Ý nghĩa và sự cần thiết của việc ban hành chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số
22:14, 10/08/2010
Hội thảo “Xây dựng chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số” khu vực Tây Nguyên, Nam Trung bộ và một số tỉnh Tây Nam bộ do Ủy ban Dân tộc phối hợp UBND tỉnh Dak Lak tổ chức ngày 9- 8 tại TP. Buôn Ma Thuột đã thu hút sự quan tâm cũng như thảo luận sôi nổi của đại biểu. Phóng viên Báo Dak Lak đã ghi lại những ý kiến tâm huyết này.
Xây dựng chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số là hết sức có ý nghĩa (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dak Lak, Y Dhăm Ênuôl)
Trong những năm qua, công tác đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng đặc biệt khó khăn được đặc biệt quan tâm thông qua các Chương trình 134,135, 139, 168,… Kinh tế - xã hội của Dak Lak đã có bước phát triển về nhiều mặt, đạt được nhiều thành quả quan trọng, quốc phòng an ninh được bảo đảm, cuộc sống của đồng bào các dân tộc trong tỉnh đã được cải thiện đáng kể. Đây không chỉ là thành quả về mặt đầu tư mà còn về chính sách, về công tác vận động tuyên truyền, giáo dục cộng đồng để đồng bào đoàn kết. Và cũng phải khẳng định, góp phần không nhỏ vào thành quả đó là những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Họ là hạt nhân, là nhân tố tích cực đối với việc chấp hành cũng như công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; họ là người gương mẫu đi đầu trong sản xuất, sinh hoạt.
Xây dựng chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số là hết sức có ý nghĩa (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dak Lak, Y Dhăm Ênuôl)
Trong những năm qua, công tác đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng đặc biệt khó khăn được đặc biệt quan tâm thông qua các Chương trình 134,135, 139, 168,… Kinh tế - xã hội của Dak Lak đã có bước phát triển về nhiều mặt, đạt được nhiều thành quả quan trọng, quốc phòng an ninh được bảo đảm, cuộc sống của đồng bào các dân tộc trong tỉnh đã được cải thiện đáng kể. Đây không chỉ là thành quả về mặt đầu tư mà còn về chính sách, về công tác vận động tuyên truyền, giáo dục cộng đồng để đồng bào đoàn kết. Và cũng phải khẳng định, góp phần không nhỏ vào thành quả đó là những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Họ là hạt nhân, là nhân tố tích cực đối với việc chấp hành cũng như công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; họ là người gương mẫu đi đầu trong sản xuất, sinh hoạt.
Nhận thức được vấn đề này, ngay sau khi có Chỉ thị số 06/2008/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy Dak Lak đã ban hành Công văn số 964-CV/TU ngày 18-3-2008 chỉ đạo việc triển khai, tổ chức thực hiện công tác phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; UBND tỉnh đã có Kế hoạch số 2787/KH-UBND ngày 22-6-2009 về thực hiện Chỉ thị 06 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy mới triển khai nhưng cũng đã thu được nhiều kết quả tích cực, nhiều địa phương đã có sự quan tâm đúng mức đến các già làng, đến những người có uy tín ở các buôn thôn nhất là vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Điều này đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh đem lại sự bình yên tại các buôn làng.
Theo tôi, phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số là hết sức cần thiết, xây dựng chính sách đối với đối tượng này là hết sức có ý nghĩa, không chỉ tạo điều kiện để phát huy khả năng mà còn là sự động viên, trân trọng ghi nhận sự đóng góp của họ đối với cộng đồng.
Nên bổ sung đội ngũ sinh viên, trí thức trẻ có kiến thức khoa học, kỹ thuật hiện đang sống tại các buôn làng vào danh sách đối tượng lựa chọn là người có uy tín ( Ông Võ Tấn Tài, Vụ trưởng Vụ Dân tộc – Tôn giáo, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên)
Tây Nguyên có 12 dân tộc thiểu số tại chỗ và 47/ 54 dân tộc trong cả nước lập nghiệp, làm ăn sinh sống. Vai trò trong cộng đồng của người có uy tín là không thể phủ nhận. Qua thảo luận, đối tượng áp dụng trong dự thảo là cán bộ, trí thức có quá trình công tác lâu năm, có cống hiến cho đất nước đã nghỉ công tác, có uy tín trong cộng đồng…; riêng các chức sắc, chức việc trong các tôn giáo là các đối tượng cần tranh thủ sự ủng hộ cũng như uy tín của họ trong cộng đồng, nhưng cũng cần lưu ý là áp dụng đối với chức sắc, chức việc tiến bộ, tức là biết chấp hành tốt chính sách pháp luật, sống tốt đời đẹp đạo, thực hiện tốt các công việc xã hội.
