Multimedia Đọc Báo in

Các doanh nghiệp tư nhân sẽ có cơ hội hưởng lợi từ Chương trình Hỗ trợ cạnh tranh toàn cầu

10:17, 06/03/2011

Chương trình Hỗ trợ cạnh tranh toàn cầu (GCF) giai đoạn II (2011-2013) của Chính phủ Đan Mạch vừa được triển khai tại 8 tỉnh mục tiêu trong cả nước, trong đó có Dak Lak. Để hiểu rõ về chương trình, PV Báo Dak Lak đã có cuộc trao đổi với ông Amarnath Reddy, Cố vấn cao cấp của GCF.

*Xin ông cho biết mục tiêu của Chương trình GCF giai đoạn II tại Việt Nam?

 
GCF là một quỹ cung cấp tài trợ có vốn đối ứng cho việc thực hiện các ý tưởng kinh doanh mang tính sáng tạo của các doanh nghiệp tư nhân (DNTN) hoặc tổ chức ngoài quốc doanh (TCNQD). Chương trình GCF giai đoạn II nhằm nâng cao tính cạnh tranh cho các DN tư nhân Việt Nam hoạt động trong các lĩnh vực định hướng xuất khẩu tại các tỉnh mục tiêu thông qua việc tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ thương mại thích hợp và các mô hình kinh doanh mang tính sáng tạo. Dự  kiến, Chương trình sẽ triển khai khoảng 50-60 dự án tại 8 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Khánh Hòa, Phú Yên, Dak Lak, Lâm Đồng, An Giang, Cần Thơ với tổng viện trợ không hoàn lại là 216 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các đối tác tham gia Chương trình sẽ đóng góp đối ứng khoảng 165 tỷ đồng.

*Trong giai đoạn này, GCF sẽ tập trung hỗ trợ những hoạt động nào?
Hoạt động của GCF đặt trọng tâm vào các ngành nghề và chuỗi giá trị có tiềm năng xuất khẩu của từng địa phương. Các ngành được ưu tiên là: nông nghiệp - chế biến nông sản, ngư nghiệp, nuôi trồng thủy sản, thủ công, du lịch; trong đó quan tâm hơn với ngành nghề có chủ DN là nữ. Sự hỗ trợ của GCF sẽ giúp các DNTN/TCNQD giảm thiểu rủi ro tài chính trong cung cấp các công nghệ mới, tiếp cận thị trường xuất khẩu mới và thử nghiệm các mô hình kinh doanh mới …

*Các DN cần những điều kiện gì để tiếp cận CGF, thưa ông?
Trước hết, phải có ý tưởng dự án, bao gồm các nội dung: cung cấp giải pháp hoặc dịch vụ ứng phó với những thách thức mà DN nhỏ, hộ kinh doanh gia đình và nông dân đang phải đối mặt; nâng cao khả năng xuất khẩu cho một số nhà sản xuất nhỏ, đặc biệt trong chuỗi giá trị nông lâm nghiệp. Các ý tưởng phải hoàn toàn mới, chưa từng thực hiện ở địa phương. Đồng thời, phải đáp ứng các điều kiện: có tầm nhìn chiến lược dài hạn và sẵn sàng chịu các rủi ro; có năng lực quản lý, nguồn nhân lực thích ứng, có thành tích trong ngành; có khả năng tài chính đầu tư cơ sở hạ tầng theo yêu cầu và góp vốn đối ứng theo quy định; sẵn sàng học hỏi kinh nghiệm từ các dự án tương tự ở các nước và đồng ý chia sẻ kinh nghiệm thành công, nhân rộng mô hình thành công với cộng đồng. Quá trình xây dựng dự án có sự hỗ trợ của chuyên gia, cố vấn GCF.

*Có một thực tế là DNVVN nói chung, nhất là DNTN còn rất hạn chế về nguồn lực, khó lòng đáp ứng các điều kiện nêu trên. Liệu có cơ hội “mở” cho các DN được hưởng lợi từ dự án?
Theo kế hoạch, mỗi tỉnh sẽ có khoảng 8-10 dự án được GCF hỗ trợ với mức từ 400 triệu đến 8 tỷ đồng tùy quy mô, loại hình. Theo UBND tỉnh Dak Lak, các ngành nghề và chuỗi giá trị có tiềm năng xuất khẩu của địa phương là: cà phê, ca cao, tiêu, cao su, mật ong, trái cây, rau, du lịch. Tại Hội thảo triển khai Dự án GCF tại Dak Lak mà Hiệp hội DN Dak Lak vừa phối hợp tổ chức, đại diện các DNTN thuộc những ngành nghề này đã đề xuất nhiều ý tưởng nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành, trong đó có những ý tưởng khá mới mẻ, độc đáo. Trên cơ sở đó, GCF sẽ chọn mỗi ngành một vài DN tiêu biểu nhất hội đủ các điều kiện để hỗ trợ, từ đó các DN khác có thể học hỏi kinh nghiệm, cách làm ở mỗi dự án. Như vậy, ngoài DN thực hiện dự án được hưởng lợi trực tiếp từ GCF, các DN khác cũng có cơ hội hưởng lợi gián tiếp từ việc học hỏi mô hình thành công và áp dụng trong thực tế. Do đó, để chương trình triển khai có hiệu quả, điều quan trọng nhất là phải tìm được đối tác thích hợp, đủ tầm, đủ lực và có thể triển khai nhân rộng ra cộng đồng .

*Xin cảm ơn ông!

Hoa Hồng (Thực hiện)

 


Ý kiến bạn đọc