Multimedia Đọc Báo in

Báo Dak Lak góp phần củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở

09:38, 14/01/2011

Từ ngày xuất bản số báo đầu tiên đến nay đã trải qua 35 năm, Báo Dak Lak luôn thể hiện tốt vai trò là công cụ tuyên truyền của Đảng, góp phần không nhỏ vào quá trình xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở. Nhân kỷ niệm lần thứ 35 năm Ngày ra số báo đầu (15-1-1976 – 15-1-2011) Báo Dak Lak xin trích đăng một số lời sẻ chia của độc giả dành cho tờ báo. 

 
Ông Lê Đức Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Cư M’gar: Mong rằng tờ báo sẽ có nhiều đổi mới hơn nữa để thực sự là “cánh tay” đắc lực của Đảng trong việc củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở
Những năm gần đây, Báo Dak Lak đã có nhiều đổi mới. Từ việc xuất bản 3 kỳ/tuần tăng lên 5 kỳ/tuần, đặc biệt gần đây nhất, các số báo đã được in màu ở những trang chính, hình thức của tờ báo đẹp và bắt mắt hơn. Về nội dung, ngoài việc phản ánh thông tin thời sự một cách kịp thời, Báo Dak Lak còn chuyển tải đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, qua đó đã trở thành một kênh thông tin tuyên truyền hiệu quả đối với người dân, góp phần đắc lực trong việc giúp huyện Cư M’gar nói riêng và các địa phương trong tỉnh nói chung củng cố hệ thống chính trị. Thông qua nội dung phong phú của tờ báo, địa phương chúng tôi nắm bắt được những thông tin thiết thực, những cách làm hay, hiệu quả trong phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng-an ninh của các địa phương trong tỉnh cũng như các vùng miền trên cả nước. Từ đó, đúc rút những kinh nghiệm quý áp dụng vào thực tiễn xây dựng và củng cố hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương mình. Tuy nhiên, trên các số báo, việc phản ánh về mặt trái của xã hội còn mờ nhạt khiến cho bình diện của tờ báo còn chung chung. Vì thế, với góc độ là một độc giả, tôi mong rằng, trong thời gian tới, Báo Dak Lak sẽ tiếp tục có thêm nhiều chuyên mục, nhiều bài viết phản ánh thông tin đa chiều, tăng cường nêu gương những người tốt, việc tốt để  biểu dương, khích lệ và nhân rộng điển hình góp phần nâng cao dân trí và tăng tính hấp dẫn của tờ báo. Mặt khác, Báo cũng chú trọng hơn nữa công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao ý thức trách nhiệm đội ngũ cán bộ, phóng viên…  có “tâm sáng, lòng trong, bút sắc” gắn bó với cơ sở, làm cho tờ báo là “người tuyên truyền tập thể, cổ động tập thể và tổ chức tập thể” và thực sự là “cánh tay” đắc lực của Đảng trong việc củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở.

Ông Nguyễn Hữu Quang, Bí thư Đảng ủy xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột): Một kênh thông tin quan trọng, tin cậy của địa phương

 

Đối với tôi tờ Báo Dak Lak luôn là một kênh thông tin quan trọng, tin cậy. Vì vậy, mỗi ngày trước khi bắt đầu làm việc tôi luôn dành khoảng 15 phút đầu giờ đọc nhanh toàn bộ thông tin trên mặt báo để nắm bắt tình hình kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh trên địa bàn tỉnh. Là độc giả thường xuyên, trung thành nên tôi nhận thấy rất rõ sự đổi thay cả về hình thức, nội dung của tờ báo nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của độc giả. Báo Dak Lak đã phát hành 5 kỳ/tuần, in màu và có cả Báo Dak Lak Điện tử nên đã phản ánh ngày càng sinh động hiện thực đời sống của nhân dân từ thành thị đến các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn… Đối với hệ thống chính trị cơ sở, đọc báo đảng địa phương rất quan trọng, không chỉ nắm bắt kịp thời những chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước mà có cả kế hoạch công tác của tỉnh, thành phố, những mô hình xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở khắp nơi…, góp phần quan trọng trong việc đưa ra những kế sách nhằm thúc đẩy địa phương phát triển đi lên. Nhiều bài báo quan trọng viết về công tác xây dựng Đảng, phát động quần chúng, phát triển kinh tế… đã được chúng tôi lưu giữ lại để dùng vào công việc cụ thể. Tuy nhiên, để làm tốt hơn nữa vai trò là “nhịp cầu” nối ý Đảng, lòng dân, tờ báo cần nâng cao tính chuyên nghiệp, phản ánh thông tin nhanh nhạy, kịp thời nhưng phải bảo đảm tính chính xác, tránh những bài báo có nội dung chung chung khiến bạn đọc nhàm chán.

