Phát huy vai trò "Tuổi cao - gương sáng"
Với tinh thần “Tuổi cao chí càng cao”, nhiều người cao tuổi trên địa bàn tỉnh luôn xông xáo, gương mẫu đi đầu trong phát triển kinh tế và tham gia công tác xã hội ở địa phương, xứng đáng là những “cây cao bóng cả” cho con cháu noi theo.
Người đi đầu trong chuyển đổi cây trồng
Với 1,6 ha đất, trước đây vợ chồng Ama Thông (68 tuổi) ở buôn Ko Tam, xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột chỉ độc canh cây cà phê nên hiệu quả kinh tế không cao. Năm 1996, sau khi được Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Dona Techno - Chi nhánh Đắk Lắk tuyên truyền, vận động, Ama Thông quyết định trồng thử nghiệm 80 cây sầu riêng Dona trong vườn cà phê. “Lúc ấy, người của công ty đi vận động từng hộ trong buôn nhưng chẳng ai dám trồng sầu riêng vì đây là loại cây trồng mới, mỗi cây giống phải mua với giá 65.000 đồng mà chưa biết hiệu quả thế nào. Chỉ mỗi gia đình tôi làm “liều”, nhưng không ngờ lại "trúng", Ama Thông chia sẻ.
Vườn cây trồng xen của gia đình ông Ama Thông ở buôn Ko Tam (xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột) đem lại thu nhập gần 1 tỷ đồng/năm. |
Theo Ama Thông, trồng xen cây sầu riêng trong vườn cà phê đem lại hiệu quả kinh tế cao, không mất nhiều công chăm sóc, chỉ cần thường xuyên thăm vườn để "bắt bệnh", kịp thời xử lý để tránh lây lan. Khi đã có kinh nghiệm trồng, chăm sóc cây sầu riêng, Ama Thông trồng xen thêm 70 cây nữa và tuyên truyền, vận động, hướng dẫn bà con trong buôn cùng trồng.
Nhờ chăm chỉ, chịu khó học hỏi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, vườn cây sầu riêng phát triển xanh tốt, trung bình mỗi năm thu được từ 10 - 15 tấn quả. Với giá bán trung bình từ 50.000 - 60.000 đồng/kg, mỗi năm gia đình Ama Thông có thu nhập từ 700 triệu đồng - 1 tỷ đồng. Không chỉ làm giàu cho gia đình, ông Ama Thông còn tích cực phối hợp với ngành chức năng hướng dẫn, hỗ trợ các hộ dân tộc thiểu số ở một số buôn trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, huyện Cư M’gar, Lắk, Krông Pắc trồng xen cây sầu riêng, giúp bà con nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Cựu chiến binh nhiệt huyết với công tác khuyến học
Sau 36 năm cống hiến trong quân đội, năm 2001 ông Phạm Văn Kết (SN 1946) nghỉ hưu theo chế độ và được tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng Chi hội Khuyến học tổ dân phố 10, phường Tân Thành (TP. Buôn Ma Thuột), đến năm 2004 là Chủ tịch Hội Khuyến học phường Tân Thành và là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Khuyến học TP. Buôn Ma Thuột.
Phát huy vai trò “Tuổi cao - gương sáng”, người cao tuổi trên địa bàn tỉnh đã có nhiều đóng góp tích cực trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Toàn tỉnh hiện có trên 4.600 người cao tuổi làm kinh tế giỏi; hơn 5.000 cụ tham gia công tác Đảng, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội; 6.422 cụ tham gia công tác khuyến học, khuyến tài…" Bà Hồ Thị Thúy Do, Trưởng Ban đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh |
Thời điểm ấy, Hội Khuyến học phường Tân Thành chỉ có 500 hội viên thuộc 16 chi hội, hoạt động khuyến học, khuyến tài trên địa bàn chưa phát triển, phần lớn các chi hội hoạt động cầm chừng với nguồn quỹ ít ỏi trên 20 triệu đồng. Với trách nhiệm của mình, ông Kết đã tìm hiểu, tham mưu cho Đảng ủy, UBND phường thành lập thêm các chi hội khuyến học và hướng dẫn các chi hội thực hiện công tác khen thưởng học sinh đạt thành tích cao trong học tập. Bên cạnh đó, ông Kết còn thường xuyên lồng ghép tuyên truyền công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập nhằm vận động các hộ tham gia vào các chi hội khuyến học.
Nhờ vậy, chỉ sau một thời gian ngắn, Hội Khuyến học phường Tân Thành đã thành lập được 21 chi hội khuyến học với 2.600 hội viên.
Điều đáng nói, ngoài 17 chi hội khuyến học của tổ dân phố và trường học, phường Tân Thành đã thành lập được chi hội khuyến học Hội đồng hương Thái Bình, UBND phường, cơ quan công an phường và trạm y tế phường. Để có nguồn quỹ hoạt động, bên cạnh sự đóng góp của hội viên, các chi hội còn tích cực vận động cơ quan, doanh nghiệp, mạnh thường quân và nhân dân trên địa bàn đóng góp, ủng hộ Quỹ Khuyến học. Nhờ làm tốt công tác vận động, hoạt động của Hội Khuyến học phường Tân Thành ngày càng phát triển, thu hút sự tham gia nhiệt tình của người dân. Ông Kết chia sẻ: “Làm công tác khuyến học cần có tâm, nhiệt tình, trách nhiệm và đó cũng là niềm vui của tuổi già khi thấy mình còn đóng góp được cho xã hội...”.
Ông Phạm Văn Kết (giữa) chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động khuyến học, khuyến tài tại Hội nghị tuyên dương điển hình tiên tiến trong thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW do Thành ủy Buôn Ma Thuột tổ chức. |
Mặc dù tuổi đã cao nhưng gần 20 năm qua, ông Kết vẫn luôn gắn bó, trăn trở với công tác khuyến học, khuyến tài của địa phương. Nhờ vậy, Hội Khuyến học của phường Tân Thành luôn được đánh giá là đơn vị dẫn đầu của TP. Buôn Ma Thuột. Từ năm 2004 đến nay, các chi hội khuyến học trên địa bàn phường đã khen thưởng cho học sinh khá, giỏi từ bậc học mầm non đến THPT với tổng số tiền trên 1 tỷ đồng. Hội Khuyến học phường Tân Thành và cá nhân ông Phạm Văn Kết đã được Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập.
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc