Multimedia Đọc Báo in

Để Luật Người khuyết tật phát huy hiệu quả

10:06, 03/12/2010

Nhân dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế Người khuyết tật (3-12), phóng viên Báo Dak Lak đã có cuộc trò chuyện với bà H’Ny Mlô, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, trao đổi một số vấn đề xung quanh công tác bảo trợ và triển khai Luật Người khuyết tật trên địa bàn tỉnh.

* Luật Người khuyết tật đã gần đến thời hạn có hiệu lực thi hành, vậy theo bà, những nội dung quan trọng nào của Luật được người khuyết tật quan tâm nhất?

 
- Luật Người khuyết tật được thông qua tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XII (với 10 chương, 53 điều) sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2011. Việc ban hành Luật Người khuyết tật đã thể hiện sự quan tâm to lớn của Đảng và Nhà nước đối với người khuyết tật, đó cũng là một việc làm cụ thể khẳng định sự cam kết của Việt Nam tham gia Công ước về Quyền của người khuyết tật...  Người khuyết tật (NKT) đã đón nhận thông tin này với tinh thần háo hức và mong muốn những Nghị định, Thông tư dưới Luật sớm được ban hành để các văn bản pháp luật này sẽ cụ thể hóa những nội dung của Luật, đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của NKT. Theo tôi nhận thấy thì vấn đề được người khuyết tật quan tâm nhất trong Luật đó là sự nhìn nhận, đánh giá người khuyết tật, những chế độ, chính sách, quyền lợi mà NKT được thụ hưởng. Trước đây, khái niệm về người khuyết tật được nhìn nhận ở góc độ y tế là chủ yếu. Nhưng Luật đã đặt vấn đề của họ vào góc độ xã hội. Cái tên “Người khuyết tật” thay thế cho tên gọi cũ “Người tàn tật”, Pháp lệnh cũng đã thể hiện sự thay đổi trong quan niệm. Luật đã tập trung vào quyền và nghĩa vụ NKT để làm thế nào giúp họ được sống bình đẳng và hòa nhập cộng đồng. Trước đây quan niệm của xã hội về NKT còn thiếu tôn trọng, phân biệt đối xử, coi họ là những người tàn, phế. Ngay cả chính sách hỗ trợ của Nhà nước cũng phiến diện, chỉ hỗ trợ vật chất, tiền bạc đơn thuần để nuôi sống họ mà chưa quan tâm đến việc phát huy khả năng của họ để họ thực sự là những người có ích cho xã hội (chưa tạo việc làm, chưa quan tâm đến các hoạt động xã hội, tinh thần, giáo dục, đào tạo nghề, dịch vụ xã hội, truyền thông…). Luật cũng đã quy định không cần phải xác định, phân biệt rõ nguồn gốc khuyết tật (là bẩm sinh, tai nạn hay bất cứ nguyên do nào khác) và mọi người khuyết tật đều được hưởng các chế độ bình đẳng như nhau tùy vào dạng khuyết tật và mức độ khuyết tật. Thay cho các từ Hán Việt trước đây (như khiếm thị, khiếm thính…), nay Luật đã dùng từ thuần Việt quy định 6 dạng tật của NKT là: dạng vận động, dạng nghe nói, dạng nhìn, dạng thần kinh, dạng trí tuệ và dạng các khuyết tật khác. Đồng thời phân chia NKT ở 3 mức độ: đặc biệt nặng (không có khả năng tự phục vụ); mức độ nặng (chỉ tự phục vụ nhưng không có khả năng lao động) và mức độ nhẹ. Căn cứ vào những mức độ đó của NKT, Nhà nước sẽ có các chính sách hỗ trợ phù hợp. Luật nêu rõ NKT có quyền tham gia bình đẳng vào các hoạt động xã hội, quyền sống hòa nhập cộng đồng, quyền được chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, học văn hóa, trợ giúp pháp lý, dạy nghề, tham gia thể dục - thể thao; được miễn giảm đóng góp các hoạt động xã hội, được sử dụng các phương tiện, dịch vụ công cộng… Bên cạnh đó Luật cũng quy định những chính sách của Nhà nước như: xây dựng các chính sách, quy định…đẩy mạnh công tác  phòng ngừa để giảm thiểu NKT (quan tâm chăm sóc thai phụ, trẻ em để ngừa dị tật bẩm sinh; tuyên truyền, vận động, đầu tư để đảm bảo an toàn lao động, an toàn giao thông nhằm hạn chế tối đa tai nạn gây thương tật…). Đồng thời ban hành các chính sách Bảo trợ xã hội  và trợ giúp NKT, tạo điều kiện để họ dễ dàng hòa nhập vào cộng đồng, xã hội như những người bình thường.
Dạy nghề mộc mỹ nghệ cho trẻ khuyết tật tại Trung tâm Hỗ trợ, phát triển, giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật.
Dạy nghề mộc mỹ nghệ cho trẻ khuyết tật tại Trung tâm Hỗ trợ, phát triển, giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật.

