Không nên chủ quan khi bị viêm thanh quản
Viêm thanh quản là một bệnh thường gặp về đường hô hấp. Nguyên nhân do thời tiết thay đổi đột ngột, nhiễm vi rút, vi khuẩn hoặc do các yếu tố môi trường, đặc thù công việc làm sưng, viêm dây thanh âm dẫn tới những biến dạng của âm thanh được tạo ra, khiến giọng nói bị khàn hoặc mất giọng.
Đa phần bệnh viêm thanh quản không gây nguy hại cho sức khỏe nhưng lại ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống do viêm thanh quản ảnh hưởng đến giọng nói - phương tiện giao tiếp chủ yếu của con người. Vì vậy, nhiều người thường chủ quan không chữa hoặc tự mua thuốc điều trị. Điều này rất nguy hiểm bởi nếu không được điều trị kịp thời bệnh có thể chuyển thành mạn tính, là yếu tố thuận lợi hình thành các khối u ở thanh quản.
Viêm thanh quản có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, ở thể cấp tính hoặc mạn tính. Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên viêm thanh quản như người thường xuyên nói nhiều, nói to (giáo viên, ca sĩ, người kinh doanh buôn bán...); người thường xuyên sử dụng rượu bia, chất kích thích, tiếp xúc với khói bụi, môi trường ô nhiễm; người mắc các bệnh đường hô hấp như viêm họng, viêm xoang, viêm mũi… khiến dịch chứa vi khuẩn, nấm, vi rút chảy xuống họng, thanh quản làm tổn thương dây thanh; người mắc hội chứng trào ngược axit dạ dày, thực quản...
Ảnh minh họa: Internet |
Bác sĩ Đinh Hoàng Anh, Khoa Tai Mũi Họng (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên) cho biết, các triệu chứng phổ biến của viêm thanh quản là giọng nói suy yếu, mất giọng, khản tiếng, khô họng, ho khan... khiến người bệnh mệt mỏi và khó chịu. Viêm thanh quản mạn tính có thể xuất hiện các khối u thực thể ở thanh quản như: hạt xơ dây thanh, u nang dây thanh, polyp dây thanh sẽ gây ra căng dây thanh âm, thương tích hoặc tăng trưởng trên các dây thanh âm và nguy hiểm nhất là ung thư thanh quản...
Để chẩn đoán viêm thanh quản cần nội soi, xét nghiệm máu để xác định nguyên nhân. Trong trường hợp nghi ngờ dây thanh âm có vấn đề (u, hạt, sần sùi…) cần sinh thiết để xét nghiệm tế bào. Trong quá trình điều trị viêm thanh quản, bên cạnh các phương pháp như: chườm nóng vùng cổ, dùng thuốc… để đạt hiệu quả cao, người bệnh cần hạn chế nói to, nói nhiều; hạn chế rượu bia, thuốc lá, điều trị các bệnh liên quan như viêm mũi – xoang, trào ngược dạ dày – thực quản (nếu có); giữ ấm và vệ sinh sạch sẽ vùng họng; nếu lao động trong môi trường ô nhiễm thì cần có chế độ bảo hộ lao động tốt...
Để phòng viêm thanh quản, cần lưu ý không để bị lạnh đột ngột nhất ở vùng cổ và họng. Cần mặc ấm khi trời lạnh, ra khỏi nhà, ngoài mặc ấm cho cơ thể cần quàng cổ bằng khăn ấm, đeo khẩu trang để giữ ấm cổ, họng, mũi và tránh bụi. Không uống nước lạnh, không uống bia lạnh. Với người thường bị viêm thanh quản, viêm thanh quản mạn tính không nên ở trong phòng máy lạnh. Khi bị viêm thanh quản, người bệnh cần đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị, tránh dùng thuốc tại nhà vì có thể gây nguy hiểm và không mang lại hiệu quả điều trị.
Võ Quỳnh
Ý kiến bạn đọc