Multimedia Đọc Báo in

“Để giảm thiểu tình trạng đuối nước ở trẻ em cần có sự vào cuộc của cả cộng đồng”

16:11, 18/06/2010

Dak Lak là một trong những tỉnh, thành phố có số trẻ em bị tử vong do đuối nước cao nhất: Năm 2008 có 108 trường hợp; năm 2009: 61 trường hợp; riêng từ đầu năm 2010 đến nay đã xảy ra 11 trường hợp trẻ em bị tử vong do đuối nước. Tình hình đuối nước ở trẻ em đã trở thành một vấn đề xã hội cần được sự quan tâm và chung tay vào cuộc của cả cộng đồng. Tại đợt tập huấn Định hướng công tác truyền thông phòng chống đuối nước trẻ em năm 2010 vừa diễn ra ở Hà Nội, phóng viên Báo Dak Lak đã có buổi trò chuyện với đồng chí  NGUYỄN TRỌNG AN, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) về vấn đề này.

Đồng chí Nguyễn Trọng An, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) đang trả lời phỏng vấn
Đồng chí Nguyễn Trọng An, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) đang trả lời phỏng vấn

*Đuối nước là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong trong tai nạn thương tích ở trẻ em (chiếm 50%); trung bình hằng năm có khoảng 3.600 trẻ em (từ 0 – 19 tuổi) bị tử vong do đuối nước và tình hình đuối nước ở trẻ em đang ngày một gia tăng. Vậy thưa ông, đâu là nguyên nhân của tình trạng này?
- Trong những năm gần đây, tình hình đuối nước ở trẻ em đã trở thành một vấn đề xã hội. So sánh thống kê giữa các năm: 2007 – 2008 và 2008 – 2009, tỷ lệ đuối nước trẻ em không giảm mà tăng 5,8%. Đặc biệt trong những ngày hè, các trường hợp đuối nước trẻ em rất hay xảy ra. Có rất nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chủ yếu là do vào mùa hè nóng nực, các em thích chơi đùa trong môi trường nước như ao, hồ, sông suối. Trong khi đó, sự bất cẩn của các gia đình để trẻ chơi tự do, thiếu sự quản lý, theo dõi. Ngoài ra, còn có nguyên nhân từ môi trường sống không an toàn, nhiều ngôi nhà gần ao hồ, sông ngòi nhưng không có rào che chắn, các giếng khơi, bể nước không có nắp đậy. Nhận thức của xã hội về vấn đề này còn hạn chế, công tác tuyên truyền, phòng ngừa chưa được thực hiện triệt để. Nhiều địa phương còn xem nhẹ, chưa chú trọng việc nâng cao nhận thức cho người dân về mức độ nguy hiểm do đuối nước gây ra...
*Để giảm thiểu tình trạng đuối nước ở trẻ em, chúng ta đã có những biện pháp gì thưa ông?
- Trong nhiều năm qua, Ủy ban Dân số - Gia đình và Trẻ em trước đây, nay là Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã tiến hành nhiều hoạt động tuyên truyền, giáo dục và vận động xã hội về phòng chống đuối nước trẻ em. Bắt đầu từ năm 2003 đã triển khai dự án phòng chống tai nạn thương tích trẻ em do UNICEF hỗ trợ (trong phòng chống tai nạn thương tích trẻ em thì có phòng chống đuối nước); đến năm 2006 từ một dự án đã được nâng lên thành chương trình gồm 3 dự án nhỏ. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan chịu trách nhiệm triển khai một dự án trong chương trình đó là: Truyền thông giáo dục để nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng chống tai nạn thương tích. Nhiều hoạt động đã được triển khai mạnh mẽ như: truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng; truyền thông qua hệ thống truyền thanh, phát thanh ở các địa phương; truyền thông qua các mạng lưới cộng tác viên cơ sở…
