Multimedia Đọc Báo in

Niềm vui của người nông dân với Báo Dak Lak

09:58, 14/01/2011

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao, Báo Dak Lak luôn dành một phần đáng kể diện tích mặt báo để chuyển tải thông tin phục vụ bạn đọc là nông dân. Từ những thông tin trên báo, nông dân đã bổ sung, làm giàu thêm kiến thức cho chính mình để áp dụng vào sản xuất kinh doanh, góp phần nâng cao chất lượng, năng suất cây trồng, vật nuôi…

Anh Lê Ngọc Hải, nông dân xã Hòa Khánh, TP. Buôn Ma Thuột: Báo Dak Lak đã “cho” tôi nhiều kiến thức bổ ích

 

Tôi không học các chuyên ngành về nông nghiệp nên quá trình sản xuất luôn gặp nhiều khó khăn do hạn chế về kiến thức lẫn kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Chính vì thế, tôi luôn tìm đọc báo chí nói chung, Báo Dak Lak nói riêng để tự bổ sung kiến thức cho mình. Những thông tin được Báo Dak Lak đăng tải về chủ trương, chính sách chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của tỉnh; tình hình thời tiết, dịch bệnh; mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi; một số bài viết như “Xoài siêu lá”, “Bát nháo trung tâm giống cây trồng”… đã giúp tôi rất nhiều trong quá trình đầu tư cho sản xuất, kinh doanh. Chẳng hạn, năm 2008, tôi có đọc được một số bài viết trên Báo Dak Lak về các mô hình trồng xen ca cao dưới tán điều. Lần theo các địa chỉ này, tôi đã học được nhiều kiến thức bổ ích về chăm sóc cây điều, ca cao của nông dân các huyện Ea Kar, M’Drak, Cư M’gar… Làm theo hướng dẫn của những nông dân này, sản lượng điều đã tăng thấy rõ, có vụ đạt xấp xỉ 1 tấn/ha, cao gần gấp đôi so với trước đây. Cũng từ đây, tôi được các “bạn đồng nghiệp” nông dân chia sẻ kinh nghiệm trồng ca cao dưới tán điều để tăng thêm thu nhập; giới thiệu tôi liên hệ các công ty có uy tín để mua cây giống. Nhờ có cây giống đạt chuẩn cùng với sự tận tình hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật đơn vị cung cấp cây giống nên vườn ca cao phát triển rất tốt, ít bệnh tật so với nhiều vườn khác trong vùng.

Ông Hồ Hoàn, thôn 5, xã Khuê Ngọc Điền, huyện Krông Bông: Phát triển kinh tế ổn định nhờ năng đọc
Báo Dak Lak

 

Trước đây, kinh tế gia đình tôi rất khó khăn, làm quần quật quanh năm chỉ với 3 sào lúa mà còn hay bị thiên tai, mất mùa, cuộc sống thiếu thốn trăm bề. Năm 2004, tình cờ tôi đọc trên Báo Dak Lak có giới thiệu về mô hình chăn nuôi heo làm giàu của một số bà con trong tỉnh, từ đó đã hình thành trong tôi ý tưởng nuôi heo theo mô hình trang trại. Không ngại khó khăn, ngoài việc tập trung nghiên cứu, trau dồi thêm kiến thức trên sách, tôi còn khăn gói đến tận các hộ nuôi heo mà Báo đã giới thiệu để học hỏi kinh nghiệm thực tiễn. Cuối năm đó, vay mượn của bà con hàng xóm và Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện được ít vốn, tôi bắt tay vào xây dựng chuồng trại, mua heo giống về nuôi. Do bước đầu còn bỡ ngỡ nên chỉ áp dụng thử với 10 con heo thịt để rút kinh nghiệm. Nhận thấy hiệu quả kinh tế mang lại không ngờ, sau khi xuất bán lứa đầu tiên tôi tiếp tục đầu tư thêm lứa kế tiếp nhiều hơn, và cứ thế đến nay trong trang trại của gia đình luôn nuôi cố định 17 con heo nái và 100 heo thịt, mỗi năm thu lãi trên 100 triệu đồng. Mặt khác, từ đàn heo nái trên mà trang trại của gia đình luôn giữ được nguồn giống ổn định, đồng thời còn cung cấp heo giống cho nhiều hộ khác trong xã. Tuy nhiên, trong quá trình chăn nuôi không tránh khỏi những rủi ro, mất mát. Đợt cuối năm 2010, dịch heo tai xanh bùng phát mạnh trên địa bàn huyện nói riêng và toàn tỉnh nói chung, gây thiệt hại không nhỏ cho người chăn nuôi. Nhưng nhờ có luồng thông tin nhanh nhạy mà Báo Dak Lak thường xuyên cập nhật, tôi đã kịp thời nắm bắt được diễn biến và tác hại của dịch bệnh nên kịp thời khoanh vùng trang trại nhà mình, mua thuốc phòng dịch cho đàn heo… Trong đợt dịch vừa qua, đàn heo của gia đình tôi không hề bị bệnh, nhưng do thị trường tiêu thụ bị ảnh hưởng nên heo còn khó bán. Sau khi hết dịch, tôi lại mở rộng thêm hướng đầu tư sang nuôi gà theo mô hình trang trại. Tuy nhiên, do vốn đầu tư ban đầu không cao, khả năng thu hồi nhanh, và đặc biệt là không tốn công chăm sóc nên tôi vẫn duy trì việc nuôi heo. Giờ đây, kinh tế gia đình đã ổn định, con cái được học hành đầy đủ, tôi  thường xuyên giúp đỡ bà con trong xã về kỹ thuật chăn nuôi heo, cung cấp con giống, và tạo điều kiện cho khoảng 5 hộ láng giềng sử dụng chung tiện ích từ hầm bioga của gia đình.

