Multimedia Đọc Báo in

Tiếp cận sớm với các thiết bị điện tử, trẻ tăng nguy cơ bị cận thị

14:15, 14/09/2019

Cận thị là tật khúc xạ thường gặp nhất ở mắt, là tình trạng mắt chỉ nhìn được những vật ở gần, nhìn mờ hoặc không nhìn thấy các vật ở xa. Cận thị ở trẻ em (từ 6 - 14 tuổi) đang có xu hướng gia tăng; nguyên nhân chủ yếu là do trẻ tiếp xúc sớm và quá nhiều với các thiết bị điện tử, môi trường ánh sáng không bảo đảm và tư thế học tập không đúng cách.

Năm 2018, Bệnh viện Mắt tỉnh khám và phát hiện 4.856 trẻ mắc tật cận thị; chiếm 20% trong tổng số 24.925 lượt khám chữa bệnh chung. Trong 6 tháng đầu năm 2019, tỷ lệ trẻ mắc tật cận thị chiếm 26% trong tổng số lượt khám chữa bệnh chung về mắt. Trong đợt tầm soát cận thị học đường cho học sinh Trường THCS Phan Chu Trinh (TP. Buôn Ma Thuột) do Bệnh viện Mắt tỉnh tổ chức vào đầu năm học 2018 - 2019, các bác sĩ phát hiện có hơn 80% học sinh của trường mắc tật cận thị.

Theo bác sĩ Lê Dương Thùy Linh, Trưởng Khoa Khám (Bệnh viện Mắt tỉnh), tật khúc xạ nói chung và cận thị nói riêng hiện nay là nguyên nhân hàng đầu gây giảm thị lực ở lứa tuổi thanh thiếu niên. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, tỷ lệ cận thị hiện nay rất cao, đặc biệt là ở những thành phố công nghiệp hiện đại, có khoảng 60 - 80% trẻ em mắc tật cận thị. Tại Việt Nam, theo nghiên cứu của Bệnh viện Mắt Trung ương, có khoảng 30 - 40% trẻ bị cận thị, ở những thành phố lớn thì tỷ lệ này có thể chiếm tới 80% và tình trạng này vẫn còn tiếp tục gia tăng, nhất là trong thời đại công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, khi trẻ em được tiếp cận với các thiết bị điện tử quá sớm và quá nhiều.

Trẻ khám và đo độ cận thị tại Bệnh viện Mắt Đắk Lắk.
Trẻ khám và đo độ cận thị tại Bệnh viện Mắt Đắk Lắk.

Có nhiều nguyên nhân gây nên tật cận thị học đường nhưng nguyên nhân chủ yếu là do trẻ ngồi học bài, đọc sách sai tư thế trong môi trường ánh sáng không đầy đủ, trẻ tiếp xúc sớm và nhiều với các thiết bị điện tử như điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy vi tính, ti vi…

Hiện nay, có nhiều phương pháp điều trị tật cận thị. Rẻ tiền và đơn giản nhất là đeo kính gọng. Tuy nhiên, hình thức này gây bất tiện trong sinh hoạt hằng ngày, nhất là khi trẻ chơi các môn thể thao. Bên cạnh đó, còn có phương pháp sử dụng kính tiếp xúc (kính áp tròng) cứng đeo vào buổi tối khi đi ngủ để điều trị tật cận thị. Ngoài ra, còn có thể phẫu thuật song phương pháp này hiện chủ yếu được thực hiện tại các cơ sở y tế chuyên khoa mắt tuyến Trung ương và chỉ áp dụng với người trưởng thành trên 18 tuổi, theo dõi ít nhất 1 năm mà độ cận không tăng.

Bác sĩ Lê Dương Thùy Linh cho biết, nhiều trường hợp cận thị không được phát hiện sớm, không được điều trị kịp thời sẽ gây nhược thị và lé. Nhược thị là tình trạng não không nhận biết được hình ảnh mà mắt truyền đến, gây giảm thị lực và tình trạng này không thể cải thiện được bằng cách đeo kính. Do đó, các bậc phụ huynh có trẻ trong độ tuổi đi học cần chú ý quan sát quá trình sinh hoạt và học tập hằng ngày của trẻ.

Nếu trẻ có các biểu hiện như: hay nheo mắt, có xu hướng nhìn các vật ở cự li gần, khi học thường cúi sát mặt bàn, trẻ hay kêu đau đầu và mỏi mắt thì cần đưa trẻ đi khám tại các bệnh viện chuyên khoa mắt. Tránh tình trạng tự đi đo mắt và cắt kính cận tại các cơ sở bán kính ngoài thị trường bởi nhiều trường hợp cắt và đeo kính cận mà không có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa mắt đã dẫn đến tình trạng đeo kính không đúng độ cận của mắt; về lâu dài, điều này sẽ làm tăng độ cận nhanh hơn.

Để phòng tránh tật cận thị cho trẻ, các bậc phụ huynh cần lưu ý: Khi trẻ học tập, phải đảm bảo đủ ánh sáng. Giữ tư thế ngồi đúng, ngồi ngay ngắn, thẳng lưng, đầu hơi cúi xuống một góc 15 độ, khoảng cách từ mắt đến mặt bàn là 35 - 40 cm. Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với các thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính bảng, máy vi tính... bởi các thiết bị này phải nhìn gần, khiến mắt điều tiết nhiều, về lâu dài sẽ tăng khả năng mắc tật cận thị. Khi cho trẻ xem ti vi, khoảng cách từ người trẻ đến màn hình ti vi phải gấp 7 lần so với độ dài chéo của màn hình ti vi. Về chế độ ăn, cần cho trẻ ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng, đặc biệt là những thực phẩm có màu đỏ như cà rốt, cà chua, ớt chuông … và các loại hạt khô chứa nhiều vitamin A tốt cho mắt.

Thu Huế


Ý kiến bạn đọc