm pha “chỉ làm ông ngoại”, “ngồi mâm dưới” hay những lời khuyên cố sinh thêm đứa thứ 3 để có con trai lo hương hỏa về sau, vợ chồng chị Miên vẫn kiên định với lựa chọn của mình. Hai cô con gái, chị 8 tuổi, em 4 tuổi xinh xắn, ngoan ngoãn luôn là động lực để anh chị phấn đấu vươn lên. Anh Hà Văn Khấm, chồng chị Miên cho biết: Tuy chỉ có 2 con gái, nhưng các con quấn quýt, yêu thương nhau, cuộc sống gia đình dẫu còn khó khăn nhưng luôn hòa thuận, chỉ thế thôi cũng đủ động lực để tôi phấn đấu làm ăn lo cho vợ con.

Giống như gia đình chị Miên, vợ chồng chị Nguyễn Thị Như Quỳnh (30 tuổi, ở thôn 2, xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột) cũng có 2 con gái 6 tuổi và 4 tuổi. Lúc đầu vợ chồng chị Quỳnh cũng tính sinh thêm con cho “có nếp, có tẻ”, nhưng nhờ cộng tác viên dân số của thôn thường xuyên đến nhà trò chuyện, phân tích cho thấy cái hay, cái dở của việc sinh nhiều con và sinh con một bề, suy nghĩ “phải có con trai” đã dần thay đổi. Chị Quỳnh chia sẻ: Ban đầu chồng tôi vẫn tâm niệm sinh thêm để có con trai, nhưng khi nghe được những ví dụ cụ thể từ cán bộ dân số, chồng tôi cũng hiểu dù là con nào đi nữa, nếu mình chăm sóc và nuôi dạy con tốt thì sau này nó đều hiếu kính với bố mẹ chứ không chỉ riêng con trai mới làm được. Tư tưởng được đả thông, lại cộng thêm việc chúng tôi không phải chịu áp lực từ mẹ chồng và các anh chị em nên cả hai vợ chồng đều thống nhất “dừng ở 2 con để nuôi dạy cho tốt”.

Trong buổi làm việc với đoàn công tác của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình mới đây, lãnh đạo Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP. Buôn Ma Thuột đề nghị cần có chế độ khuyến khích về vật chất và tinh thần cho các gia đình sinh con một bề là gái điển hình tiên tiến tại địa phương để nhân rộng, góp phần thực hiện có hiệu quả Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh.

Có được sự đồng cảm và thấu hiểu giữa 2 người, vợ chồng chị Quỳnh đã vượt qua rào cản tâm lý, không sinh thêm con, tập trung phát triển kinh tế gia đình để có điều kiện lo cho 2 con. Vì thế, dù tuổi còn khá trẻ, anh chị đã có một cơ ngơi khang trang, con cái được chăm sóc đầy đủ, tươm tất.

Xóa bỏ tư tưởng “trọng nam khinh nữ” 

Cuộc sống ngày nay của các gia đình trẻ đã tiến bộ và thoáng hơn rất nhiều về vấn đề con cái so với giai đoạn trước, song tư tưởng “trọng nam khinh nữ” hay quan niệm sinh con trai để “nối dõi tông đường” vẫn tồn tại trong không ít gia đình. Chính tư tưởng này là nguyên nhân dẫn đến nhiều hệ lụy: lựa chọn giới tính khi sinh, gia tăng tình trạng mất cân bằng giới tính, tăng tỷ lệ sinh con thứ 3, ảnh hưởng đến chất lượng dân số... Để thay đổi được quan niệm cổ hủ ấy, để ngày càng có nhiều gia đình sinh con một bề là gái như vợ chồng chị Miên, chị Quỳnh chấp nhận mô hình gia đình không có con trai đòi hỏi sự nỗ lực không nhỏ của đội ngũ cán bộ làm công tác dân số trên địa bàn tỉnh. Chẳng hạn như tại buôn Dliê Ya A, xã Dliê Ya, huyện Krông Năng, trước thực trạng sinh con thứ 3 xảy ra khá nhiều trong buôn, nhất là ở các gia đình đã có 2 con gái, cán bộ chuyên trách dân số xã và cộng tác viên dân số của buôn đã “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền, vận động. Chị Nguyễn Thị Sương, cộng tác viên dân số buôn Dliê Ya A cho biết: Muốn chị em hiểu và chấp nhận sử dụng các biện pháp tránh thai thực hiện kế hoạch hóa gia đình, chúng tôi phải tỉ tê trò chuyện, phân tích cho họ thấy được mình sinh con ra, có chăm sóc được cho con đầy đủ như bạn bè không, có dạy con học hành nên người hay không mới là điều quan trọng, chứ “có nếp, có tẻ” mà gia đình khó khăn, con cái không nghe lời thì sẽ khổ hơn. Nhờ vậy, từ một “điểm nóng” của xã về tình trạng sinh con thứ 3, đến nay số hộ gia đình sinh con thứ 3 trở lên ở buôn duy trì ở mức 10%, thấp hơn nhiều so với bình quân chung của xã (15,5%). Đặc biệt, nhiều gia đình sinh con một bề cũng dần thay đổi suy nghĩ “cần con trai để nối dõi tông đường”, quyết tâm chỉ sinh hai con để có điều kiện nuôi dạy tốt.

Chị Nguyễn Thị Như Quỳnh (bên phải) thường xuyên được cộng tác viên dân số của thôn đến chia sẻ kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản.
Chị Nguyễn Thị Như Quỳnh (bên phải) thường xuyên được cộng tác viên dân số của thôn đến chia sẻ kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản.

Còn tại xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột, nhiều gia đình rất có điều kiện để có thể lựa chọn giới tính, hay sinh thêm con thứ 3, nhưng họ đều dừng lại ở hai con mặc dù cả hai là gái. Theo chị Đinh Thị Hoài Phương, cán bộ chuyên trách dân số xã thì để duy trì được tỷ lệ sinh con thứ 3 hằng năm ở mức 4,34%, đội ngũ cán bộ dân số đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể của xã tổ chức tuyên truyền sâu rộng nhằm nâng cao nhận thức của người dân; duy trì sinh hoạt của các câu lạc bộ không sinh con thứ 3; thực hiện ký cam kết không sinh con thứ 3 đối với các cặp vợ chồng đã sinh đủ 2 con… 

Kim Oanh

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.