09:47, 12/03/2011
Với mỗi người đã từng tham dự Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột đều có những trải nghiệm thú vị, đó là kỷ niệm khó quên với những sự kiện độc đáo; là hiểu biết về cà phê, con người, văn hóa Tây Nguyên hay chỉ giản đơn là được thưởng thức những ly cà phê thơm ngon của nhiều thương hiệu cà phê Việt Nam và thế giới…
Ông Huỳnh Ngọc Dương, Phó Giám đốc Trung tâm xúc tiến Thương mại - Đầu tư - Du lịch tỉnh: “Lễ hội đã góp phần nâng cao ý thức xây dựng và quảng bá thương hiệu của các doanh nghiệp”
|
|
Cà phê đóng góp trên 60% tổng thu ngân sách của tỉnh, giải quyết việc làm cho khoảng 300.000 lao động trực tiếp và khoảng 100.000 lao động gián tiếp. Để phát triển cà phê bền vững, tỉnh xác định sản xuất cà phê phải theo tiêu chí của thương hiệu “Cà phê Buôn Ma Thuột”, phát triển cà phê phải gắn chặt với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, du lịch và bảo vệ môi trường. Chính vì vậy, Lễ hội Cà phê được tổ chức vào năm 2005 và 2008 đã góp phần giúp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ và chính những người trực tiếp trồng cà phê nâng cao ý thức trong quá trình sản xuất, chế biến, tiêu thụ cà phê theo hướng ổn định lâu dài. Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột với sự vào cuộc, hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp đã mở ra nhiều cơ hội trong việc quảng bá sản phẩm của các doanh nghiệp. Bằng chứng là ở Lễ hội năm 2005 mới chỉ có 106 doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh cà phê từ các tỉnh, thành trong và ngoài nước tham gia với gần 300 gian hàng; đến năm 2008, đã có 150 doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia với hơn 400 gian hàng. Và ngay cả chính các quán cà phê trên địa bàn tỉnh cũng ý thức được cơ hội quảng bá thương hiệu do Lễ hội tạo ra nên tích cực đăng ký tham gia phục vụ cà phê miễn phí.
Ông Nguyễn Xuân Hùng, Tổng Giám đốc Công ty Cà phê An Thái: “Ngày hội đua tài của các thương hiệu cà phê”
|
|
Cà phê không chỉ là một trong những sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Dak Lak mà còn góp phần quan trọng vào thành tích “đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu cà phê” của nước ta. Hiện sản phẩm cà phê của Dak Lak đã có mặt gần 80 nước và vùng lãnh thổ trên khắp các châu lục. Lễ hội Cà phê qua 2 lần tổ chức đã tạo được sân chơi bổ ích cho người sản xuất, kinh doanh cà phê, trở thành ngày hội đua tài của các thương hiệu cà phê. Mỗi một doanh nghiệp cà phê khi đến tham dự Lễ hội đều mang theo những ý tưởng độc đáo không chỉ với mục đích quảng bá thương hiệu mà còn góp phần làm phong phú cho văn hóa cà phê Việt Nam. Với các chương trình giao lưu văn hóa, hội thảo khoa học diễn ra trong Lễ hội đã giúp doanh nghiệp chúng tôi có thêm nhiều kiến thức giá trị về cà phê, văn hóa cà phê, mang đến những cảm xúc, trải nghiệm thú vị khác biệt. Có thể khẳng định rằng, qua 2 lần tổ chức Lễ hội, cà phê không chỉ được tôn vinh bởi sự đóng góp về giá trị kinh tế mà còn bởi giá trị văn hóa, tinh thần của nó.
Ông Y Tô Niê Kdăm, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh: “Lần đầu tiên người trồng cà phê được tôn vinh”
|
|
Không chỉ tạo ra cơ hội quảng bá, giới thiệu, khẳng định vị thế của cà phê Việt Nam, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột còn góp phần tôn vinh chính những người trực tiếp làm ra sản phẩm cà phê. Hội thi “Nhà nông đua tài” năm 2005 đã tạo điều kiện cho các hộ nông dân sản xuất cà phê trên địa bàn tỉnh tiếp thu khoa học – kỹ thuật và trao đổi kinh nghiệm sản xuất cà phê theo hướng hàng hóa. Năm 2008, thông qua Hội thi “Nhà nông sản xuất cà phê giỏi và hội nhập” người trồng cà phê đã có dịp được gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, kiến thức về sản xuất cà phê bền vững. Toàn tỉnh hiện có hơn 180.000 ha cà phê nhưng 85% diện tích là của người nông dân nên chính họ là người có tiếng nói quyết định trong việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Chính việc được Nhà nước và tỉnh tôn vinh đã tác động mạnh mẽ đến ý thức của những người sản xuất cà phê. Nông dân đã mạnh dạn hơn trong việc đầu tư công sức, tiền của từ khâu chọn giống, đất, trồng, chăm sóc, thu hoạch, phơi sấy, bảo quản cũng như phát triển cà phê gắn với môi trường sinh thái. Điều này thể hiện rõ nét qua việc người nông dân tích cực tham gia các hội thảo, tập huấn về cà phê và phát triển cà phê bền vững theo Nghị quyết 08/NQ-TU của Tỉnh ủy. Lễ hội đã tạo không khí thi đua sôi nổi trong hoạt động sản xuất, kinh doanh cà phê và phong trào sản xuất giỏi của nông dân trên địa bàn tỉnh.
