Gần 70 tuổi vẫn đi tìm dược liệu quý
Cứ mỗi cuối tuần, ông Lô Quốc Hợi (SN 1951, buôn Thái, xã Ea Kuêh, huyện Cư M’gar), hội viên Hội Đông y tỉnh lại khoác ba lô vào rừng tìm dược liệu quý làm thuốc và đưa giống cây thuốc về trồng khắp bờ rào xung quanh nhà.
Trong khuôn viên ngôi nhà gỗ của ông Hợi, những cây thuốc leo chằng chịt ở bờ rào, thậm chí cây bám lên che kín cả mái nhà. Ông bảo, đây là thành quả của những tuần lặn lội vào rừng sâu đưa cây, lá thuốc về. Mỗi lần có thời gian ông đều tự đi xe máy khoảng 45 - 50 cây số để vào rừng sâu tìm cây thuốc nam làm thuốc đông y. Có khi ông ngủ lại trong rừng vài đêm, kiếm đủ loại lá thuốc mới về. Một số cây thuốc quý không có ở Tây Nguyên, ông Hợi lại lặn lội khăn gói đến các vùng sông Hinh (tỉnh Phú Yên), Đạ Huoai (tỉnh Lâm Đồng)… tìm mang về. Vườn cà phê cũng được ông tận dụng đất trống để trồng các loại cây thuốc: Xạ nai, cam thảo, cà gai leo, bạch hoa xà, bo bo, sa nhân… Chỉ một chậu cây đặt ngay ngắn bên hông nhà, ông hãnh diện khoe: “Cây thất diệp nhất chi hoa này tôi quý như vàng, thường dùng vào các bài thuốc trị rắn cắn, quai bị”.
Những cây thuốc lấy từ rừng được ông Hợi phơi khô. |
Ông Hợi đã “bén duyên” với nghề thuốc nam từ lâu. Từ khi còn là cậu bé dân tộc Thái, ông đã quen với việc hái các loại cây rừng làm thuốc ở vùng núi huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An. Ông kể: “Mấy bà già trong làng có nghề thuốc nam, lớn tuổi không leo trèo được. Vì các bà hứa khâu áo cho nên thoạt đầu tôi thích thú đi theo hái cây, lá thuốc cho các bà chứ không có chủ định theo nghề làm thuốc nam”. Rồi năm 1973 ông Hợi lập gia đình, vợ ông bị chứng sản giật sau sinh. Trước tình thế nguy hiểm, ông vận dụng nhiều bài thuốc nam dân gian của các thầy thuốc dân tộc Thái mà ông đúc rút được khi cùng họ leo rừng tìm thuốc. Từ các loại cây rừng vốn quen mặt từ tấm bé và kinh nghiệm hái lá thuốc được người lớn chỉ dẫn, ông tìm, chế biến các cây thuốc chữa khỏi bệnh cho vợ. Từ đó, ông Hợi quyết tâm theo học nghề làm thuốc nam, chữa bệnh giúp người.
Năm 1992, gia đình ông Hợi di cư vào Đắk Lắk lập nghiệp. Ông nhận thấy vùng rừng núi Tây Nguyên có nhiều cây thuốc quý hiếm đặc hữu. Một số cây thường gặp như: huyết đằng, an xoa, sáo tam phân… đều có dược tính cao, được ông Hợi kết hợp sử dụng trong nhiều bài thuốc đông y và thuốc bí truyền của người Thái chữa sỏi mật, sỏi thận, xương khớp, bệnh đường ruột, rắn cắn rất hữu hiệu. Đến bây giờ, ông Hợi đã có 20 năm làm nghề bốc thuốc nam, và trở thành thợ đi rừng chuyên nghiệp hái lá, lấy vỏ, rễ cây thuốc để chữa bệnh cho người.
Cộng đồng người Thái ở Đắk Lắk hiện không còn nhiều người theo nghề thuốc nam. Nhiều người trẻ muốn hành nghề nhưng lại không chịu bỏ thời gian để học. Với người Thái, phải có ít nhất 20 năm tìm hiểu về cây thuốc, cách làm thuốc mới được chữa bệnh cứu người. Là hội viên của Hội Đông y tỉnh, ông Hợi chia sẻ những bài thuốc nam hữu hiệu với nhiều người với mong muốn lưu giữ được nghề làm thuốc truyền thống của đồng bào Thái.
Dạ Yến Thảo
Ý kiến bạn đọc