Multimedia Đọc Báo in

Nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của doanh nghiệp

15:47, 04/10/2010

Theo thống kê của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Dak Lak hiện có trên 5000 doanh nghiệp đang hoạt động trên tất cả các lĩnh vực, trong đó chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Có thể nói, hoạt động của các doanh nghiệp đã và đang góp phần vô cùng quan trọng đối với quá trình xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Hằng năm, các doanh nghiệp đã tạo công ăn việc làm cho trên 60.000 lao động cùng với mức đóng góp vào ngân sách Nhà nước của tỉnh trên 65%. Tuy nhiên, theo đánh giá chung thì quy mô của các doanh nghiệp ở Dak Lak vẫn còn tương đối nhỏ, sản phẩm chưa có tính cạnh tranh cao... Vậy các doanh nghiệp cần phải làm gì để nâng cao được hiệu quả và sức cạnh tranh?

Vấn đề cốt yếu là chủ động nguồn vốn để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh - Ông Dương Thanh Tương, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh

 
Chúng ta không thể phủ nhận được những đóng góp tích cực của các doanh nghiệp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Tuy nhiên, công bằng mà nói thì các doanh nghiệp ở tỉnh ta vẫn còn bộc lộ nhiều yếu kém cần khắc phục. Đó là quy mô của doanh nghiệp vẫn còn nhỏ lẻ, không đủ vốn để sản xuất, kinh doanh. Tay nghề của người lao động chưa được đào tạo bài bản, tinh xảo, do đó sản phẩm làm ra chưa có tính cạnh tranh cao. Bên cạnh đó, trình độ quản lý của nhiều doanh nghiệp vẫn còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu... Nói như vậy để thấy rằng, các doanh nghiệp muốn nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh thì trước mắt phải khắc phục cho được những yếu kém nêu trên. Theo tôi, trước hết các doanh nghiệp cần phải tập trung đào tạo nâng cao năng lực quản lý và tay nghề của công nhân. Nâng cao trình độ công nghệ thông tin để nắm bắt và mở rộng thị trường. Bên cạnh đó, cần phải mở rộng đầu tư vào các mặt hàng truyền thống của địa phương, đồng thời mở rộng thị trường và hệ thống bán lẻ, quan tâm đến thị trường các vùng nông thôn... Dĩ nhiên, để làm được điều đó thì trước hết các doanh nghiệp phải cần có vốn. Tôi cho rằng, vấn đề cốt yếu là các doanh nghiệp phải chủ động nguồn vốn, đồng thời các ngân hàng cũng cần có cơ chế để doanh nghiệp được vay vốn làm ăn... 

Khẳng định thương hiệu bằng chất lượng - Ông Huỳnh Văn Khiết, Giám đốc Công ty Cao su Dak Lak (DAKRUCO)

 

Trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, chúng tôi đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng và phát triển thương hiệu. Mà để có được thương hiệu thì các sản phẩm làm ra phải bảo đảm chất lượng. Chất lượng và thương hiệu có thể xem làm một mối quan hệ biện chứng, không thể tách rời. Chính vì vậy, trong những năm qua, chúng tôi luôn quan tâm đầu tư thiết bị, công nghệ chế biến hiện đại, đồng bộ, luôn đi đầu trong việc áp dụng công nghệ mới trong sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm. Đồng thời, DAKRUCO cũng không ngừng nghiên cứu, sản xuất những dòng sản phẩm mới có chất lượng cao kịp thời cung ứng ra thị trường. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng luôn chú trọng công tác đào tạo nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ quản lý, lao động, áp dụng các chính sách đãi ngộ để thu hút nguồn nhân lực... Chính nhờ nâng cao được chất lượng sản phẩm, nên đến thời điểm này, DAKRUCO là doanh nghiệp đầu tiên trong tỉnh được cấp chứng nhận Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008; Hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14.001:2004. Thương hiệu DAKRUCO được đăng ký bảo hộ trong nước, tại Mỹ và Châu Âu. Hiện nay, trên 90% sản phẩm của DAKRUCO được xuất khẩu chủ yếu tại thị trường Châu Âu, Châu Á, Nhật Bản, Hoa Kỳ... Hiện tại và tương lai, vấn đề chúng tôi quan tâm vẫn là nâng cao chất lượng sản phẩm để tạo niềm tin với khách hàng, mở rộng đầu tư đa ngành nghề, đa lĩnh vực để tiếp tục củng cố và khẳng định thương hiệu, tạo thế phát triển bền vững và phấn đấu trở thành một tập đoàn kinh tế mạnh.

