Nâng cao ý thức trách nhiệm để xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ: “Phụng công - Thủ pháp - Chí công - Vô tư”
Ngành Tòa án Nhân dân (TAND) chính thức được thành lập vào ngày 13-9-1945, ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành Sắc lệnh số 33c thiết lập các tòa án quân sự sau khi thành lập Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Riêng tại Dak Lak, ngay sau khi hoàn toàn được giải phóng (3-1975), Tòa án quân quản Dak Lak cũng đã được thành lập để xét xử sơ thẩm đồng thời chung thẩm các vụ án. Từ khi thành lập đến nay, ngành TAND nói chung và TAND Dak Lak nói riêng đã không ngừng nỗ lực phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao, tận tâm tận tụy và trung thành tuyệt đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, trung thành với Tổ quốc; xứng đáng là công cụ sắc bén của Nhà nước trong việc trừng trị nghiêm minh các loại tội phạm và giáo dục pháp luật cho nhân dân. Nhân kỷ niệm 65 năm thành lập ngành TAND và 35 năm thành lập TAND Dak Lak, Báo Dak Lak đã có cuộc phỏng vấn ông NGUYỄN DUY HỮU, Chánh án TAND tỉnh Dak Lak.
* Xin ông cho biết những kết quả nổi bật mà ngành TAND Dak Lak đã đạt được trong thời gian qua, đặc biệt là từ khi thực hiện Nghị quyết 08-NQ/T.Ư ngày 2-1-2002 của Bộ Chính trị “Về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới”?
Trong những năm qua, với chức năng nhiệm vụ của mình, chúng tôi luôn bám sát vào nhiệm vụ chính trị của địa phương. Trong từng giai đoạn cách mạng, dưới sự lãnh đạo sát sao, chặt chẽ của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và sự quản lý của cơ quan chủ quản cấp trên, ngành TAND ở Dak Lak đã có những cố gắng tích cực trong công tác xét xử, phục vụ được yêu cầu chính trị được giao. Hằng năm, chúng tôi đã thụ lý và đưa ra xét xử hàng nghìn vụ án các loại. Nếu như lấy con số so sánh năm 1994 chúng tôi đưa ra xét xử 1512 vụ án các loại thì đến năn 2009, toàn ngành TAND ở Dak Lak đã xét xử đến 6975 vụ (tăng 4,6 lần), cao nhất trong khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Ngoài ra, chúng tôi còn chủ động tổ chức nhiều phiên tòa lưu động xét xử tại những nơi xảy ra tội phạm để giáo dục tuyên truyền pháp luật và răn đe phòng ngừa chung trong xã hội, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Việc xét xử nhìn chung là bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Có thể nói, Nghị quyết 08 đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các cơ quan tư pháp nói chung và ngành TAND riêng. Cụ thể là cơ sở vật chất đã được đầu tư trang bị; công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được quan tâm..., từng bước đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ được giao. Với những kết quả đã đạt được, trong nhiều qua, TAND tỉnh, Tòa Hình sự, Văn phòng TAND tỉnh và nhiều tòa cấp huyện đã được tặng bằng khen của ngành và của tỉnh...
* Sau Nghị quyết 08, Bộ Chính trị tiếp tục thông qua Nghị quyết Số 49-NQ/T.Ư ngày 2-6-2005 “Về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”. Đến nay việc triển khai nghị quyết này đã được triển khai như thế nào, quá trình triển khai đã gặp phải những khó khăn vướng mắc gì không, thưa ông?
- Theo tôi, đây là một trong những vấn đề thời sự đối với ngành tư pháp. Hiện nay chúng tôi đang tích cực triển khai Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị, trong đó vẫn xác định TAND giữ vị trí trung tâm, công tác xét xử giữ vị trí trọng tâm.
Dưới sự chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng TAND Tối cao và Ban Thường vụ Tỉnh ủy, chúng tôi đã xây dựng một Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết với các nhiệm vụ cụ thể trong từng giai đoạn. Trong đó, giai đoạn từ 2006 đến 2010 là nâng cao chất lượng xét xử và giải quyết các vụ án theo tinh thần cải cách tư pháp; trong đó thường xuyên rà soát, phân loại tập trung giải quyết dứt điểm những khiếu kiện bức xúc trong lĩnh vực tư pháp, nhất là trong công tác xét xử và thi hành án. Tăng cường năng lực cho cán bộ tư pháp, đầu tư cơ cở vật chất cho các cơ quan tư pháp cấp huyện. Trong hoạt động nội dung của tòa án, chúng tôi đã tập trung triển khai đổi mới việc xét hỏi và tranh tụng tại phiên tòa theo tinh thần của Nghị quyết 49. Đồng thời cũng đã thực hiện việc tăng thẩm quyền cho các TAND cấp huyện, thành phố được xét xử đối với những tội có mức án đến 15 năm tù...
