Multimedia Đọc Báo in

Trung tâm Y tế huyện Ea Súp: Điều trị bệnh hiệu quả bằng y học cổ truyền kết hợp với y học hiện đại

08:51, 27/02/2020

Với sự kết hợp hài hòa giữa y học cổ truyền và các chẩn đoán cận lâm sàng của y học hiện đại, thời gian qua khoa Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng (Trung tâm Y tế huyện Ea Súp) đã điều trị hiệu quả nhiều bệnh lý về cơ xương khớp, thần kinh trung ương và ngoại biên, các bệnh lý mạn tính…

Khoa Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng hiện có 2 bác sĩ, 1 cử nhân điều dưỡng, 1 kỹ thuật viên vật lý trị liệu - phục hồi chức năng và 5 y sĩ y học cổ truyền. Khoa có khoảng 20 giường bệnh luôn trong tình trạng kín bệnh nhân. Trung bình mỗi ngày, các y bác sĩ của khoa khám và điều trị nội trú cho khoảng 20 - 30 bệnh nhân, có ngày cao điểm khám cho khoảng 50 bệnh nhân mắc các bệnh về cơ xương khớp, thần kinh tọa, thoái hóa đốt sống lưng, thoái hóa đốt sống cổ, tai biến mạch máu não, thoát vị đĩa đệm…

Thời gian gần đây, khoa đã tiếp nhận và điều trị nhiều bệnh nhân bị tai biến, liệt nửa người sau tai biến, liệt chân, tay và những người mắc các bệnh mạn tính. Nhiều bệnh nhân sau một thời gian điều trị bằng y học cổ truyền kết hợp với y học hiện đại đều được cải thiện sức khỏe và có thể trở lại cuộc sống bình thường. 

Một buổi họp giao ban của các bác sĩ Khoa Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng (Trung tâm Y tế huyện Ea Súp).
Một buổi họp giao ban của các bác sĩ Khoa Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng (Trung tâm Y tế huyện Ea Súp).

Như trường hợp ông Nguyễn Thanh Hải (67 tuổi, trú tổ dân phố Thắng Lợi, thị trấn Ea Súp) bị tai biến mạch máu não, nhập viện trong tình trạng không thể nói cũng như không thể di chuyển được, tinh thần lo lắng vì bệnh tật phải điều trị dài ngày. Tuy nhiên, sau một tháng điều trị tại Khoa Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng, bệnh của ông đã có dấu hiệu thuyên giảm. 

Ông Hải chia sẻ: “Sức khỏe của tôi ngày càng hồi phục, tôi đã tự xúc cơm ăn, đi lại được và nói được. Đó là nhờ các bác sĩ đã tận tình chăm sóc và điều trị”. Còn ông Huỳnh Ngọc Long (56 tuổi, trú thôn 1, xã Ea Bung) bị tê bì chân tay, khó đi lại, khó cầm nắm. Sau khi được điều trị bằng các phương pháp châm cứu, bấm huyệt, các bài tập vận động tại khoa, bệnh tình của ông đã chuyển biến tích cực.

Bác sĩ Trần Văn Vương, Trưởng Khoa Y học cổ truyền – Phục hồi chức năng cho biết, khi bệnh nhân đến điều trị, tùy vào từng thể trạng của bệnh nhân, bác sĩ sẽ kết hợp điều trị bằng phương pháp đông tây y kết hợp cùng với vật lý trị liệu phục hồi chức năng. Đặc biệt khoa mới nhập từ châu Âu về một số dụng cụ phục hồi chức năng sau tai biến, đã mang lại hiệu quả cao trong điều trị.

Bên cạnh đó, Trung tâm Y tế huyện Ea Súp cũng đã quan tâm đầu tư nhiều máy móc, trang thiết bị khác phục vụ công tác chẩn đoán và điều trị bệnh như: Máy siêu âm điều trị, máy kéo dãn cột sống thắt lưng, kéo dãn cột sống cổ, máy bó thuốc điều trị, máy điện xung điều trị, các máy sắc thuốc đóng chai và sắc thuốc đóng gói tự động,… Đồng thời, duy trì và phát triển các loại thuốc đông dược, nam dược và thành phẩm của đông y.

Bác sĩ Khoa Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng thăm khám cho bệnh nhân.
Bác sĩ Khoa Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng thăm khám cho bệnh nhân.

Với lợi thế có bác sĩ chuyên môn, khám và điều trị chuyên khoa y học cổ truyền cùng với các trang thiết bị y tế hiện đại, Khoa Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng (Trung tâm Y tế huyện Ea Súp) đã điều trị cho nhiều bệnh nhân trở lại cuộc sống bình thường, trở thành địa chỉ khám chữa bệnh tin cậy của người dân địa phương,  góp phần đáng kể giảm tải cho bệnh viện tuyến trên.

Phượng Vũ – Đình Thi


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.