Multimedia Đọc Báo in

Huyện Cư Kuin tích cực ngăn chặn bệnh sởi lây lan

08:54, 27/05/2019

Trước diễn biến phức tạp và khả năng gây biến chứng nặng của bệnh sởi, huyện Cư Kuin đã tích cực triển khai các giải pháp ứng phó với dịch bệnh.

Theo thống kê của Trung tâm Y tế huyện, từ đầu tháng 3 đến nay, trên địa bàn huyện có 78 trường hợp sốt phát ban nghi mắc sởi. Số trường hợp nghi mắc bệnh được ghi nhận tại 8/8 xã, gồm: xã Ea Tiêu (37 ca), xã Ea Bhốk (17 ca), Dray Bhăng (2 ca), Ea Ning (7 ca), Ea Hu (1 ca), Ea Ktur (10 ca), Hòa Hiệp (2 ca) và Cư Êwi (4 ca). Đối tượng mắc bệnh phần lớn là trẻ em người dân tộc thiểu số từ 1 - 6 tuổi. Qua khai thác tiền sử, phần lớn các trường hợp nhập viện đều không tiêm phòng vắc xin sởi hoặc có tiêm nhưng chưa đủ số mũi.

Ngay khi liên tục tiếp nhận các bệnh nhân sốt phát ban nghi sởi, Bệnh viện Đa khoa huyện đã tổ chức tập huấn hướng dẫn chẩn đoán, quy trình tiếp nhận và chăm sóc người bệnh cho cán bộ y tế; tăng cường phòng cách ly điều trị sởi nhằm hạn chế tối đa việc nhiễm khuẩn chéo và lây lan bệnh sởi trong toàn bệnh viện. Cùng với đó, Trung tâm Y tế huyện cũng chủ động tổ chức tập huấn kiến thức phòng, chống dịch bệnh và lợi ích của việc tiêm vắc xin phòng sởi cho đội ngũ cộng tác viên y tế thôn, buôn; đẩy mạnh công  tác tuyên truyền qua loa phát thanh huyện, xã và các buổi họp thôn, buôn nhằm nâng cao ý thức tự giác của người dân trong việc bảo đảm sức khỏe cho trẻ; tổ chức phun hóa chất xử lý môi trường, nhất là ở những địa bàn có nhiều trường hợp nghi mắc bệnh…

Bệnh nhi mắc sởi đang  điều trị  tại  Bệnh viện Đa khoa huyện  Cư Kuin.
Bệnh nhi mắc sởi đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Cư Kuin.
 
“Nhờ chủ động triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nên các trường hợp nghi mắc bệnh đều được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, chưa có trường hợp biến chứng nặng, tử vong do bệnh sởi”.
 
Bác sĩ  Nguyễn Khắc Dũng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Cư Kuin

Là địa phương có số ca nghi mắc bệnh sởi cao, thời gian qua, Trạm Y tế xã Ea Tiêu đã tiến hành rà soát, nắm bắt tình hình mắc dịch bệnh diễn ra trên địa bàn để khoanh vùng, xử lý ổ dịch kịp thời. Bên cạnh đó, cán bộ y tế và cộng tác viên y tế thôn, buôn còn trực tiếp đến từng hộ gia đình có trẻ dưới 5 tuổi để tuyên truyền vận động người dân đưa con đi tiêm chủng đúng lịch, đúng tuổi; hướng dẫn vệ sinh cá nhân cho trẻ và đưa trẻ có các dấu hiệu của bệnh tới trạm y tế khám, điều trị. Bằng những hoạt động tích cực, kịp thời, đến nay ý thức của người dân trên địa bàn xã về phòng chống dịch bệnh đã từng bước được cải thiện. Chị H'Lệ Niê ở thôn 4, xã Ea Tiêu chia sẻ: “Con trai tôi được 21 tháng tuổi, đã tiêm vắc xin sởi mũi 1. Nhờ được cán bộ y tế đến nhà tuyên truyền, gia đình tôi đã hiểu được tác hại của bệnh sởi và tầm quan trọng của việc tiêm phòng. Để bảo vệ sức khỏe cho con, tôi đã chủ động đưa cháu đến trạm y tế xã để tiêm vắc xin phòng bệnh”.

Điều dưỡng Bệnh viện Đa khoa huyện Cư Kuin tư vấn cho người nhà bệnh nhân cách chăm sóc trẻ bị bệnh sởi.
Điều dưỡng Bệnh viện Đa khoa huyện Cư Kuin tư vấn cho người nhà bệnh nhân cách chăm sóc trẻ bị bệnh sởi.

Bác sĩ Nguyễn Khắc Dũng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Cư Kuin cho biết, do bệnh sởi lây lan qua đường hô hấp nên công tác phòng chống dịch gặp không ít khó khăn. Đặc biệt, thời tiết giao mùa như hiện nay sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vi rút sởi phát triển, lây lan nhanh trong cộng đồng. Vì vậy cách phòng tránh bệnh hiệu quả nhất là tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch. Ngoài ra, phụ huynh cần chú ý bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cho trẻ, đặc biệt là thực phẩm giàu vitamin A; tắm rửa, vệ sinh cho trẻ thường xuyên bằng xà phòng để loại bỏ vi khuẩn; giữ nhà cửa thông thoáng, sạch sẽ; khi phát hiện trẻ có dấu hiệu mắc bệnh cần đưa đi khám ở cơ sở y tế gần nhất…

Như Quỳnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.