Multimedia Đọc Báo in

Nhiều bất cập ở Bệnh viện Đa khoa thị xã Buôn Hồ

09:06, 10/09/2019

Bệnh viện Đa khoa thị xã Buôn Hồ thành lập từ năm 2009 và được công nhận là Bệnh viện hạng II từ năm 2014. Tuy nhiên hiện nay Bệnh viện bộc lộ nhiều bất cập, ảnh hưởng đến công tác khám bệnh và điều trị cho người dân ở địa phương.

Được tách ra từ Trung tâm Y tế huyện Krông Búk (cũ), Bệnh viện Đa khoa thị xã Buôn Hồ được đầu tư xây dựng thêm khu nhà 3 tầng để phục vụ công tác khám chữa bệnh. Gần 10 năm hoạt động, Bệnh viện đã xuống cấp và hư hỏng nặng. Mùa mưa, các phòng khám chữa bệnh ẩm mốc; trần và tường nhà đã vàng ố và mốc đen do bị thấm nước.

Theo tiêu chuẩn một Bệnh viện hạng II, diện tích phải đạt trên 3 ha; phải có 30 khoa – phòng khám chữa bệnh mới đảm bảo tính chuyên khoa. Với quy mô 280 giường bệnh thì phải có 350 y, bác sĩ phục vụ. Trong khi đó, diện tích Bệnh viện Đa khoa thị xã Buôn Hồ chỉ 1,2 ha và mới có 210 bác sĩ, y tá và nhân viên phục vụ. Bệnh viện có quy mô 280 giường, hiện có 18 khoa – phòng. Do diện tích quá chật hẹp, bệnh viện phải tận dụng khu vực hành lang và gầm cầu thang của dãy nhà 3 tầng để cơi nới mở rộng thêm 20 phòng làm nơi khám bệnh và y vụ.

Phòng  lấy mẫu xét nghiệm được đặt dưới gầm cầu thang.
Phòng lấy mẫu xét nghiệm được đặt dưới gầm cầu thang.

Điều đáng nói ở đây là trong 18 khoa – phòng của Bệnh viện chưa có các khoa chuyên sâu. Các phòng khám chủ yếu chỉ mang tính tổng quát. Cụ thể như: Khoa nội thì mới có nội hô hấp, nội tim mạch, chưa có nội cơ xương khớp. Khoa ngoại thì mới có ngoại tổng quát, chưa có ngoại chấn thương - chỉnh hình. Khoa cấp cứu mới có cấp cứu trung tâm, chưa có cấp cứu lưu. Khoa phẫu thuật mới chỉ thực hiện mổ ruột thừa, mổ gãy xương, mổ lấy thai. Các chuyên khoa lẻ về tai, mũi, họng, răng hàm mặt, mắt cũng chỉ có phòng khám, chưa có khoa riêng cho bệnh nhân điều trị nội trú. Nếu bệnh nhân cần điều trị nội trú phải chuyển lên tuyến trên.

Ông Nguyễn Đình Khẩn (tổ dân phố 3, phường Thống Nhất, thị xã Buôn Hồ) phản ánh: “Bệnh viện ở đây mới chỉ khám và điều trị các bệnh thông thường. Có cụ già bị đau dây thần kinh tọa muốn vào viện điều trị nhưng Bệnh viện chưa có bác sĩ chuyên khoa thần kinh nên phải chuyển lên tuyến trên. Có lần tôi muốn đi làm lại răng nhưng ở đây bác sĩ chỉ khám và nhổ thôi chứ chưa thể làm răng được. Tôi mong muốn cấp trên quan tâm đến Bệnh viện nhiều hơn để người dân chúng tôi đỡ phải đi điều trị bệnh ở xa, vừa tốn kém vừa bất tiện”.

Khoa nội nhi tổng hợp.
Khoa nội nhi tổng hợp.

Bác sĩ Y Nhân Mlô, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa thị xã Buôn Hồ bày tỏ, hiện nay Bệnh viện gặp rất nhiều khó khăn trong công tác khám và điều trị bệnh cho bệnh nhân trong khi nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân ngày một tăng cao. Phòng khám dù đã cơi nới thêm nhưng vẫn chật chội, thiếu máy móc hiện đại và thiếu bác sĩ chuyên sâu, nên không thể đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho bệnh nhân. Chưa kể, thời gian gần đây, đội ngũ bác sĩ giỏi nghỉ hưu và chuyển công tác nhiều. Bệnh viện muốn triển khai các dịch vụ kỹ thuật mới cũng khó thực hiện được. Đó là những lý do dẫn đến tình trạng số bệnh nhân chuyển tuyến nhiều.

Theo Phó Chủ tịch UBND thị xã Buôn Hồ Nguyễn Thanh Tùng, Bệnh viện Đa khoa thị xã Buôn Hồ đang gặp rất nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, nhưng nguồn kinh phí xây dựng Bệnh viện quá lớn nên địa phương không thể đáp ứng được. Hiện nay địa phương đã có phương án dành quỹ đất (0,5 ha) liền kề để Bệnh viện có điều kiện mở rộng, nhưng vẫn chưa bàn giao được vì chưa giải tỏa xong. Về máy móc, trang thiết bị y tế, nguồn nhân lực thuộc về lĩnh vực chuyên môn do Sở Y tế quản lý. Địa phương cũng rất mong các cấp có thẩm quyền quan tâm bố trí kinh phí để đầu tư, nâng cấp Bệnh viện thị xã Buôn Hồ lên cho xứng tầm là Bệnh viện hạng II theo đúng quy chuẩn của Bộ Y tế.

Thanh Nga


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.