Multimedia Đọc Báo in

Cần một Ủy ban điều phối cho ngành hàng cà phê

16:03, 20/03/2011

Cà phê là mặt hàng nông sản chủ lực nhưng việc sản xuất, kinh doanh vẫn còn không ít hạn chế, nhất là thiếu tính bền vững. Phóng viên Báo Dak Lak đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, chung quanh vấn đề này.

* Trong thời gian qua, người ta nói nhiều đến việc phát triển cà phê bền vững. Ông đánh giá như thế nào về việc phát triển theo hướng bền vững của ngành cà phê gần đây?

 

- Sau một thời gian dài phát triển “không bền vững”, tức là ồ ạt tăng diện tích ngoài quy hoạch, không chú trọng đến chất lượng sản phẩm thì nay ngành cà phê đã có nhiều nỗ lực hơn theo hướng bền vững. Chẳng hạn, Nhà nước hướng đến việc bình ổn giá cả, chuyển giao khoa học công nghệ cho nông dân; doanh nghiệp tập trung vào việc chế biến sâu, đầu tư xây dựng nhà máy hiện đại, công suất lớn; địa phương xây dựng sàn giao dịch, tổ chức cả giao dịch giao ngay và kỳ hạn… Đây là những tín hiệu đáng phấn khởi, song cũng phải hiểu rằng, bền vững ở đây phải là bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường. Chính vì thế, trong chiến lược phát triển sắp tới của ngành cà phê, cần tiếp tục đặt tính bền vững và hiệu quả lên mục tiêu hàng đầu.

* Có một thực tế là sản xuất cà phê Việt Nam còn trong tình trạng manh mún, nhỏ lẻ với 85% nông dân có diện tích trung bình khoảng 0,5 – 2 ha/hộ. Điều này ảnh hưởng như thế nào đến việc phát triển cà phê bền vững, thưa ông?

- Không thể nào phát triển một nền sản xuất chuyên nghiệp, quy mô lớn, có khối lượng hàng hóa tập trung, phù hợp với các tiêu chuẩn trên thế giới mà lại bằng sản xuất nhỏ lẻ, mỗi người một kiểu và mạnh ai nấy làm. Ngân hàng, cán bộ khuyến nông không thể mang tiền, máy móc, kiến thức kỹ thuật đến từng hộ riêng lẻ được. Vì thế, cần phải tổ chức lại ngành hàng cà phê, đi từ các nhóm nông dân đến hợp tác xã, thành lập các hiệp hội gắn bó nông dân với người sản xuất, chế biến và nhà quản lý…. Với đặc trưng của Việt Nam, mô hình xây dựng một Ủy ban điều phối ngành hàng là phù hợp. Thành viên của ủy ban này gồm hiệp hội người sản xuất, hiệp hội nhà xuất khẩu, hiệp hội người tiêu dùng, các bộ, ngành… Ủy ban điều phối thực hiện nhiệm vụ đề xuất và giám sát việc thực hiện các chính sách, chiến lược liên quan đến ngành hàng cà phê; tổ chức nghiên cứu, đào tạo và phối hợp kiểm soát chất lượng; thu thập, phân tích, dự báo thông tin thị trường; điều phối thực hiện các chương trình phát triển thị trường; cải cách tổ chức ngành cà phê; thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế…

Du khách tham quan gian hàng của Hội chợ - Triển lãm chuyên ngành cà phê. (Ảnh: Gia Thịnh)
Du khách tham quan gian hàng của Hội chợ - Triển lãm chuyên ngành cà phê. (Ảnh: Gia Thịnh)


* Ông có thể giới thiệu một số mô hình phát triển bền vững mà chúng ta nên làm theo?

- Theo tôi, hiện nay đã xuất hiện một số ý tưởng, mô hình mà chúng ta cần hỗ trợ nhân rộng. Chẳng hạn, trong Diễn đàn kinh tế thế giới Đông Á vừa qua, một số công ty xuyên quốc gia đã bàn bạc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về ý định xây dựng một số điểm đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân, bảo đảm cho nông dân sản xuất theo các tiêu chuẩn quốc tế và giúp nông dân có những thông tin về thị trường, nâng cao chuỗi giá trị cà phê Việt Nam theo kịp quốc tế. Kế hoạch này cũng đang được xem xét để thực hiện. Hoặc, một số doanh nghiệp kinh doanh cà phê lớn cũng đang có ý định xây dựng một mô hình phát triển tổng hợp gắn doanh nghiệp với cộng đồng. Ở đó sẽ thu hút người nông dân phối hợp cùng với doanh nghiệp sản xuất một loại cà phê có giá trị gia tăng cả về mặt kinh tế, xã hội và môi trường. Mô hình này không chỉ đơn thuần là giúp hướng dẫn nông dân về mặt kỹ thuật, thay đổi tập quán canh tác mà còn có sự gắn bó, chia sẻ giữa cộng đồng và doanh nghiệp. Tức là nông dân phải được hưởng lợi từ sản xuất, chia sẻ rủi ro và thường xuyên được cập nhật thông tin về thị trường; còn doanh nghiệp thì sẽ nâng cao giá trị gia tăng thông qua việc chế biến sâu, phát triển thương hiệu, xây dựng tiêu chuẩn.


* Xin cảm ơn ông !
Như Hào (thực hiện)

 


Ý kiến bạn đọc