Multimedia Đọc Báo in

Cảnh báo tình trạng loạn thần do rượu

08:25, 01/06/2019

Rượu thường được dùng làm thức uống trong các bữa tiệc, lễ lạt… song nhiều người có thói quen uống rượu thường xuyên sẽ dễ trở nên nghiện rượu.

Nghiện rượu là nguyên nhân gây ra rất nhiều biến chứng về tiêu hóa, tổn thương đến gan mật cũng như thần kinh; trong đó, chứng loạn thần do rượu có thể ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến sức khỏe con người.

Theo số liệu tổng hợp của Bệnh viện Tâm thần tỉnh, trung bình mỗi tháng đơn vị tiếp nhận khám và điều trị hơn 40 trường hợp bệnh nhân bị chứng loạn thần do rượu. Tất cả những bệnh nhân này đều có chung tiền sử nghiện rượu, phần lớn là nam, từ 40 tuổi trở lên.

Như trường hợp anh T. Đ.H (32 tuổi, ở huyện Krông Ana) có tiền sử nghiện rượu; cách đây vài ngày, bệnh nhân có biểu hiện run rẩy, hay giật mình hoảng hốt, lo lắng, lên cơn co giật, mê sảng… khiến người nhà phải đưa đến Bệnh viện Tâm thần cấp cứu. Bệnh nhân T.V.D (37 tuổi, ở huyện Krông Pắc) cũng đang được điều trị chứng loạn thần do rượu tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh. Người nhà bệnh nhân kể: “D. nghiện rượu nặng, sáng ngủ dậy chưa ăn gì đã uống rượu, cơ thể ngày một suy kiệt. Sau đó, D. bị co giật, nói năng lung tung, hoang tưởng nên gia đình đã đưa vào bệnh viện cấp cứu”. 

Một bệnh nhân bị loạn thần do rượu được điều trị tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh.
Một bệnh nhân bị loạn thần do rượu được điều trị tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh.

Bác sĩ Hoàng Thị Duyên, Trưởng Khoa Động kinh, nghiện chất, vật lý trị liệu, phục hồi chức năng - Bệnh viện Tâm thần tỉnh cho biết, rượu là một chất kích thích tác động tâm thần mạnh. Những người thường xuyên uống rượu, uống với mức độ nhiều và nghiện lâu ngày sẽ có khả năng bị một số bệnh thần kinh, như: loạn thần do rượu (có biểu hiện rối loạn cảm xúc, hành vi, hoang tưởng, ảo giác…); sảng rượu (người bệnh có biểu hiện run, hoảng hốt, lo âu, trầm cảm, ý thức mê sảng hoặc lú lẫn…); hoang tưởng.

Những trường hợp nghiện rượu nặng, nghiện rượu mãn tính thì mức độ ảnh hưởng cũng trầm trọng hơn. Người bệnh có thể mất khả năng kiềm chế, không kiểm soát được hoạt động của bản thân, dễ gây ra các vụ tai nạn giao thông hoặc gây gổ đánh nhau, gây mất trật tự nơi công cộng. Mặt khác, người bệnh còn bị viêm loét dạ dày, chảy máu dạ dày, viêm đa dây thần kinh, tê phù. Ngoài ra, người uống quá nhiều rượu có thể ngộ độc, bất tỉnh, hôn mê và tử vong.

Để phòng tránh các bệnh do rượu và các chứng rối loạn tâm thần do rượu, nên hạn chế sử dụng các chất kích thích như: rượu, bia…; người nghiện rượu cần phải được cai nghiện. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần quản lý, kiểm soát chặt chẽ trong việc sản xuất, mua bán và sử dụng rượu, nhằm hạn chế thấp nhất các tác hại của rượu đối với sức khỏe và đời sống con người.

Theo thống kê của Bệnh viện Tâm thần trung ương, rượu có liên quan đến ít nhất 50% trường hợp tử vong do tai nạn giao thông; 67% các vụ tự tử có liên quan đến rượu và 80% người nghiện rượu có triệu chứng trầm cảm.


Minh Thu - Mỹ Hạnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.