Multimedia Đọc Báo in

Trữ thực phẩm trong mùa dịch Covid-19: Lợi bất cập hại

09:17, 22/03/2020

Dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp với số lượng người nhiễm bệnh ngày càng tăng. Trước tình hình đó, nhiều người dân có xu hướng đổ xô đi mua lương thực, nhu yếu phẩm về tích trữ bởi lo sợ khan hiếm hàng hóa, thực phẩm khi dịch bệnh bùng phát nhanh.

Tại Đắk Lắk cũng xảy ra tình trạng một số người dân mua tích trữ lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm. Với tâm lý lo sợ dịch bệnh bùng phát nhanh và kéo dài, có tiền cũng không mua được thực phẩm để sử dụng nên anh Hồ Văn Tình (phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) đã mua cho gia đình vài tạ gạo, thay cái tủ lạnh 120 lít bằng cái tủ lạnh 600 lít và tích trữ đủ các loại thực phẩm, trong tủ bếp cũng chất chật cứng đủ loại cá hộp, thịt hộp và những thực phẩm thiết yếu khác. Tương tự, chị Phan Thanh Hà (phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột) khi nghe tin số lượng ca bệnh Covid-19 tăng lên hằng ngày đã vội vàng tìm mua thêm tủ đông và thực phẩm về tích trữ dù trong nhà chị hiện đã có đến 3 cái tủ lạnh.

Các chuyên gia y tế cho rằng, việc tích trữ thực phẩm quá nhiều dẫn đến tình trạng nấm mốc, tích trữ nhiều thực phẩm tươi sống, thực phẩm đóng gói với số lượng lớn để trong thời gian dài không sử dụng hết dễ bị biến chất, ăn vào sẽ gây hại cho cơ thể.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, việc tích trữ thực phẩm quá lâu vừa gây lãng phí vừa không bảo đảm sức khỏe nếu thực phẩm bị hỏng. Đặc biệt là các thực phẩm tươi sống lưu trữ quá lâu trong tủ lạnh sẽ bị hao hụt chất dinh dưỡng, mất đi độ ngon và cũng có thể phát sinh vi khuẩn nguy hiểm. Tủ lạnh chỉ có thể ngăn chặn vi khuẩn sinh sôi chứ không thể tiêu diệt hoàn toàn vi khuẩn. Thịt tươi để lâu dễ bị nhiễm khuẩn Salmonella, E.coli và một số loại vi khuẩn khác gây ngộ độc khi chế biến. Có thể bảo quản thịt chưa chế biến trong tủ lạnh tối đa 5 ngày, đông đá trong 4 - 12 tháng. Tuy nhiên, thịt đã nấu chín chỉ nên bảo quản 3 - 4 ngày trong tủ lạnh và tủ đông 2 - 3 tháng. Thời gian bảo quản thực phẩm an toàn là 4 - 5 ngày cho rau xanh và lâu hơn cho các loại hoa quả tươi.

Những loại nhu yếu phẩm thường được người dân mua tích trữ.
Những loại nhu yếu phẩm thường được người dân mua tích trữ.

Hiện nay, thời tiết Đắk Lắk nắng nóng, nhiệt độ tăng cao khiến những loại thực phẩm chứa nhiều chất đạm như thịt, cá, tôm, cua dễ bị hỏng. Ngoài ra, tích trữ thực phẩm quá nhiều ở cùng một chỗ, khi một loại thực phẩm hỏng có thể lây nhiễm nấm mốc, vi khuẩn sang các thực phẩm khác.

Các cơ quan chức năng đã khẳng định Việt Nam có đủ năng lực chống lại dịch Covid-19 và có đủ nguồn lực bảo đảm nhu yếu phẩm cho người dân. Mọi người không cần tích trữ hàng hóa, không nên chen chúc mua hàng tích trữ sẽ dễ lây bệnh. Người dân cần bình tĩnh tuân thủ các hướng dẫn về y tế để chung tay chống dịch bệnh, đặc biệt là rửa tay nhiều lần trong ngày, không nên tiếp xúc với đám đông; dùng nước rửa thông thường để lau chùi các vật dụng trong gia đình. Đồng thời, chú ý tập thể thao, tăng cường dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng của cơ thể.  

Hồng Vân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.