Tạo lập niềm tin đối với người dân - Ông Hồ Đăng Phú, Giám đốc Công ty Cổ phần Bông Tây Nguyên

 

Đặc thù riêng của lĩnh vực sản xuất kinh doanh chúng tôi là đầu tư trong nông dân, thu mua nguyên liệu từ nông dân... Do đó muốn nâng cao hiệu quả thì trước hết là phải tạo lập được niềm tin đối với người dân. Trong điều kiện các vùng nguyên liệu trên địa bàn Tây Nguyên không được tổ chức tập trung mà phân tán nhỏ lẻ, rời rạc; trình độ canh tác, khả năng thâm canh của nông dân còn hạn chế, cây bông khó mà cạnh tranh được với các loại nông sản khác. Trong bối cảnh đó, mục tiêu của chúng tôi hiện nay là phải bảo đảm đáp ứng được thu nhập của người trồng bông tương đương hoặc cao hơn các loại cây trồng khác cùng vụ để tạo lập niềm tin đối với người. Để thực hiện được mục tiêu này, chúng tôi đang đẩy nhanh quá trình chuyển giao khoa học kỹ thuật đến với người nông dân, trong đó đặc biệt là chú trọng các loại giống mới và kỹ thuật chăm sóc nhằm nâng cao năng suất. Tập trung nghiên cứu rút gọn, hợp lý hóa sản xuất, tiết kiệm chi phí trong tất cả các khâu nhằm bảo đảm giá thành hợp lý. Cùng với đó, Nhà nước cũng cần phải có cơ chế quỹ bình ổn giá để bảo đảm giá thu mua cho nông dân... Với những nỗ lực cố gắng của mình, chúng tôi cũng mong muốn các cấp các ngành cùng quan tâm phối hợp để thực hiện tốt Quyết định 80 của Thủ tướng Chính phủ về lĩnh vực nông nghiệp như: Bao tiêu sản phẩm, công bố giá sàn, đầu tư ứng trước, hình thành các tổ liên kết... để tạo lập niềm tin đối với người dân.

Chất lượng và uy tín là thước đo hiệu quả - Ông Võ Văn Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Thiên An

 
Theo tôi, bất cứ doanh nghiệp nào cũng đều có tham vọng phát triển lớn mạnh. Do đó, mỗi doanh nghiệp đều chọn cho mình một, hoặc nhiều cách thức, giải pháp để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Riêng đối với doanh nghiệp chúng tôi, thước đo hiệu quả chính là chất lượng và uy tín. Mà để nâng cao chất lượng, khẳng định uy tín của doanh nghiệp thì trước hết phải tập trung bồi dưỡng nâng cao trình độ, kiến thức, tay nghề cho cán bộ, công nhân viên. Có trình độ, kiến thức mới có thể tiếp cận,  nghiên cứu ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, mới nâng cao được hiệu quả kinh doanh. Bên cạnh đó, và để làm được điều đó thì không thể không có vốn. Có vốn doanh nghiệp mới có thể mạnh dạn đầu tư trang thiết bị, mới có thể mở rộng địa bàn và lĩnh vực, ngành nghề hoạt động, đa dạng hóa sản phẩm đủ sức cạnh tranh trên thị trường...
Nhân đây tôi cũng xin kiến nghị đến các cơ quan quản lý Nhà nước là cần phải tiếp tục thực hiện việc cải cách hành chính. Ví dụ như ở một số lĩnh vực trong ngành xây dựng, đầu tư và dịch vụ cần phải tinh gọn hơn nữa các thủ tục giấy tờ để doanh nghiệp đỡ phải đi lại nhiều lần. Hoặc như việc thu thuế đối với các công trình xây dựng, tôi kiến nghị khi vốn công trình về đến Kho bạc Nhà nước thì cần phải can thiệp thu thuế ngay tại đây. Sau đó doanh nghiệp sẽ tập trung chứng từ đến Cục thuế để được hoàn thuế đầu vào. Cách làm như vậy sẽ tránh trốn thuế và cũng là để bớt phiền hà cho doanh nghiệp.

Dây chuyền công nghệ hiện đại góp phần tăng sức cạnh tranh - Ông Nguyễn Văn Phan, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất và dịch vụ Đắc Hải

 

Hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, cung cấp các mặt hàng cơ khí, thiết bị máy móc công nghiệp thay thế, công ty chúng tôi đang sản xuất hơn 50 chủng loại sản phẩm. Có những chi tiết máy đòi hỏi độ chính xác đến tuyệt đối, không thể làm bằng thủ công, mà buộc phải sản xuất bằng máy móc. Nhận thấy sự quan trọng của máy móc công nghệ cao, công ty đã đầu tư dây chuyền máy đúc khuôn tự động, khép kín công nghệ của Nhật Bản – Đài Loan lên đến 5 tỷ đồng, khi đưa vào sản xuất sẽ cho ra thị trường những sản phẩm đúc với độ chính xác cao, hướng đến đạt các tiêu chuẩn chất lượng trong nước và khu vực. Dây chuyền công nghệ tiên tiến sẽ giúp công ty tăng năng suất. Một ví dụ đơn giản, trước đây một máy đóng thao làm bằng tay mỗi ngày một công nhân làm được 20 sản phẩm, từ khi đưa vào sản xuất tự động mỗi ngày công nhân làm được từ 300 – 500 sảm phẩm. Mẫu mã đẹp, đa dạng, có chất lượng người tiêu dùng sẽ tự tìm đến doanh nghiệp để đặt hàng. Hiện nay, ngoài cung cấp sản phẩm cho hơn 50 đại lý, doanh nghiệp là khách hàng thường xuyên trên địa bàn tỉnh, công ty còn cung cấp sản phẩm cho các tỉnh như Dak Nông, Gia Lai, Kon Tum… Trung bình, mỗi năm công ty xuất ra thị trường trong và ngoài tỉnh khoảng 500 – 700 tấn sản phẩm. Theo tôi, công nghệ hiện đại sẽ góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng sản phẩm và tăng cường khả năng cạnh tranh.