 
H’Bình Rơyam, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Lak: Tờ báo là người bạn đồng hành không thể thiếu đối với cán bộ cơ sở
Cán bộ cơ sở vốn đã vất vả, đối với một cán bộ nữ người dân tộc thiểu số tại chỗ thì càng vất vả hơn. Để hoàn thành công việc, cán bộ cơ sở phải học tập, rèn luyện rất nhiều, mà chủ yếu là tự học. Trong đó, học qua thực tiễn công việc, cuộc sống và trên báo chí, nhất là Báo Dak Lak - tờ báo của Đảng bộ tỉnh đã phản ánh khá toàn diện về tình hình kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh ở tất cả các địa phương trong tỉnh, các văn bản, chỉ thị của Trung ương, của tỉnh. Làm cán bộ cơ sở hằng ngày có rất nhiều công việc cần phải giải quyết, song dù bận đến mấy, thì khi còn là Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Dak Liêng nay là Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Lak, tôi vẫn luôn sắp xếp thời gian đọc báo. Nhờ vậy, tôi đã nắm bắt được thông tin về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, những mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, các câu lạc bộ “Không sinh con thứ 3”, phòng chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới… để có thêm kiến thức hướng dẫn hội viên, bà con xây dựng, ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, Báo Dak Lak còn phản ánh, hướng dẫn dư luận, đấu tranh chống lại các luận điệu phản động của các thế lực thù địch, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, giúp cho cán bộ cơ sở dựa vào đó làm tài liệu học tập, vận động đồng bào nêu cao ý thức cảnh giác, không để kẻ xấu dụ dỗ, lôi kéo. Tuy nhiên, để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người đọc, ngoài những nỗ lực đổi mới hình thức và nội dung như thời gian qua báo đã thể hiện, theo tôi, Báo Dak Lak cần tiếp tục đẩy mạnh phản ánh cách thức xây dựng khối đại đoàn kết, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, các mô hình phát triển sản xuất hiệu quả, nhất là sự vươn lên của đồng bào dân tộc thiểu số để bà con dễ học tập, noi theo.

Già làng Ama Bái, buôn Bling, xã Ea Kpam, huyện Cư M’gar: Báo Dak Lak đã đưa đường lối, chủ trương của Đảng đến gần dân hơn, góp phần giải quyết kịp thời những bức xúc của người dân

 

Là người đã từng trải qua 60 năm trên mảnh đất Dak Lak này, bản thân già luôn mong muốn được nhìn thấy đổi thay của quê hương, đất nước ở những nơi không có điều kiện đặt chân đến. Trong những năm qua nhờ báo chí, trong đó có Báo Dak Lak với nhiều chuyên mục bổ ích mà từ đó hệ thống chính trị ở cơ sở đã gần dân hơn, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của nhân dân, phản ánh lên cấp trên để đề ra đường lối, chủ trương, chính sách đúng đắn và vận dụng vào thực tiễn cuộc sống. Từ phản ánh của các phóng viên, cộng tác viên, chính quyền đã có nhiều đổi mới trong hoạt động, thực hiện cải cách hành chính và giải quyết kịp thời những bức xúc của bà con, thực hiện đầy đủ các chính sách xã hội. Nhiều chuyên mục trên báo đã giúp bà con chúng tôi có thêm nguồn tin bổ ích, từ đó một lòng sắt son theo Đảng, theo Bác Hồ; biết gìn giữ, phát huy các phong tục tập quán tốt đẹp của đồng bào; biết tránh xa âm mưu của các thế lực phản động và có thêm nhiều kiến thức áp dụng vào đời sống, sản xuất hằng ngày. Già luôn mong muốn Báo Dak Lak sẽ luôn là chiếc cầu nối giữa người dân trong tỉnh với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; luôn hướng về cơ sở, phản ánh kịp thời những bức xúc, phản ánh của người dân; phê phán loại bỏ những thói hư tật xấu ra khỏi đời sống xã hội.