*Trong những năm qua, cùng với các chính sách của Đảng và Nhà nước, tỉnh ta đã thực hiện vấn đề trợ giúp NKT như thế nào, thưa bà?
- Theo số liệu thống kê mới nhất, toàn tỉnh hiện có hơn 90.000 NKT (chiếm hơn 6% dân số). Trong đó, có 25.000 người thuộc diện khuyết tật nặng cần được bảo trợ (11% bị khuyết tật về mắt, 15% bị khuyết tật về tai, 20% khuyết tật về chân tay, 27% khuyết tật về thần kinh, trí tuệ, còn lại là các dạng khuyết tật khác). Gần 80% số NKT sống ở nông thôn, cuộc sống chủ yếu dựa vào gia đình. Có đến gần 40% số NKT thuộc diện hộ nghèo và chỉ có gần 10% thuộc diện hộ khá, còn lại thuộc diện hộ trung bình. Từ năm 1998 đến nay tỉnh ta thực hiện hỗ trợ NKT theo Pháp lệnh Người tàn tật và Nghị định 67(Về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội). Nghị định 67 quy định: người tàn tật nặng không có khả năng tự phục vụ thuộc diện hộ nghèo được hưởng chế độ bảo trợ xã hội. Dựa vào những chính sách đó, hiện toàn tỉnh đã có 3.163 NKT nặng thuộc diện nghèo và 665 người bệnh tâm thần được hưởng trợ cấp hàng tháng tại cộng đồng; hơn 400 NKT đang được nuôi dưỡng tại các trung tâm bảo trợ xã hội. Ngoài ra còn có 1.000 NKT đang được hưởng chế độ trợ cấp diện chất độc hóa học. Từ năm 2005 đến nay đã có 12.000 NKT trong tỉnh được phục hồi chức năng; 800 trẻ khuyết tật đã được hỗ trợ phẫu thuật tim, mắt, sứt môi, hở hàm ếch; 1.000 NKT đã được cấp xe lăn và một số NKT được dạy nghề theo chính sách dạy nghề miễn phí cho lao động nông thôn…Bên cạnh đó, NKT trong tỉnh còn được các đoàn thể, tổ chức xã hội hỗ trợ về nhà ở, phương tiện phục vụ cuộc sống…

* Thưa bà, thời gian Luật Người khuyết tật có hiệu lực đang đến gần, vậy tỉnh ta đã thực hiện những gì để triển khai Luật sớm đi vào cuộc sống?
- Luật Người khuyết tật với những chính sách mang đậm tính nhân văn đã làm nức lòng những NKT. Tuy nhiên, để công tác triển khai Luật Người khuyết tật được thực hiện tốt cần phải có Nghị định, Thông tư hướng dẫn dưới Luật quy định cụ thể, chi tiết từng điều khoản, nhất là tiêu chuẩn để xác định mức độ, dạng khuyết tật; chế độ trợ cấp từng dạng khuyết tật… Trong khi chờ các văn bản pháp luật đó thì Sở đã có kế hoạch tập trung khảo sát NKT trên địa bàn tỉnh để xác định chính xác về số NKT, mức độ khuyết tật, dạng khuyết tật; nhu cầu của từng dạng NKT (như việc làm của người ở mức độ khuyết tật nhẹ; nhu cầu được chăm sóc sức khỏe, phẫu thuật, chế độ bảo trợ của NKT mức độ nặng, đặc biệt nặng…). Trên cơ sở đó, tỉnh sẽ xây dựng kế hoạch để kịp thời can thiệp, hỗ trợ, giúp đỡ NKT nhanh chóng, mang lại hiệu quả. Bên cạnh đó, để Luật Người khuyết tật sớm đi vào cuộc sống, cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về NKT để người khuyết tật được thụ hưởng đầy đủ các chế độ chính sách ban hành và thay đổi nhận thức của xã hội đối với NKT.

Theo Nghị định 13 của Chính phủ (có hiệu lực từ ngày 13-4-2010) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 67 thì những người NKT nặng không có khả năng tự phục vụ đều được hưởng chế độ trợ cấp, như vậy sắp tới số NKT được hưởng chế độ trong tỉnh sẽ tăng lên gấp 3 lần hiện tại (khoảng 10.000 người). Chính vì vậy, công việc đối với những người làm công tác bảo trợ xã hội sẽ vất vả hơn nhiều. Tuy nhiên, để Luật có đi vào cuộc sống được hay không thì chỉ những người làm nghề chính sách xã hội thực hiện thôi chưa đủ mà còn phụ thuộc vào tinh thần trách nhiệm của các cơ quan công quyền, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và cả cộng đồng xã hội ...

Hiện nay, Việt Nam đang tiếp cận với Công ước quốc tế về NKT, Công ước này đặt ra rất nhiều vấn đề. Do đó, trong quá trình thực hiện, cả Nhà nước và xã hội đều phải cố gắng, kể cả bản thân NKT.

Xin cảm ơn bà!

Minh Quân (thực hiện)

 


Ý kiến bạn đọc