Tuy nhiên, đối với địa bàn Dak Lak hiện nay thì việc thực hiện Nghị quyết 49 vẫn còn nhiều khó khăn vướng mắc. Trước hết là lượng án cần phải giải quyết hằng năm tăng nhanh, trong khi đó đội ngũ cán bộ, thẩm phán chưa được bổ sung và bồi dưỡng kịp thời. Bên cạnh đó, Dak Lak là địa bàn rộng, địa hình phức tạp, rất khó khăn cho quá trình điều tra xác minh án. Mội điều đáng lo ngại nữa là đội ngũ cán bộ của ngành đa số là trẻ, có năng lực và lòng nhiệt tình nhưng môi trường rèn luyện chưa nhiều, dễ sa ngã trước sự tấn công từng ngày, từng giờ của mặt trái cơ chế thị trường... Mặt khác, do tính chất dân cư ở Dak Lak đa dạng, phức tạp nên trong từng vụ việc cụ thể cũng đã gặp không ít khó khăn trong việc giải quyết án, xử án. Tôi lấy ví dụ, trong một vụ án cụ thể, ở phiên sơ thẩm thì đương sự không cung cấp chứng cứ đầy đủ, đến khi phúc thẩm lại đưa thêm chứng cứ ra. Tình trạng này đã khiến cho nhiều phiên tòa phải tạm hoãn, nhiều vụ việc phải giải quyết kéo dài, rất mất thời gian và phải trải qua nhiều quá trình tố tụng... Một điều nữa là việc đầu tư trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác điều tra xét xử, mặc dù đã được quan tâm đầu tư nhưng vẫn chưa đủ để đáp ứng được yêu cầu công việc. Chính những yếu tố nêu trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng xét xử. Và như vậy thì rõ ràng là đã ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình cải cách tư pháp.
* Ông nhìn nhận thế nào về chất lượng xét xử của TAND các cấp trong tỉnh thời gian qua? Theo ông thì đâu là yếu tố quyết định để nâng cao chất lượng xét xử, không để xảy ra án oan sai, lọt người, lọt tội?
- Có thể khẳng định chất lượng xét xử của TAND các cấp trong thời gian qua đã được nâng lên rõ rệt, đáp ứng được yêu cầu quản lý Nhà nước và phục vụ được nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Tuy nhiên, do việc thực hiện tăng thẩm quyền xét xử đối với các TAND cấp huyện, thành phố trong khi công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chưa theo kịp với yêu cầu nhiệm vụ nên có lúc, có nơi vẫn còn xảy ra tình trạng án bị hủy, bị sửa... Tuy nhiên, thực tế thì số lượng án bị sửa nghiêm trọng, bị hủy trong thời gian qua đã được hạn chế đáng kể. Điều đáng mừng là trong nhiều năm qua kể từ khi có Luật Bồi thường Nhà nước, chúng tôi chưa nhận được lá đơn nào của công dân hoặc tổ chức yêu cầu bồi thường thiệt hại. Chính điều này đã nói lên chất lượng xét xử của ngành TAND Dak Lak. Chúng tôi tự hào với những kết quả đã đạt được và luôn ý thức được trách nhiệm của mình đối với công việc để xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ đối với cán bộ ngành TAND: “Phụng công – Thủ pháp – Chí công – Vô tư”!
Về yếu tố quyết định để nâng cao chất lượng xét xử, theo tôi, nguyên tắc đầu tiên và cũng là yếu tố quan trọng nhất là phải bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng. Tôi xin nhấn mạnh, trong hoạt động pháp lý không thể tách rời hoạt động chính trị! Yếu tố thứ hai, theo tôi là yếu tố con người. Chúng ta phải có một đội ngũ cán bộ giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, nhạy bén về chính trị. Muốn có người giỏi thì phải đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn, rèn luyện... để chọn lọc những con người có đủ tố chất và mạnh dạn đề bạt, giao nhiệm vụ cho lớp trẻ. Bên cạnh đó, Đảng và Nhà nước cũng cần tạo điều kiện đầu tư trang bị phương tiện, cơ sở vật chất để phục vụ công tác của ngành. Đồng thời cần phải có chế độ đãi ngộ hợp lý hơn nữa để cán bộ trong ngành yêu tâm công tác. Mặc dù hiện tại cán bộ trong ngành đã có chế độ thâm niên, phụ cấp ngành, tuy nhiên thu nhập vẫn còn thấp. Tôi mong muốn làm sao cán bộ Tòa án có một bậc lương riêng, tương xứng với công sức và trách nhiệm của những người cầm giữ cán cân công lý.
* Xin cảm ơn ông!
Ý kiến bạn đọc