Multimedia Đọc Báo in

"Tai nạn đuối nước trẻ em có chiều hướng gia tăng và khó kiểm soát”

15:34, 16/07/2010
Trong những năm gần đây, tình trạng tai nạn đuối nước trẻ em trên địa bàn tỉnh đang có chiều hướng gia tăng; đặc biệt những ngày hè là thời kỳ cao điểm hay xảy ra đuối nước. Phóng viên Báo Dak Lak đã có buổi phỏng vấn ông NGUYỄN QUANG TRƯỜNG, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) về vấn đề này.

* Xin ông cho biết thực trạng về tai nạn đuối nước ở trẻ em tỉnh ta trong thời gian qua?
- Phải nói rằng trong những năm gần đây, tình hình tai nạn thương tích trẻ em nói chung và tai nạn đuối nước ở trẻ em nói riêng trên địa bàn tỉnh ta ngày càng có chiều hướng gia tăng và khó kiểm soát. Trong 2 năm 2008 - 2009 có 118 trường hợp trẻ em bị chết do đuối nước. Riêng từ đầu năm đến nay, theo thống kê chưa đầy đủ của các địa phương, đã có 25 trẻ em bị chết do tai nạn đuối nước (trong đó có 1 cháu bị té giếng chết), phần lớn trẻ em bị tai nạn đuối nước đều dẫn đến tử vong, nên tỷ lệ chết rất cao so với những tai nạn khác. Đây là một trong những tai nạn thương tích trẻ em gây nhiều bức xúc hiện nay.

* Những nguy cơ hàng đầu dẫn đến tai nạn đuối nước trẻ em là gì, thưa ông?
- Những nguy cơ hàng đầu dẫn đến tai nạn đuối nước trẻ em, đó là: Do đặc thù của tỉnh ta có tỉ lệ ao hồ, đập, sông suối tương đối nhiều, đặc biệt là hồ và đập ngăn nước dùng tưới tiêu của các lâm nông, trường và của các hộ gia đình có diện tích trồng cà phê lớn đều sâu, lòng chảo; trong khi đó hệ thống rào chắn bảo vệ , biển báo, biển cấm hầu như không có do đó nguy cơ gây tai nạn đuối nước trẻ em là điều không tránh khỏi. Thứ hai là do các cấp, các ngành có liên quan, cộng đồng, gia đình và chính bản thân trẻ em còn xem nhẹ về vấn đề tử vong do đuối nước. Từ mặt nhận thức còn hạn chế dẫn đến việc giải quyết vấn đề đuối nước cho trẻ em chưa được chú trọng, thiếu các biện pháp phòng ngừa. Bên cạnh đó, một trong những nguy cơ dẫn đến tỷ lệ đuối nước chưa giảm, đặc biệt tăng cao vào các kỳ nghỉ hè đó là thiếu sự giám sát, quan tâm đến con cái của các bậc cha mẹ do họ bận công việc, làm ăn. Hầu hết trẻ em bị đuối nước là do không biết bơi và những người cứu vớt các em lại thiếu kỹ năng sơ cứu. Đây cũng là một trong những nguy cơ tử vong cao nếu xảy ra tai nạn đuối nước ở trẻ em. Ngoài ra, nhóm nguy cơ cuối cùng phải kể đến, đó là, thiếu điểm vui chơi và các hình thức sinh hoạt, giải trí cho trẻ em trong dịp hè, vì vậy các em thường rủ nhau đi bơi mà không biết hiểm nguy có thể đến bất cứ lúc nào.
 

* Để giảm thiểu tỷ lệ đuối nước trẻ em ngành LĐTBXH đã triển khai những hoạt động gì thưa ông?
- Nhằm giảm thiểu tình trạng tai nạn đuối nước ở trẻ em, trong thời gian qua, Sở LĐTBXH tham mưu UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch phòng chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2009-2010 (trong đó có tai nạn đuối nước) và chỉ đạo các ngành, các cấp triển khai khai thực hiện kế hoạch. Riêng ngành LĐTBXH đã triển khai các hoạt động như: Tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em các cấp về công tác phòng chống tai nạn thương tích và phòng đuối nước cho trẻ em, các phương pháp sơ cứu về đuối nước. Phát động tuyên truyền trên 40.000 tờ rơi tờ gấp, tranh áp phích đến cộng đồng dân cư, đến các trường học, đẩy mạnh truyền thông cấp xã, hỗ trợ xây dựng 50 biển báo, biển cấm tại các ao hồ, các suối thường xảy ra đuối và có nguy cơ đuối nước trẻ em cao. Trong năm 2010, triển khai xây dựng cộng đồng an toàn, hướng dẫn thành lập ban chỉ đạo phòng chống TNTT cấp huyện, thị, thành phố, cấp xã, phường, đồng thời  tổ chức xây dựng mô hình ngôi nhà an toàn tại 15 xã điểm. Và đến cuối năm sẽ tổ chức kiểm tra, đánh giá để nhân rộng mô hình.

* Theo ông, trong thời gian tới chúng ta cần  tập trung vào những biện pháp nào?
- Theo tôi, để hạn chế thấp nhất tỉ lệ đuối nước trẻ em trên địa bàn tỉnh, trong thời gian tới cần tập trung thực hiện một số giải pháp cơ bản: Tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, của cộng đồng và gia đình trong việc phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em qua các kênh truyền thông như: xây dựng pa nô, áp phích, truyền thông trực tiếp phù hợp các vùng, nhóm đối tượng, truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức các hội thi, triển lãm ảnh... Đồng thời, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể đối với công tác phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em nói chung, đặc biệt tập trung vào phòng, chống đuối nước cho trẻ em và các loại tai nạn thường gặp trong gia đình. Xác định rõ phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em là trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương; các mục tiêu phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em cần được thể chế hóa trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của từng cấp, từng ngành. Bên cạnh đó cần xây dựng mô hình “Ngôi nhà an toàn cho trẻ em”, tổ chức hướng dẫn gia đình, cộng đồng áp dụng và thực hiện các quy định Ngôi nhà an toàn cho trẻ em, phòng chống tai nạn đuối nước cho trẻ em; tiếp tục tiến hành xây dựng các biển báo, biển cấm tại những nơi có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước cho người lớn và trẻ em; hướng dẫn làm các nắp đậy các dụng cụ chứa đựng nước trong gia đình. Đồng thời tiến hành tập huấn nâng cao năng lực về phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em nói chung, phòng tránh tai nạn đuối nước ở trẻ em nói riêng cho cán bộ làm công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em ở cơ sở, nhân rộng mô hình “ngôi nhà an toàn cho trẻ em”, xây dựng cộng đồng an toàn; đặc biệt coi trọng công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định an toàn về phòng trách tai nạn đuối nước cho trẻ em. Hướng dẫn trẻ không được tự tổ chức đi bơi khi không có người lớn; dạy cho trẻ các kỹ năng an toàn khi bơi cũng như cách sơ cấp cứu khi bị đuối nước. Và một điều cũng không kém phần quan trọng, đó là cần đầu tư kinh phí xây dựng các tụ điểm vui chơi và tổ chức các hoạt động vui chơi, sinh hoạt tập thể để thu hút trẻ vào các hoạt động an toàn lành mạnh.
* Xin cảm ơn ông!
Lan Anh (thực hiện)

Ý kiến bạn đọc