Multimedia Đọc Báo in

Doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược sở hữu trí tuệ phù hợp lĩnh vực sản xuất, kinh doanh

19:14, 18/09/2010

Sở hữu trí tuệ (SHTT) có quan hệ chặt chẽ với thương mại và phát triển kinh tế. Làm thế nào để thực thi quyền SHTT nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh cho đối tượng và chủ sở hữu, nhất  là trong bối cảnh  hội nhập kinh tế quốc tế, phóng viên Báo Dak Lak đã trao đổi với ông HOÀNG VĂN TÂN, Cục phó Cục SHTT về vấn đề này.

Sản xuất thép ở Công ty Cổ phần thép Đông Nam Á. (Ảnh: Lê Ngọc)
Sản xuất thép ở Công ty Cổ phần thép Đông Nam Á. (Ảnh: Lê Ngọc)

*Khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), vấn đề SHTT càng được đặc biệt quan tâm. Trong bối cảnh đó, công tác quản lý SHTT được thực thi thế nào nhằm đáp ứng những quy định và các điều ước quốc tế về lĩnh vực này, thưa ông?
 
-Nước ta đã gia nhập WTO nghĩa là đã gia nhập thị trường chung với thế giới, chấp nhận một cuộc chơi với luật chơi chung - một cuộc cạnh tranh công bằng, bình đẳng giữa các nước. Trong bối cảnh hiện nay, phần thắng thuộc về các doanh nghiệp và quốc gia có ưu thế về công nghệ, trí tuệ chứ không phải về vật chất thông thường, do đó, SHTT đang được coi là công cụ đắc lực để phát triển kinh tế, là nhân tố quyết định thắng thua trong cuộc cạnh tranh quốc tế. WTO đòi hỏi khắt khe đối với việc bảo hộ quyền SHTT, nên yêu cầu bảo đảm thực thi một cách hiệu quả quyền SHTT ở nước ta càng trở nên cấp thiết. Hiện nay các quy định pháp luật về bảo đảm thực thi quyền SHTT của nước ta là tương đối đầy đủ, đồng bộ, về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu của các điều ước quốc tế; các cơ quan chức năng đã có những nỗ lực đáng kể nhằm nâng cao hiệu quả của hoạt động thực thi quyền SHTT. Tuy nhiên, hoạt động này vẫn còn những tồn tại, nhất là về năng lực chuyên môn của các cơ quan thực thi, về việc xử lý các hành vi xâm phạm quyền SHTT. Nhằm đáp ứng những quy định của Luật SHTT và các điều ước quốc tế về lĩnh vực này, công tác quản lý SHTT ở nước ta cần phải được chú trọng đẩy mạnh, tập trung vào các nội dung: Hoàn thiện hệ thống pháp lý về SHTT, tăng cường năng lực của các cơ quan nhà nước về SHTT từ Trung ương đến địa phương, nâng cao hiệu quả của hoạt động quản lý SHTT, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) trong việc tạo ra sản phẩm - thành quả của lao động sáng tạo, đăng ký bảo hộ quyền và phát triển khai thác quyền SHTT một cách hiệu quả cả trong và ngoài nước, giúp các DN nâng cao năng lực cạnh tranh của mình.

*Tại Dak Lak, Dự án “Hỗ trợ quản lý và phát triển Chỉ dẫn địa lý (CDĐL) Cà phê Buôn Ma Thuột” đang được triển khai theo “Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp” của Bộ Khoa học công nghệ được xem là dự án điểm trong cả nước, khởi đầu cho việc đưa Luật SHTT vào thực tiễn. Nhưng quá trình triển khai dự án gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Theo ông, đâu là “nút gỡ” cho những vướng mắc đó?
-CDĐL là một quyền SHTT cụ thể, đặc biệt, đem lại lợi ích thương mại to lớn. Với thị trường cạnh tranh khốc liệt như hiện nay và người tiêu dùng ngày càng khó tính hơn, CDĐL sẽ giúp gia tăng giá bán lẻ các sản phẩm, phân bổ giá trị tốt hơn, từ đó thúc đẩy sản xuất phát triển. Do đó, việc quản lý và bảo hộ CDĐL cần được đặc biệt quan tâm và khai thác đúng mức nhằm gia tăng giá trị thương mại. Với CDĐL Buôn Ma Thuột dùng cho sản phẩm cà phê nhân đã được bảo hộ, vấn đề là làm sao để quản lý, phát triển, khai thác được lợi ích của đối tượng này. Đây là vấn đề mới, nên việc triển khai nói chung sẽ gặp không ít khó khăn. Muốn dự án thành công đòi hỏi sự quan tâm hợp tác của chính nhà sản xuất, kinh doanh và sự hỗ trợ của chính quyền địa phương. Theo tôi, tỉnh đã rất nỗ lực trong việc triển khai dự án, UBND tỉnh quan tâm, tạo điều kiện về cơ chế, kinh phí cho các hoạt động trong lĩnh vực này. Đại hội lần thứ nhất Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột vừa được tổ chức là kết quả đáng ghi nhận trong việc tập hợp  lực lượng các nhà sản xuất, kinh doanh cà phê, cùng các cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan nghiên cứu nhằm thực hiện mục tiêu chung là phát triển sản xuất, kinh doanh cà phê mang CDĐL Buôn Ma Thuột. Trước mắt, cần tập trung triển khai thực hiện tốt những nhiệm vụ mà Đại hội đề ra, đưa quy chế, điều lệ Đại hội vào thực tiễn. Đây là việc rất khó khăn, phức tạp, nhưng tôi nghĩ vẫn làm được với nỗ lực chung của 4 nhà: Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp.

Tôi cũng muốn lưu ý một điều, hiện nay nhiều DN vẫn chưa nhận thức đầy đủ  về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của việc bảo hộ CDĐL, chưa quan tâm nhiều đến lĩnh vực SHTT. Do đó, một nội dung rất quan trọng của cơ quan chức năng là phổ biến kiến thức pháp luật về SHTT để nâng cao trình độ hiểu biết của doanh nghiệp và người dân, đồng thời tăng cường hỗ trợ các DN trong các hoạt động nhằm tạo lập, đăng ký bảo hộ, khai thác sản phẩm SHTT. Với môi trường kinh doanh hiện nay, tất cả các DN nói chung, tùy loại hình, lĩnh vực sản xuất kinh doanh đều phải xây dựng chiến lược SHTT phù hợp, từ việc đặt tên DN (tên thương mại cũng là một đối tượng SHTT) đến công nghệ sản xuất sản phẩm (sáng chế), bao gói, hình dáng sản phẩm (kiểu dáng công nghiệp), rồi việc đưa sản phẩm ra thị trường…làm thế nào vừa bảo vệ được quyền và lợi ích chính đáng của mình, vừa không bị rơi vào tình trạng xâm phạm quyền SHTT của người khác.

*Xin cảm ơn ông!

Hoa Hồng (Thực hiện)

 


Ý kiến bạn đọc