Nỗi niềm thầy thuốc
Năm 2020 kỷ niệm 65 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam cũng là thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát, diễn biến phức tạp và khó lường, toàn bộ cán bộ nhân viên ngành Y tế cả nước nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng đang tập trung hết sức chống dịch, luôn sẵn sàng tiên phong trên tuyến đầu chiến đấu với bệnh tật dù có thể nhận rủi ro về mình.
Nghề y là một nghề cao quý mà khi lựa chọn mỗi y bác sĩ, nhân viên y tế đã xác định cống hiến, phục vụ chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng là trách nhiệm thiêng liêng.
Dù thời gian qua đây đó vẫn còn những phàn nàn về thái độ, chất lượng phục vụ của nhân viên y tế song mọi người hãy hiểu rằng đội ngũ cán bộ, nhân viên ngành y vẫn luôn dành hết tâm sức, nhiệt huyết và tri thức để ngày đêm cứu chữa người bệnh. Hãy cùng thức trắng một đêm trực bệnh cùng các y bác sĩ để thấu hiểu và thông cảm hơn với những khó khăn, nhọc nhằn của họ.
Bác sĩ Khoa Khám (Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên) đang thăm khám cho bệnh nhân. |
Dễ thấy một nghịch lý: Để trở thành bác sĩ, một sinh viên y khoa phải trải qua ít nhất là 6 năm học tập, 18 tháng học nghề mới được hành nghề; chi phí học tập bình quân từ 4 - 5 triệu đồng/tháng; song khi ra trường, lương của tân bác sĩ chỉ khoảng 3 - 4 triệu đồng/tháng. Hiện tại, thu nhập bình quân của nhân viên y tế tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên là 5,8 triệu đồng/tháng, để trang trải cho những nhu cầu tối thiểu hằng ngày như: nhà cửa, điện nước, hiếu hỉ, chi phí nuôi con… quả là bài toán khó. Do đó, ngoài giờ làm việc ở bệnh viện, lẽ ra nhân viên y tế phải được nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động thì họ phải tìm việc làm thêm mới nuôi sống được gia đình!
Thu nhập thấp, trong công việc hằng ngày các y bác sĩ phải đối mặt với vô vàn áp lực, tìm mọi cách khắc phục khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất để chữa trị cho người bệnh. Đầu năm 2019, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên được chuyển về cơ sở mới khang trang, rộng rãi hơn song vẫn gặp nhiều khó khăn trong công tác khám chữa bệnh bởi những bất cập về trang thiết bị y tế, về nhân lực.
Dịch bệnh Covid -19 diễn biến phức tạp, áp lực công việc với các y, bác sĩ càng nặng nề hơn. |
Trong hoàn cảnh ấy, tập thể y, bác sĩ bệnh viện vẫn nỗ lực khắc phục khó khăn, khám và điều trị cho hàng trăm nghìn lượt bệnh nhân, cấp cứu thành công nhiều căn bệnh hiểm nghèo (can thiệp tim mạch, các vụ tai nạn nghiêm trọng). Bệnh viện cũng đã triển khai nhiều kỹ thuật cao như: mổ sọ não sử dụng máy định vi và kính vi phẫu; phối hợp với Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh) thực hiện thành công ca mổ tim hở; đồng thời khống chế không để bùng phát dịch bệnh nghiêm trọng. Thái độ ứng xử, giao tiếp cũng như chất lượng khám chữa bệnh được cải thiện đáng kể, hướng tới sự hài lòng của người bệnh.
Một chút nỗi niềm bày tỏ nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam, chỉ mong mọi người nâng cao nhận thức, biết cách giữ gìn sức khỏe của bản thân và gia đình, đồng thời luôn tin tưởng và sát cánh cùng các y bác sĩ trên trận tuyến đẩy lùi dịch bệnh.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Tiên
(Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên)
Ý kiến bạn đọc