Và một điều nữa, nên chăng cần nghiên cứu, bổ sung đội ngũ sinh viên, trí thức trẻ được đào tạo một cách bài bản, hệ thống, có kiến thức khoa học – kỹ thuật, hiện đang sống tại buôn làng, làm ăn có hiệu quả, biết giúp đỡ và hướng dẫn đồng bào phát triển kinh tế vào danh sách những người có uy tín…
Có thể tổ chức hội nghị cấp thôn, bản để chọn người có uy tín (Trương Ngọc Anh, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Ninh Thuận)
Theo Đề án, một trong những tiêu chí xác định người có uy tín là thực sự được cộng đồng nơi họ sinh sống suy tôn và tín nhiệm (hằng năm được đồng bào nơi sinh sống bỏ phiếu tín nhiệm và suy tôn). Thiết nghĩ không cần phải áp dụng hình thức bỏ phiếu tín nhiệm vì người có uy tín sẽ được đồng bào cử ra. Một kinh nghiệm trong việc chọn ra người có uy tín ở tỉnh Ninh Thuận là tổ chức hội nghị cấp thôn, bản, trong đó triệu tập, mời các cán bộ về hưu, đội ngũ trí thức, các chức sắc tôn giáo… đến tham dự và hội nghị sẽ thống nhất cử ra người uy tín, bảo đảm tính công khai dân chủ cũng như sự thoải mái cho cả đôi bên (người tín nhiệm và người được tín nhiệm).
Về chính sách, rất mừng là Đề án đã khá quan tâm đến nội dung bồi dưỡng nâng cao kiến thức và cung cấp thông tin cần thiết cho người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, ngoài trang bị, phổ biến những chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, kiến thức quốc phòng an ninh, tình hình kinh tế - xã hội…, trước các vấn đề “nóng” cần tổ chức bồi dưỡng, cung cấp nguồn thông tin chính thống để người có uy tín thuận tiện trong việc tuyên truyền vận động. Bên cạnh đó, sự hỗ trợ về vật chất cũng không thể thiếu để động viên, khuyến khích họ. Cùng với chính sách khen thưởng biểu dương, thăm hỏi ngày lễ tết…, cũng cần xây dựng mức chi cụ thể khi người có uy tín gặp phải những rủi ro trong quá trình hòa giải hay giải quyết các vụ xô xát.
Người có uy tín phải am hiểu tập quán, nắm bắt đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; có lòng yêu nước, có ý thức bảo vệ Tổ quốc (Ông Dương Tráng, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Gia Lai)
Trong mỗi giai đoạn, vai trò của già làng, trưởng bản, trí thức dân tộc có những tác động khác nhau đối với cộng đồng, nhưng về cơ bản đều có những tác động nhất định, đòi hỏi các già làng, trưởng bản, trí thức dân tộc phải thể hiện vai trò của mình trước những bước chuyển biến của xã hội: Vừa phải am hiểu tập quán, đời sống, tâm lý, sự chuyển biến, phân hóa trong cộng đồng các dân tộc thiểu số; vừa phải am hiểu cơ bản về đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; phải biết phân biệt giữa thuần phong mỹ tục cần giữ gìn với hủ tục, tập quán lạc hậu cần xóa bỏ; phân biệt giữa âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN của nước ta.
Do vậy, về tiêu chí áp dụng để xác định người có uy tín, ngoài các nội dung như Đề án đưa ra là: Thực sự được cộng đồng suy tôn, tín nhiệm; có ảnh hưởng đối với cộng đồng, thường được đồng bào tín nhiệm đến bày tỏ tâm tư, nguyện vọng và tranh thủ ý kiến giải quyết các vấn đề; có khả năng tác động, chi phối, tập hợp được đồng bào dân tộc thiểu số ở những phạm vi nhất định bằng lời nói, qua hành động…, tôi đề nghị bổ sung thêm: Người có uy tín phải am hiểu tập quán, phân biệt được giữa cái bản sắc, cái thuần phong mỹ tục với các hủ tục lạc hậu, đồng thời cũng phải nắm bắt, am hiểu đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; có lòng yêu nước, có ý thức bảo vệ Tổ quốc; biết phân biệt, phát hiện và đấu tranh với âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để chống phá cách mạng, chống lại nhân dân.
Cần xây dựng những tiêu chí, chuẩn mực, xác định đúng đối tượng người có uy tín ( Ông K’ Bốt, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Dak Nông)
Trước kia đồng bào dân tộc thiểu số sống cộng đồng tại các buôn, bon; hiện nay môi trường sống đã thay đổi, các dân tộc anh em sống xen kẽ; chịu ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường tác động; ngoài già làng, trưởng bản còn có các cán bộ của đoàn thể… Do vậy cần định nghĩa, xác định cũng như xây dựng những tiêu chí, chuẩn mực, lập danh sách đúng đối tượng người có uy tín từ đó mới có tính thuyết phục đối với đồng bào. Đồng thời có hình thức bồi dưỡng, nâng cao hiểu biết các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như tạo điều kiện cho người có uy tín giao lưu, trao đổi thông tin, kinh nghiệm với các dân tộc, các địa phương trong nước; kịp thời động viên để người có uy tín phát huy tốt hơn nữa vai trò của mình.
Đàm Thuần – Lan Anh (
Thực hiện)
Ý kiến bạn đọc