Chị Nguyễn Thanh Hà, Giám đốc Công ty Du lịch sinh thái Bản Đôn: “Ngày của cà phê, ngày của du lịch”
|
|
Chuẩn bị cho Lễ hội, ngành du lịch thường khởi động rất sớm. Là đơn vị tham gia khá tích cực, mỗi lần diễn ra Lễ hội, doanh nghiệp đều có sản phẩm du lịch đặc thù, góp phần tạo những ấn tượng đẹp về con người, văn hóa Tây Nguyên trong lòng du khách. Năm 2005, diễn ra Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ I, cùng với nhiều điểm du lịch khác trên địa bàn tỉnh, tại Khu Du lịch văn hóa sinh thái Bản Đôn, Công ty đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa - văn nghệ dân gian, đêm nhạc cồng chiêng, qua đó, tạo môi trường để du khách thập phương có thể giao lưu văn hóa với các dân tộc bản địa nơi đây. Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ II- năm 2008, ngoài du lịch văn hóa - sinh thái, du khách còn được thưởng thức thêm những tour du lịch cà phê, theo tôi đây cũng là một trong những nét mới giúp du khách có nhiều trải nghiệm thú vị. Có thể nói Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột không chỉ là ngày của cà phê mà còn là ngày của du lịch.
Ông Đỗ Phụng Chánh, 56 tuổi, chủ quán cà phê Thung Lũng Hồng (hẻm 153, đường Phan Chu Trinh, TP. Buôn Ma Thuột): “Ấn tượng với những sự kiện độc đáo”
|
|
Quán cà phê Thung Lũng Hồng được mở năm 2000 là một trong những quán cà phê vườn đầu tiên ở Dak Lak, tại Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ I - 2005 quán chúng tôi đã phục vụ miễn phí hơn 1.000 ly cà phê cho du khách. Đó là một kỷ niệm đẹp đối với tôi vì qua Lễ hội, quán của tôi được nhiều người trong và ngoài tỉnh biết đến. Xuất thân từ một người nông dân, gắn bó với cà phê hàng chục năm nay nên tôi hiểu được nỗi vất vả của người trồng cà phê và những nét độc đáo trong quy trình sản xuất, chế biến cà phê, được giới thiệu những điều đó với du khách trong Lễ hội Cà phê là niềm vui và tự hào của mình. Tôi đặc biệt thích thú Lễ hội năm 2008 vì được chứng kiến nhiều sự kiện độc đáo như máy bay chở ly cà phê nặng 6 tấn – ly cà phê lớn nhất thế giới đã được ghi vào kỷ lục Guinness, tấm bản đồ lớn nhất Việt Nam làm từ hạt cà phê nguyên chất, nhìn thấy tận mắt cà phê chồn, xem nhiều chương trình văn hóa - văn nghệ mang đậm chất Tây Nguyên… Đồng thời, tôi cũng được biết đến sự ra đời của Sàn Giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột, mở ra cơ hội mới cho người nông dân và doanh nghiệp kinh doanh cà phê.
Chị Nguyễn Thị Phương Trang, chủ quán cà phê Hoa Mộc Lan (160, Lê Thánh Tông TP. Buôn Ma Thuột): “Thêm nhiều hiểu biết về cà phê”
|
|
Hơn 10 năm kinh doanh cà phê, đây là lần thứ 2 quán cà phê Hoa Mộc Lan được Trung tâm xúc tiến Thương mại Đầu tư – Du lịch tỉnh chọn làm một trong những điểm uống cà phê miễn phí cho du khách trong dịp Lễ hội Cà phê. Tại Lễ hội lần đầu tiên, quán Mộc Lan tham gia phục vụ hơn 300 trong tổng số gần 3.000 ly cà phê miễn phí. Qua hai lần Lễ hội, tôi có thêm hiểu biết về nhiều sản phầm cà phê, từ đó có thể lựa chọn sản phẩm thơm ngon, chất lượng tốt và giá phải chăng để phục vụ khách hàng tốt hơn; đồng thời, tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý báu trong việc chọn lựa, pha chế và kinh doanh cà phê. Phục vụ tại Lễ hội lần này tôi đã cắt tỉa, bố trí lại cây cảnh, trang hoàng lại không gian quán, chọn những loại cà phê bột tốt nhất, nhắc nhở nhân viên niềm nở, chu đáo với khách hơn để mọi người đến đây có ấn tượng tốt đẹp về quán cũng như về cà phê, con người Buôn Ma Thuột. Kinh doanh cà phê ngoài lợi nhuận thì đóng góp một phần cho thành công của sự kiện trọng đại của thành phố cũng là một niềm vui lớn.
Ông Trần Trọng Khánh ở thôn 2, xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột: “Tự hào người trồng cà phê”
|
|
Tôi đã gắn bó với cà phê mấy chục năm, cũng như hàng nghìn nông dân trồng cà phê ở Dak Lak, qua hai lần Lễ hội Cà phê, tôi cảm thấy tự hào về người nông dân ở thủ phủ cà phê. Qua hoạt động của Lễ hội, hình ảnh, thông tin về người trồng cà phê xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng . Nhờ đó chúng tôi được mọi người biết đến nhiều hơn. Lễ hội cũng tạo điều kiện để những người trồng cà phê như chúng tôi có cơ hội cùng nhau trao đổi về cà phê, từ đó thêm hiểu, gắn bó với nó. Người trồng cà phê như tôi thực sự cảm thấy phấn khởi và tự hào bởi đã góp phần vào xây dựng thương hiệu cũng như văn hóa cà phê Việt Nam được toàn thế giới biết đến. Bên cạnh đó, Lễ hội với các chương trình văn hóa - văn nghệ phong phú đã giúp tôi hiểu biết thêm những nét độc đáo về văn hóa của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên như: văn hóa Cồng chiêng, voi Tây Nguyên cũng như các nghi lễ linh thiêng trong đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân bản địa nơi đây.
Nhóm P.V
(thực hiện)
Ý kiến bạn đọc