Multimedia Đọc Báo in

Để công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn mang lại hiệu quả

11:28, 25/06/2010

 Hội nghị triển khai Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ về “Phê duyệt Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” vừa được UBND tỉnh tổ chức với sự tham dự của đại diện lãnh đạo Tổng cục dạy nghề. Nhân dịp này, phóng viên báo Dak Lak đã có cuộc trò chuyện cùng ông NGHIÊM TRỌNG QUÝ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục dạy nghề xung quanh những vấn đề liên quan đến việc triển khai Quyết định 1956 trên địa bàn tỉnh.

 

* Thưa ông, Quyết định 1956 là một chương trình lớn được thực hiện trong thời gian dài, có tác động, ảnh hưởng đến nhiều người và huy động nhiều thành phần xã hội tham gia, vậy để triển khai hiệu quả Đề án này thì Dak Lak cần thực hiện những gì?
- Bước đầu, tỉnh cần thành lập Ban Chỉ đạo của tỉnh, tiếp theo tổ chức hội nghị quán triệt đến sở, ban, ngành, UBND huyện, xã, thôn, buôn và người lao động. Nhiệm vụ trong năm 2010 là đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, đường lối, chính sách đến người lao động để họ thấy được quyền lợi và trách nhiệm của mình đối với việc tham gia vào chương trình đào tạo nghề tập trung này. Công tác tuyên truyền cần được thực hiện mạnh mẽ, sâu rộng trên nhiều “kênh”. Trong đó nên chú trọng đến kênh tuyên truyền thông qua các tổ chức, đoàn thể như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên… để vận động, tư vấn hội viên, đoàn viên giúp họ tiếp cận được với chương trình dạy nghề. Một công đọan quan trọng mà tỉnh cần thực hiện nữa là tổ chức điều tra, khảo sát trên địa bàn để nắm được nhu cầu sử dụng lao động (đã qua đào tạo nghề) của các cơ quan, doanh nghiệp. Xác định danh mục nghề đào tạo cho lao động nông thôn; nhu cầu học nghề của người lao động theo từng nghề, cấp trình độ; đặc biệt là nhu cầu học nghề của các nhóm nông dân nghèo; năng lực đào tạo của các cơ sở dạy nghề. Sau khi điều tra, tỉnh xây dựng một đề án dạy nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020, trong đó phải  đưa ra dự báo nhu cầu sử dụng lao động nông thôn qua đào tạo nghề đến năm 2020; danh sách nghề người lao động có nhu cầu học phải phù hợp và bám sát kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh trong từng giai đoạn.
* Vừa  rồi ông có nhấn mạnh đến công đoạn quan trọng là “điều tra, khảo sát, dự báo nhu cầu của lao động nông thôn”, vậy ông có thể cho biết cụ thể hơn về công tác này?
- Để công tác điều tra, khảo sát có hiệu quả theo mục tiêu của đề án cần xác định được những yếu tố như đã nêu trên. Đối tượng và phạm vi điều tra, khảo sát là: lao động nông thôn trong độ tuổi lao động (nam từ đủ 15 đến dưới 60 tuổi, nữ từ đủ 15 đến dưới 55 tuổi) có khả năng lao động thực tế thường trú tại hộ phân theo 4 nhóm nêu trong Quyết định 1956. Cơ sở sản xuất - kinh doanh hiện đang hoạt động theo Luật Doanh nghiệp hoặc có đăng ký kinh doanh tại địa phương đóng trên địa bàn huyện, không phân biệt cấp quản lý và hình thức sở hữu. Cơ sở dạy nghề (các trung tâm dạy  nghề, trung tâm hướng nghiệp giới thiệu việc làm có dạy nghề, trường trung cấp nghề, cao đẳng nghề) hiện đang hoạt động đóng trên địa bàn huyện, không phân biệt cấp quản lý và hình thức sở hữu.
Nội dung điều tra, khảo sát bao gồm: các thông tin cần điều tra, khảo sát người lao động, cơ sở sản xuất kinh doanh và cơ sở dạy nghề được cụ thể hóa trong các phiếu điều tra, khảo sát có hướng dẫn cách ghi và biểu mẫu thống kê.
Phương pháp điều tra, khảo sát: Các điều tra viên ở xã sau khi được tập huấn, phỏng vấn trực tiếp lao động trong các hộ gia đình và phối hợp với điều tra viên cấp huyện điều tra cơ sở sản xuất- kinh doanh. Các huyện hướng dẫn cho các điều tra viên ở xã, thôn (có thể sử dụng điều tra viên của Tổng điều tra dân số năm 2009 hoặc các trưởng thôn) để đến hộ gia đình phỏng vấn và ghi chép thông tin vào phiếu khảo sát.
Các phiếu khảo sát cơ sở dạy nghề do phòng dạy nghề Sở LĐ-TB&XH thực hiện.
Về hướng dẫn dự báo nhu cầu và các căn cứ để dự báo nhu cầu: Cần căn cứ vào kết quả điều tra, khảo sát. Chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội  của huyện, tỉnh. Định hướng phát triển ngành nghề và nhu cầu sử dụng lao động thực tế tại địa phương. Chiến lược phát triển nguồn nhân lực của huyện, tỉnh và quy hoạch tổng thể và phát triển của vùng.

Dạy nghề dệt thổ cẩm cho thanh niên dân tộc thiểu số ở Ea Kao (TP.BMT)
Dạy nghề dệt thổ cẩm cho thanh niên dân tộc thiểu số ở Ea Kao (TP.BMT)

* Một trong những mục tiêu của Đề án là 70% lao động nông thôn được đào tạo nghề có việc làm. Dak Lak là một tỉnh nông nghiệp, (công nghiệp, xây dựng chưa phát triển) vậy ông có gợi ý gì cho địa phương để đạt được mục tiêu đó?
Phải hiểu đúng rằng có việc làm ở đây là áp dụng được nghề mình học vào công việc mang lại hiệu quả kinh tế, có thu nhập cho người lao động, chứ không nhất thiết là phải xin được việc làm trong doanh nghiệp, cơ sở sản xuất- kinh doanh. Người lao động có thể đăng ký học những nghề phù hợp với khả năng cũng như tiềm năng của gia đình mình như: học nghề chăn nuôi, thú y nếu gia đình có chuồng trại, điều kiện phù hợp với chăn nuôi. Hay học nghề tiểu thủ công nghiệp để tận dụng thời gian nông nhàn làm thêm tăng thu nhập như đan lát, dệt thổ cẩm. Ở những vùng gần rừng người dân có thể học nghề mộc, ở vùng trồng lúa có thể học thêm nghề trồng nấm rơm; nơi nào nhiều cà phê thì học thêm nghề làm phân vi sinh để tận dụng nguồn vỏ cà phê đã được xay xát… Nhìn chung, Dak Lak là tỉnh nhiều tiềm năng và rất phong phú đa dạng về nguồn nguyên vật liệu, vì vậy người lao động sẽ  không khó có được việc làm sau khi học nghề. Không chỉ áp dụng nghề đã học trong việc làm tại gia đình mà người lao động còn có thể tìm việc làm ở các trang trại, dịch vụ công, nông nghiệp ở các doanh nghiệp địa phương hay xuất khẩu lao động… Tùy từng hoàn cảnh gia đình, điều kiện, tiềm năng của từng địa phương mà người lao động có thể đăng ký học nghề phù hợp, áp dụng được nghề vào công việc mang lại thu nhập cải thiện cuộc sống của họ, đó chính là hiệu quả, mục tiêu của Đề án.
*Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện.
     Minh Quân (thực hiện)

Ý kiến bạn đọc