Thầy thuốc của buôn làng
Từng có cơ hội được đến những nơi có điều kiện làm việc tốt hơn, song nhiều thầy thuốc vẫn vững vàng bám trụ vùng sâu vùng xa nhằm giúp người dân có điều kiện chăm sóc sức khỏe tốt hơn.
Đã gần 16 năm trôi qua, song nữ hộ sinh Nguyễn Thị Hiền, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Ea Kiết vẫn nhớ như in những kỷ niệm ngày đầu đặt chân đến nơi đây. Đó là khi cuộc sống của người dân còn rất nghèo nàn, lạc hậu, đường sá từ các thôn, buôn đến trung tâm xã, từ xã ra trung tâm huyện còn nhiều cách trở.
Xã Ea Kiết nằm cách xa trung tâm huyện, có đông đồng bào dân tộc thiểu số, còn tồn tại nhiều tập tục lạc hậu, nhất là trong việc khám chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh. Chị Hiền xác định, công tác ở cơ sở, ngoài làm tốt nhiệm vụ chuyên môn thì cán bộ y tế phải thực sự là những tuyên truyền viên giỏi. Khó khăn lớn nhất là làm sao thay đổi được tập tục lạc hậu đã ăn sâu, bám rễ trong cuộc sống của bà con bao đời nay như đau ốm không đến trạm y tế, tự sinh con tại nhà, chưa thực hiện biện pháp phòng chống dịch bệnh...
Bằng tấm chân tình, ngày ngày rong ruổi khắp các thôn buôn tuyên truyền, giải thích cho người dân hiểu đúng về việc chăm sóc sức khỏe bản thân, vệ sinh môi trường phòng chống dịch bệnh, tiêm vắc xin, phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ em, chị Hiền và các đồng nghiệp đã dần tạo nên những chuyển biến trong cộng đồng.
Đến nay, 97% phụ nữ có thai trên địa bàn được quản lý thai nghén; 100% phụ nữ sinh đẻ tại các cơ sở y tế, không còn trường hợp sinh con tại nhà và trẻ sơ sinh tử vong khi sinh; nhiều năm qua, tỷ lệ trẻ dưới 1 tuổi tiêm chủng đầy đủ luôn đạt trên 90%. Cùng với đó, người dân đã nâng cao ý thức trong việc chăm sóc sức khỏe, tự nguyện đến trạm y tế khám khi ốm đau bệnh tật, các hủ tục cúng, chữa bệnh bằng lá đã dần được xóa bỏ…
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Hoàng siêu âm cho bệnh nhân. |
Nhìn vào những thành tựu của ngày hôm nay, chị Hiền không khỏi bồi hồi: “Từ khi mới về xã, thấy cuộc sống của người dân còn vất vả, việc tiếp cận dịch vụ y tế còn khó khăn, tôi đã xác định mình và anh chị em trong trạm phải thật nỗ lực để trở thành điểm tựa của người dân trong chăm sóc sức khỏe, khi có bệnh họ không phải đi xa, đỡ tốn kém. Cứ nghĩ thế và bắt tay làm việc không ngừng nghỉ, rồi gắn bó, thân thuộc chẳng muốn rời đi đâu nữa. Giờ thấy bà con tin mình, nghe theo mình, coi mình như người thân trong nhà tôi thấy hạnh phúc lắm!”.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Hoàng, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Quảng Hiệp - cũng là xã vùng sâu còn nhiều khó khăn của huyện Cư M’gar - luôn làm việc với tinh thần hết lòng vì bệnh nhân. Anh chia sẻ: “Ai cũng có những khó khăn riêng, nhưng những người gặp khó khăn về sức khỏe thì rất thiệt thòi, họ không biết làm cách nào để thoát khỏi những đau đớn, mệt mỏi nếu không có những người thầy thuốc ân cần, tận tâm. Do đó, khi người bệnh tìm đến, bất kể lúc nào tôi cũng tiếp nhận và thăm khám kịp thời để họ vơi bớt âu lo, đau đớn”.
Nữ hộ sinh Nguyễn Thị Hiền (bìa phải) tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách chăm sóc sức khỏe. |
Bác sĩ Bùi Nam Ơn, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Cư M’gar
|
Có lẽ sự ân cần với tất cả bệnh nhân là điều khiến bác sĩ Nguyễn Ngọc Hoàng được nhân dân địa phương tin tưởng, quý mến. Đó là động lực để anh tham mưu với lãnh đạo địa phương đầu tư xây dựng trạm y tế xã khang trang, triển khai thành công chuẩn quốc gia về y tế xã theo bộ tiêu chí mới giai đoạn 2011 - 2020, đưa Trạm Y tế xã Quảng Hiệp trở thành một trong những địa chỉ vùng khó khăn có cơ sở vật chất khang trang, đầy đủ các phòng chức năng và trang thiết bị (máy siêu âm, đo điện tim, đường huyết), giúp nâng cao hiệu quả chẩn đoán, điều trị, tạo thêm uy tín đối với người dân địa phương. Hiện mỗi tháng trạm tiếp nhận khoảng 600 - 700 lượt bệnh nhân đến khám chữa bệnh, trong đó có khoảng 500 lượt bệnh nhân có Bảo hiểm y tế.
Ngoài thời gian khám chữa bệnh tại trạm, bác sĩ Nguyễn Ngọc Hoàng còn cùng cán bộ y tế của trạm và cộng tác viên y tế thôn buôn đi đến các địa bàn dân cư để tuyên truyền, vận động, giúp người dân nâng cao ý thức chăm sóc sức khỏe cho mình và cộng đồng, đưa công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu ở địa phương ngày càng cải thiện.
Kim Oanh
Ý kiến bạn đọc