Công nghệ quyết định đến chất lượng sản phẩm - Ông Nguyễn Xuân Thái, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Cà phê Thắng Lợi

 

Theo tôi, để nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh thì điều quan trọng hàng đầu phải là chất lượng sản phẩm. Chính vì vậy, mục tiêu của công ty chúng tôi là cung cấp cho thị trường những sản phẩm cà phê sạch, có chất lượng cao. Trong những năm qua, công ty chúng tôi đã đặt ra những quy định rất gắt gao trong quá trình thu hoạch và chế biến sản phẩm cà phê như: phải bảo đảm các yêu cầu tối thiểu: 70% quả chín; 20% quả vàng và 10% quả xanh. Ngoài ra, từ năm 2002, chúng tôi đã bắt đầu mạnh dạn đầu tư một dây chuyền chế biến cà phê ướt sau thu hoạch và đã phát huy được hiệu quả rõ rệt. Đây là một công nghệ hiện đại có quy trình sản xuất khác hẳn với cách làm truyền thống. Chính vì được tróc sạch vỏ và nhớt khi quả vừa thu hoạch, lại được sấy khô bằng máy, nên sản phẩm của chúng tôi đưa ra thị trường luôn bảo đảm các tỷ lệ như đen, bể, tạp chất chỉ còn mức 0,1%. Chính vì vậy, giá bán sản phẩm cà phê của công ty chúng tôi luôn cao hơn thị trường từ 200 đến 300 USD/tấn. Ban đầu khi chúng tôi có ý tưởng đầu tư công nghệ mới này, đã có nhiều ý kiến không tán đồng bởi nó quá mới, khác xa nhiều với cách làm cà phê truyền thống ở Tây Nguyên. Thế nhưng sau một thời gian đưa vào hoạt động, ai cũng gật đầu “tâm phục khẩu phục”. Nhờ đầu tư công nghệ mới này, chúng tôi từ một doanh nghiệp Nhà nước luôn phải nợ ngân hàng, đến nay đã trả hết nợ và có lãi hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Nói như vậy để thấy rằng, bên cạnh vốn và nhân công thì công nghệ hiện đại đóng vai quan trọng đến chất lượng sản phẩm.

Bảo vệ sức khỏe cộng đồng là chìa khóa của thành công - Ông Phạm Văn Ngọc, Giám đốc Công ty TNHH DAWA

 
Là doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất nước sạch đóng bình, đóng chai, chúng tôi luôn nhận thức và đặt vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm là tiêu chí cơ bản để phục vụ khách hàng; bảo vệ sức khỏe cộng đồng là chìa khóa của thành công. Và với doanh nghiệp chúng tôi, đây cũng là tiêu chí, chỉ tiêu để nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường. Tham gia vào thị trường sản xuất và cung cấp nước uống đóng chai từ năm 2003, đến nay DAWA là đơn vị duy nhất đạt chứng nhận HACCP trong ngành nước uống đóng chai của tỉnh. Chính nhờ quan tâm đầu tư công nghệ hiện đại và chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm nên DAWA đã tạo được chỗ đứng vững chắc và niềm tin tuyệt đối với người tiêu dùng trong tỉnh. Ngay từ đầu công ty đã đầu tư dây chuyền sản xuất với công nghệ xử lý nước hiện đại nhằm tạo ra các sản phẩm an toàn nhất vì sức khỏe người tiêu dùng. Để có những sản phẩm ngày càng chất lượng hơn, mới đây công ty đầu từ dây chuyền sản xuất nước sạch đồng bộ với các khâu súc rửa, chiết rót đóng nắp hoàn toàn khép kín số tiền hơn 3 tỷ để góp phần tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Đến nay công ty đã xây dựng được hai nhà máy sản xuất nước đóng chai phục vụ hơn 70% thị trường tiêu dùng trên địa bàn tỉnh và chiếm lĩnh gần như tuyệt đối tại tỉnh Dak Nông.

Nhóm PV (thực hiện)

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.