Bên cạnh đó đã phối hợp với Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân ở trung ương và địa phương tổ chức các lớp tập huấn cho những cán bộ nòng cốt về vấn đề này, từ đó họ sẽ tiếp tục đào tạo, tập huấn cho các cán bộ ở cơ sở để đích cuối cùng là có thể triển khai đến từng nhà, vận động, tuyên truyền đến từng bậc phụ huynh, những người trông trẻ và trẻ em. Ngoài ra chúng tôi cũng phối hợp với các bộ ngành liên quan tiến hành rà soát  lại toàn bộ các văn bản pháp luật có liên quan đến vấn đề phòng chống tai nạn thương tích trẻ em nói chung và đuối nước nói riêng để nghiên cứu lĩnh vực phòng chống tai nạn thương tích trẻ em được quy định trong các văn bản pháp luật còn thiếu hụt ở mảng nào và đề nghị xây dựng thêm các nghị định, các văn bản mới; phối hợp với Bộ Y tế triển khai tại 6 tỉnh: Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Cần Thơ và Đồng Tháp xây dựng mô hình cộng đồng an toàn và các mô hình an toàn tại địa phương như xây dựng lồng bơi đơn giản, hướng dẫn dạy bơi tập bơi, tuyên truyền các kỹ năng để phòng tránh tai nạn thương tích cho người dân nói chung, trong đó có phòng tránh chết đuối trẻ em. Chúng tôi cũng đang phối hợp với Bộ Giáo dục - Đào tạo nghiên cứu xây dựng, đưa quy trình dạy bơi, học bơi cho trẻ em vào trường phổ thông. Từ nay đến cuối năm chúng tôi sẽ tiến hành chiến dịch truyền thông phòng chống chết đuối trẻ em mà một hội nghị tư vấn cấp cao về vấn đề phòng tránh tai nạn thương tích trẻ em cho giai đoạn 10 năm tới đang được chuẩn bị triển khai vào cuối tháng 6 này; và giữa tháng 7 sẽ tổ chức hội nghị xây dựng cam kết giảm tỷ lệ đuối nước ở 16 tỉnh, thành phố có tỷ lệ tử vong do đuối nước cao…
*Tại đợt tập huấn, ông đã nói đến việc hiện nay chúng ta đang thiếu một hệ thống cộng tác viên ở dưới cơ sở…
- Trước đây hệ thống của Ủy ban Dân số - Gia đình và Trẻ em đã có 162.000 cộng tác viên ở dưới cơ sở, là những cán bộ cầm những tờ rơi, tờ gấp, những trang thiết bị truyền thông đi đến từng nhà, từng người để truyền thông, nhưng sau khi giải thể Ủy ban Dân số - Gia đình và Trẻ em thì hệ thống cộng tác viên này không còn. Cho nên trong những năm gần đây chúng tôi phải dựa vào hệ thống là cán bộ phụ nữ, cán bộ y tế và cán bộ các đoàn thể: đoàn thanh niên, hội nông dân, mặt trận tổ quốc ở địa phương để làm công tác này. Nhưng để làm được những việc đó ở dưới cơ sở thì ở trên trung ương chúng tôi đã phải tiến hành xây dựng các tài liệu truyền thông rất bài bản và cụ thể để hỗ trợ việc truyền thông cho mạng lưới đó.
*Theo ông tại các địa phương nói chung và Dak Lak nói riêng để giảm thiểu tỷ lệ đuối nước trẻ em thì cần đẩy mạnh, tập trung vào những biện pháp nào?
- Tại các địa phương nói chung và Dak Lak nói riêng, đầu tiên là cần nâng cao nhận thức của các bậc làm cha mẹ, những người chăm sóc trẻ và bản thân trẻ em về vấn đề phòng tránh tai nạn thương tích nói chung và phòng chống chết đuối. Thứ hai là làm thế nào tạo một môi trường an toàn ngay trong gia đình và xung quanh nhà: từ xô nước, chậu nước, bể tắm, chum vại đựng nước, giếng khơi… chúng ta phải có sự che chắn, có nắp đậy cẩn thận. Thứ ba là tại các vùng có môi trường sông nước, như sông, suối, ao, hồ, đập thủy lợi thì vấn đề quản lý, giáo dục các em về các nguy cơ bị đuối nước là như thế nào… Một vấn đề nữa là trách nhiệm của các nhà lãnh đạo phải nhìn nhận, thấy rằng trẻ em hiện nay đang thiếu các điểm vui chơi an toàn, như vậy việc đặt ra là làm thế nào để có thêm nhiều điểm vui chơi an toàn, có thư viện, sân chơi, người hướng dẫn như các anh chị đoàn thanh niên để hướng các em vào vui chơi, thì chắc chắn việc sa vào các tụ điểm game, việc ra sông, ra suối tắm sẽ được hạn chế và chính sự hạn chế đó sẽ hạn chế được những tai nạn thương tích, hạn chế được chết đuối. Một vấn đề nữa là ngay bản thân Dak Lak và các tỉnh miền núi cũng cần quan tâm đó là vấn đề dạy bơi, tập bơi cho trẻ em là rất quan trọng. Chúng tôi đã phối hợp với Đoàn thanh niên ở Dak Lak, Gia Lai, Kon Tum về vấn đề này để dấy lên phong trào tuyên truyền giáo dục, phối hợp với dạy bơi, học bơi cho trẻ em ở các nhóm nhỏ ở cộng đồng. Nếu các em biết bơi lội, bản thân các em có thể tự cứu thoát được bản thân mình, hoặc các em bơi giỏi thì có thể cứu giúp được bạn bè khi có những tình huống xảy ra.
*Xin cảm ơn ông!
Lan Anh (thực hiện)

Ý kiến bạn đọc