Multimedia Đọc Báo in

Đồng hành cùng doanh nghiệp

09:52, 14/01/2011

Đội ngũ doanh nghiệp đang ngày càng phát triển mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng kinh tế của địa phương. Trên bước đường phát triển của doanh nghiệp, Báo Dak Lak luôn là bạn đồng hành, không những là kênh cung cấp thông tin mà còn là kênh quảng bá sản phẩm, dịch vụ, giúp nâng cao vị thế của doanh nghiệp, hình ảnh của doanh nhân trên thương trường và trong xã hội. 

 
Ông Nguyễn Anh Tiến, Phó giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Sài Gòn - Buôn Ma Thuột: Kênh tuyên truyền hiệu quả trong Cuộc vận động “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”
Là một trong những doanh nghiệp (DN) phân phối hàng hóa đầu mối trên địa bàn, Công ty TNHH Thương mại- Dịch vụ Sài Gòn - Buôn Ma Thuột đã có nhiều hoạt động hưởng ứng Cuộc vận động (CVĐ) “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” một cách thiết thực, tiêu biểu là Chương trình “Tự hào hàng Việt” đã nhận được sự quan tâm hưởng ứng tích cực của người tiêu dùng (NTD), góp phần nâng cao vị thế hàng Việt. Trong dịp tết này, Công ty thực hiện bán hàng bình ổn giá một số mặt hàng thiết yếu sản xuất trong nước với tổng trị giá 36 tỷ đồng, trong đó tỉnh hỗ trợ cho vay ưu đãi 15 tỷ đồng, thể hiện sự quan tâm ủng hộ một cách thiết thực cho CVĐ. Để có được kết quả đó, công tác tuyên truyền trên báo chí đóng vai trò hết sức quan trọng. Có thể nói, Báo Dak Lak là kênh thông tin khá hiệu quả trong tuyên truyền thực hiện CVĐ. Chúng tôi theo dõi rất sát những bài báo phản ánh về CVĐ từ nhiều góc độ: cơ quan quản lý, nhà sản xuất, nhà phân phối, người tiêu dùng. Việc tuyên truyền, vận động người dân ủng hộ hàng hóa do doanh nghiệp trong nước sản xuất được thể hiện qua các nội dung cụ thể, đa dạng: thông tin về chất lượng hàng hóa, đặc điểm thị trường, thị hiếu người tiêu dùng, những vấn đề đặt ra cho DN trong sản xuất, cung ứng hàng hóa, như những bài: Doanh nghiệp “lắng nghe” người tiêu dùng, Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Xây dựng kênh phân phối ở nông thôn… Từ đó, DN có được những thông tin bổ ích, kịp thời, phục vụ thiết thực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Có những bài viết đã nêu bật những vấn đề cần có để thực hiện thành công chủ trương này, khiến các cơ quan chức năng phải lưu tâm, như: trách nhiệm chống hàng giả, hàng lậu để cho hàng trong nước có điều kiện cạnh tranh bình đẳng, trách nhiệm xây dựng hạ tầng thương mại ở nông thôn... Tôi nghĩ không chỉ các cơ quan chức năng, mà DN cũng cần phải quan tâm đến nhận định của báo chí và ý kiến của người dân mà báo chí ghi nhận được. Đặc biệt, với định hướng phát triển thị trường nông thôn trong thời gian tới, bên cạnh những yếu tố bảo đảm các yêu cầu về chất lượng, giá cả hàng hóa, kênh phân phối, chế độ hỗ trợ thương mại, DN trong nước càng cần có sự hỗ trợ tuyên truyền thường xuyên trên báo chí. Tôi mong báo chí tiếp tục phát hiện, chuyển tải những vấn đề thiết thực cho CVĐ, như: có chuyên mục cập nhật thông tin thị trường, phổ biến kiến thức, định hướng tiêu dùng; hoặc mở những diễn đàn trên báo để cùng DN chia sẻ, tháo gỡ khó khăn trong hoạt động. Đơn cử như hiện nay, việc đưa hàng Việt về nông thôn là rất cần thiết nhưng còn gặp nhiều vướng mắc, tỉnh nên có cơ chế, chính sách khuyến khích DN liên kết thực hiện chương trình một cách thường xuyên thì mới đạt hiệu quả.

Ông Trần Thường, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần quản lý Bến xe Dak Lak: Báo chí là cầu nối chia sẻ thông tin, góp phần tạo hiệu ứng tốt cho doanh nghiệp

 