 
Anh Nguyễn Văn Hoan, Bí thư Huyện Đoàn Krông Pak: Những mô hình phát triển kinh tế hiệu quả được đăng tải là hướng đi mới cho nhiều người dân.
Những năm qua, Báo Dak Lak đã thu hút đông đảo bạn đọc bởi tính thời sự được thông tin đầy đủ trên mặt báo. Nhiều tin, bài chất lượng cao phản ánh đa chiều cuộc sống sinh hoạt, sản xuất của bà con ở nhiều địa phương từ thành thị đến nông thôn, vùng sâu vùng xa, được cập nhật kịp thời giúp cho độc giả có cái nhìn toàn diện về tình hình phát triển kinh tế, xã hội, chính trị, an ninh - quốc phòng của tỉnh. Trong đó, các tin, bài viết về những mô hình sản xuất kinh tế giỏi có hiệu quả được nhiều người dân quan tâm, vì đây là kênh thông tin đáng tin cậy và qua bài viết của các tác giả người dân đã tìm ra cho mình mô hình phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện gia đình, địa phương. Chẳng hạn như mô hình trồng xen canh sầu riêng, bơ… trong vườn cà phê mang lại hiệu quả kinh tế cao ở huyện Cư M’gar, nuôi ba ba gai ở xã Quảng Điền (huyện Krông Ana), trồng rừng liên kết trên vùng đất khó ở huyện M’Drak…, là những mô hình rất phù hợp với điều kiện của nhiều người dân trong tỉnh để qua đó họ có thể học hỏi vươn lên làm ăn, ổn định cuộc sống. Là một người làm công tác đoàn và thường xuyên đọc Báo Dak Lak nên trong các buổi sinh hoạt đoàn, tôi tập hợp những bài viết liên quan đến các mô hình kinh tế hiệu quả, gương đoàn viên, thanh niên sản xuất giỏi để giới thiệu tuyên truyền; từ đó động viên, khuyến khích các bạn phát huy sức trẻ làm giàu chính đáng.

Anh Trần Ngọc Trí, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Cư M’gar: Tờ báo đã kịp thời cổ vũ, khích lệ người dân…

 

Huyện Cư M’gar có địa bàn rộng, dân số đông, đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ chiếm tỷ lệ lớn (chiếm 46% số dân toàn huyện) vì vậy việc bảo tồn, nâng cao đời sống văn hóa, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Việc tờ Báo Dak Lak đến tay người dân một cách đều đặn đã cung cấp nhiều thông tin nhanh nhạy, phản ánh được nhiều mặt cuộc sống trong quá trình hội nhập và phát triển.
Những quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước được Báo Dak Lak chuyển tải một cách ngắn gọn, đầy đủ thông tin mà không khô khan, dễ tiếp nhận; bên cạnh đó, có những chuyên trang, chuyên mục nổi bật nhiều người quan tâm, vì vậy, báo càng hấp dẫn hơn. Đặc biệt, số Dak Lak cuối tuần và Nguyệt san, tập trung nhiều hơn cả các vấn đề về văn hóa- văn nghệ- giải trí… bạn đọc yêu thích. Trang văn hóa – xã hội có nhiều bài viết về nét đẹp văn hóa dân tộc các địa phương trong tỉnh; thông tin về những mô hình, sáng kiến tổ chức các hoạt động văn nghệ quần chúng, thành lập câu lạc bộ tại các thôn, buôn rất bổ ích, bản thân tôi cũng học hỏi, tiếp thu được nhiều cách làm hay để áp dụng ở địa phương mình như: duy trì các câu lạc bộ (CLB ) cồng chiêng,  Đàn tính- hát then, thái cực trường sinh… Thông qua các hoạt động này, bên cạnh việc giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc, đáp ứng đời sống tinh thần của người dân, còn góp phần đưa Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, mà nội dung chính là xây dựng con người, gia đình, thôn buôn, xã văn hóa... đi vào chiều sâu, nâng cao chất lượng các phong trào văn hóa- văn nghệ ở địa phương. Song song với đó, khi các vấn đề, hoạt động của địa phương mình được kịp thời thông tin trên mặt báo đã cổ vũ, khích lệ người dân hăng hái tham gia các  phong trào xã hội, phát triển sản xuất…

 

Nhóm Phóng viên CT-VX

 


Ý kiến bạn đọc