 
Ông Nguyễn Xuân Thủy, Chủ tịch Hội Nông dân phường Tân Lợi (TP. Buôn Ma Thuột): Báo đã gắn kết nông dân với Hội
Tôi biết đến ấn phẩm của Báo Dak Lak cách đây 11 năm, khi đang công tác trong ngành lâm nghiệp. Thú thật lúc ấy đọc báo chỉ là để “lấp đầy” khoảng thời gian trống sau những lần gác rừng, phải sống xa gia đình, nhưng không ngờ những mẩu tin, câu chuyện ở mục An ninh - Trật tự đã cuốn hút tôi tự lúc nào. Đọc Báo Dak Lak đã trở thành thói quen khi tôi được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ tổ dân phố 7A và Chủ tịch Hội Nông dân phường. Cùng với một số tờ báo khác, những bài viết trên  Báo Dak Lak đã đồng hành cùng chúng tôi trong những lần sinh hoạt chi, tổ hội. “Trăm nghe không bằng một thấy”, một bài báo giới thiệu về mô hình nông dân sản xuất giỏi; gương nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi; kỹ thuật trồng trọt - chăn nuôi v.v… có giá trị thuyết phục hơn nhiều lần cán bộ Hội tuyên truyền. Những năm trước đây, nông dân trên địa bàn phường đang tìm hướng chuyển đổi cây trồng - vật nuôi, trong lúc chưa quyết định lựa chọn cây, con gì phù hợp, qua những thông tin trên báo giới thiệu mô hình trồng bơ, nuôi gà Ai Cập (huyện Krông Ana), trồng chanh dây (huyện Krông Năng, huyện Buôn Đôn), nuôi nhím, gà sao, thỏ (TP. Buôn Ma Thuột), trồng ca cao dưới tán cà phê (huyện Ea H’leo, Krông Pak)… đem lại hiệu quả kinh tế cao, bà con nông dân đã mạnh dạn làm theo. Hiện nay, ngoài cà phê là cây trồng chủ lực, bà con nông dân trên địa bàn phường đã phát triển thêm cây bơ, ca cao trong vườn cà phê. Đây là 2 loại cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế khá cao, giúp bà con thoát nghèo.

 
Anh Trần Văn Dũng, thôn 2, xã Dang Kang, huyện Krông Bông: Báo chí đem lại cho tôi nhiều thông tin bổ ích về kỹ thuật sản xuất lúa
Là nông dân nên tôi cũng rất quan tâm đến những thông tin kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp trên báo chí, đặc biệt là kỹ thuật về sản xuất lúa. Tuy không có điều kiện theo dõi tất cả các từ báo, nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn được đọc Báo Dak Lak. Tôi nhận thấy tờ báo địa phương ngày càng có nhiều tin, bài phản ánh sinh động, kịp thời về các hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, nhất là trên báo đã có chuyên mục phổ biến các kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, giống cây con mới, các gương sản xuất giỏi, mô hình sản xuất hay… Qua đó, nông dân có thể tìm hiểu và áp dụng vào sản xuất để mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Nhờ các thông tin trên báo chí mà tôi biết lựa chọn giống lúa lai thích hợp để gieo sạ mang lại năng suất cao; biết áp dụng các biện pháp canh tác bền vững, không lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… Tuy nhiên, hiện Báo Dak Lak đến với bạn đọc là nông dân còn hơi ít, những thông tin kỹ thuật về sản xuất lúa vẫn chưa nhiều. Vì vậy, tôi mong tờ báo sẽ đến được nhiều độc giả nông dân và có nhiều thông tin bổ ích hơn nữa về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

 
Anh Hoàng Thái Tùng (Thôn 7, xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin): Thông tin trên báo rất bổ ích đối với việc sản xuất cà phê của gia đình tôi
Là nông dân, luôn bận rộn với nương rẫy nên tôi ít có điều kiện đọc báo để nắm bắt thông tin. Nhưng những lúc đọc Báo Dak Lak do cán bộ thôn, xã đưa về, tôi được biết nhiều thông tin bổ ích liên quan đến sản xuất. Từ những bài viết trên báo về cây cà phê, tôi tiếp cận được thông tin về kinh nghiệm chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cà phê, về giá cả phân bón, giá cà phê, những cảnh báo về phân bón giả, máy móc kém chất lượng… giúp tôi các kỹ thuật chăm sóc cà phê, bảo quản tốt sản phẩm, bán được giá hơn… Gia đình tôi trồng 2 ha cà phê được gần 10 năm nay, mặc dù có những thời điểm rất khó khăn, nhưng với kinh nghiệm của bản thân và những thông tin liên quan đến nông dân trên Báo Dak Lak và các tờ báo khác do các cán bộ thôn, xã và hội nông dân truyền đạt nên tôi vẫn gắn bó với cây cà phê, hiệu quả sản xuất năm sau cao hơn năm trước. Mong muốn của tôi là Báo Dak Lak ngày càng có nhiều thông tin hay và bổ ích về cây cà phê và giới thiệu nhiều điển hình, mô hình sản xuất hiệu quả để người nông dân học hỏi làm theo.

Nhóm phóng viên (Thực hiện)

 


Ý kiến bạn đọc