Thông qua Báo Dak Lak, DN chúng tôi nắm bắt được thông tin bổ ích về chính sách, thông tư, nghị định mới trong lĩnh vực giao thông vận tải như: Nghị định 34/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, từ đó nhắc nhở, đôn đốc các DN vận tải phải thực hiện đúng quy định của luật về việc đón, trả khách đúng nơi quy định, bảo đảm an toàn cho khách trên mỗi chuyến đi…
Báo Dak Lak có nhiều bài viết về hình thức quản lý của các cơ quan ban ngành, trong đó có những thông tin về phát triển kinh tế, quyết sách, chiến lược của tỉnh - là tiền đề và cơ sở cho DN xây dựng định hướng phát triển, qua đó nắm bắt cơ hội đầu tư và mở rộng thị trường kinh doanh. Mặt khác, chúng tôi thường xuyên quan hệ với báo chí làm công tác truyền thông để từ đó nâng cao trách nhiệm, hiệu quả cung cấp dịch vụ, phổ biến hướng dẫn thực hiện pháp luật về giao thông vận tải, giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho tài xế. Để làm tốt công tác này, hằng năm DN mở nhiều lớp học nghiệp vụ cho người cầm lái về các nội dung như: cấm phóng nhanh vượt ẩu, không dùng bia, rượu trong lúc cầm lái, có thái độ thân thiện với hành khách…Những hoạt động  này được phản ánh trên Báo Dak Lak, những nhận định đánh giá đây là điểm đi - đến đáng tin cậy của hành khách, là môi trường kinh doanh thuận lợi cho các DN vận tải khác... đã góp phần tạo dựng uy tín cho đơn vị
Bên cạnh đó, báo chí còn phản ánh những mặt trái của kinh doanh vận tải như tình trạng xe dù bến cóc, lấn chiếm lòng lề đường… đã thực sự là những bài học quý để các DN vận tải trong địa phương có giải pháp thiết thực chấn chỉnh lại hoạt động của mình, giúp DN ngày càng hoàn thiện hơn.

 
Ông Y Phun Ni M’lô, Chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp – làng nghề thổ cẩm Ea Rbin - huyện Lak: Báo chí cổ vũ, tạo động lực để bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống dân tộc
Đã từ lâu, việc bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Êđê trên địa bàn tỉnh đang là một vấn đề cấp thiết, mà các cơ quan, ban ngành và người dân luôn quan tâm. Trong đó báo chí góp phần không nhỏ từ việc vận động tuyên truyền ý thức của người dân, đến truyền đạt tâm tư, nguyện vọng của họ. Không những thế, qua thông tin từ các tờ báo, mọi người sẽ biết đến sản phẩm thổ cẩm của đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là du khách và các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch. Thời gian qua, các cơ quan báo chí nói chung, Báo Dak Lak nói riêng đã đi sát, thông tin kịp thời những bức xúc, trăn trở, nguyện vọng của người dân và các HTX trong việc gìn giữ nghề truyền thống của đồng bào Êđê. Đặc biệt, nhiều bài viết nêu lên những tấm gương sáng, điển hình trong quá trình lưu giữ nghề dệt thổ cẩm ở địa phương để mọi người biết đến. Đồng thời, báo đã thực hiện tốt vai trò quan trọng của mình trong việc tuyên truyền, tạo dư luận xã hội để cảnh tỉnh mọi cấp, mọi ngành và toàn dân, nhất là việc giáo dục truyền thống cho lớp trẻ dân tộc thiểu số nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc mình.
Hiện nay, các HTX làng nghề thổ cẩm hoạt động cầm chừng, kém hiệu quả, ngày càng ít giới trẻ biết đến nghề dệt thổ cẩm của đồng bào mình. Do đó, việc quan tâm tuyên truyền của báo địa phương sẽ cổ vũ , tạo động lực đối với sự nghiệp bảo vệ và phát huy việc bảo tồn nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Êđê nói riêng, giá trị văn hóa dân tộc nói chung.

Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Hòa Thắng - TP. Buôn Ma Thuột: Thông tin trên Báo Dak Lak góp phần giúp chúng tôi điều chỉnh hoạt động kinh doanh

 

Trong kinh doanh, thông tin là điều cực kỳ quan trọng, ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự thành bại. Với một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng mà chủ yếu là xây dựng cơ bản thì việc nắm bắt thông tin, nhất là các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước là thực sự cần thiết. Thông qua nhiều kênh khác nhau, trong đó có báo chí, chúng tôi dễ dàng tiếp cận được  điều mình cần. Thời gian qua, Báo Dak Lak đã có nhiều sự cải tiến về cả nội dung và hình thức, tờ báo đã gần với người đọc hơn. Quan trọng hơn, tờ báo mang đậm tính địa phương khi phản ánh mọi mặt của đời sống, kinh tế, xã hội trong tỉnh. Qua những thông tin trên Báo Dak Lak, doanh nghiệp chúng tôi có thể điều chỉnh các hoạt động sản xuất kinh doanh cho phù hợp với tình hình địa phương. Chẳng hạn, thông qua những thông tin về đầu tư xây dựng cơ bản cùng những thông báo đấu thầu xây dựng được đăng tải trên Báo Dak Lak đã giúp chúng tôi sớm có kế hoạch điều tiết công nhân để có kế hoạch bỏ thầu phù hợp. Cũng nhờ có những thông tin như vậy mà chúng tôi có kế hoạch đầu tư đúng hướng vào những địa phương cụ thể trên từng địa bàn trong tỉnh.

Nhóm phóng viên (Thực hiện)

 


Ý kiến bạn đọc