Multimedia Đọc Báo in

Để cai được thuốc lá

17:38, 20/06/2020

Bỏ thuốc lá không phải là việc dễ làm. Quá trình này đòi hỏi sự quyết tâm lớn mà không phải ai cũng làm được. Không ít người đã bỏ thuốc lá nhiều lần, nhưng rồi lại hút trở lại.

Gần 7 năm cai nghiện thuốc lá, anh Thanh Cảnh Đào (trú phường Thành Nhất, TP. Buôn Ma Thuột) đã 4 lần thất bại. Nhớ lại lần đầu cai nghiện, anh Đào cho biết lúc đó anh cảm thấy người rất khó chịu, nhạt miệng, thèm ăn và ăn nhiều. Bỏ thuốc được 1 năm, nhưng mỗi lần đi giao lưu, trao đổi công việc với bạn bè, như thói quen, anh lại hút. Thế là anh tái nghiện thuốc lá thêm 3 năm, rồi bỏ được 2 - 3 năm lại tái nghiện. Dù biết rằng do hút thuốc khiến cơ thể có mùi hôi, môi thâm, móng tay chuyển màu vàng và ho nhiều nhưng đến nay anh vẫn chưa bỏ thuốc được.

Ông Phạm Văn Đính (77 tuổi, ở thôn 6 xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn) đang điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tại Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh có “thâm niên” hút thuốc lá hơn 40 năm và cũng nhiều lần bỏ thuốc lá không thành. Hiện nay, dù bệnh tình nặng phải thở khí dung nhưng ông cũng không bỏ được thuốc lá. Ông Đính chia sẻ: “Tôi cứ bỏ thuốc lá một thời gian, thấy cơ thể khó chịu, tính tình hay cáu gắt và ăn nhiều tăng cân nên tôi lại hút thuốc trở lại”.

Bệnh nhân mắc bệnh viêm phổi tắc nghẽn mãn tính điều trị tại Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh.    Ảnh: Võ Quỳnh
Bệnh nhân mắc bệnh viêm phổi tắc nghẽn mãn tính điều trị tại Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh. Ảnh: Võ Quỳnh

Sản phẩm thuốc lá có chứa chất nicotin. Khi lệ thuộc vào nicotin, con người trở nên nghiện thuốc lá và không thể ngừng sử dụng mặc dù vẫn biết những nguy hại của các hóa chất và nicotin trong thuốc lá. Những người hút thuốc có tỷ lệ mắc bệnh tim mạch, đột quỵ, ung thư cao hơn nhiều so với người không hút thuốc.

Điều quan trọng trong việc bỏ thuốc lá chính là thay đổi thói quen hút thuốc. Vì vậy, việc bỏ thuốc không phải việc ngày một, ngày hai mà là cả một quá trình điều chỉnh, có thời gian để từ bỏ thói quen một cách tự nhiên nhằm tránh tạo tâm lý ức chế khi cai thuốc. Bác sĩ CKI Rmah Lương, Phó Giám đốc Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh cho biết: “Trong 2 đến 4 tuần đầu, bệnh nhân cai thuốc sẽ phải trải qua những cơn thèm thuốc mạnh và ảnh hưởng bởi những triệu chứng cai khi cơ thể thiếu hụt nicotin. Cảm giác khó chịu sẽ xảy đến như mệt mỏi, cáu kỉnh, bồn chồn chóng mặt, mất ngủ hoặc tăng cân. Tuy nhiên, sau một vài tuần những triệu chứng này sẽ giảm dần và biến mất”. Với không ít người nghiện thuốc lá, việc bỏ thuốc lá như mất đi một người đồng hành, chia sẻ với họ từng phút giây buồn chán hay vui sướng, bất hạnh và hạnh phúc… Như vậy, không phải vì người nghiện thuốc lá không biết rằng cai thuốc lá mang lại cho họ nhiều sức khỏe, chỉ có điều là họ không quyết tâm cai thuốc.

Bác sĩ Lương khuyến cáo, rất cần sự hỗ trợ của gia đình, người thân, bạn bè để giúp người nghiện thuốc lá cai được thuốc lá. Ngoài việc cung cấp thông tin về tác hại của hút thuốc lá, cần chỉ ra được lợi ích của cai thuốc lá để khuyến khích người đang hút thuốc lá quyết định cai thuốc lá. Bên cạnh đó, bản thân người nghiện thuốc lá phải rất quyết tâm, nỗ lực, tìm hiểu các giải pháp thay thế hành vi hút thuốc lá bằng hành vi khác không có hại cho sức khỏe. Ví dụ khi buồn bã, thay vì lấy thuốc lá ra hút, chúng ta sẽ điện thoại cho bạn bè hoặc người thân để chia sẻ. Tăng cường vận động thể dục thể thao, duy trì chế độ dinh dưỡng đầy đủ, cân bằng để đảm bảo sức khỏe cho bản thân và gia đình.

Liên Chi


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.