Multimedia Đọc Báo in

LỄ HỘI CÀ PHÊ BUÔN MA THUỘT LẦN THỨ III-2011

Những dấu ấn còn đọng lại...

16:00, 20/03/2011

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ III-2011 khép lại, nhưng còn đó nhiều dấu ấn trong lòng doanh nghiệp và du khách đến với Dak Lak dịp này. Qua Lễ hội Cà phê, bên cạnh việc giới thiệu sản phẩm, mỗi doanh nghiệp đều hoạch định cho mình một chiến lược kinh doanh mới; người nông dân có cơ hội mua sắm, tìm hiểu, chọn một sản phẩm phù hợp phục vụ lao động sản xuất…

Một góc Hội chợ - Triển lãm chuyên ngành cà phê. (Ảnh: Gia Thịnh)
Một góc Hội chợ - Triển lãm chuyên ngành cà phê. (Ảnh: Gia Thịnh)

Ông Trương Quốc Huy, Phó Giám đốc khu vực miền Trung - Tây Nguyên, Công ty Cổ phần phân bón Bình Điền: Cơ hội để gặp trực tiếp người nông dân
 

Từ lâu, trên địa bàn Dak Lak nói riêng, các tỉnh Tây Nguyên nói chung, phân bón Bình Điền đã được đông đảo người nông dân tin dùng. Do đó, đây là một dịp để quảng bá thương hiệu, tiếp cận trực tiếp với bà con nông dân và những khách hàng, thị trường mới. Lễ hội lần này, Công ty tham gia khá nhiều hoạt động: giới thiệu các dòng sản phẩm mới, đặc biệt phân bón Đầu trâu mùa khô 2010- 2011, rút thăm trúng thưởng, tổ chức chương trình giao lưu nông dân sản xuất giỏi các tỉnh Tây Nnguyên, mời các chuyên gia có uy tín tư vấn với nông dân… Trong những ngày qua, có rất nhiều người dân từ các xã vùng sâu vùng xa của tỉnh về đây, mang những thắc mắc đến nhờ các chuyên gia tư vấn, hướng dẫn cách sử dụng phân bón sao cho hợp lý, bón thời điểm nào là thích hợp… Thời gian tới, bên cạnh các hoạt động như: “Đồng hành chia sẻ”, “Nâng cánh ước mơ”, Công ty sẽ tăng cường tổ chức các cuộc hội thảo, trực tiếp xuống vườn cây tư vấn, hướng dẫn bà con nông dân cách chăm sóc và trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao… Song song với đó, Công ty sẽ nâng cao chất lượng sản phẩm, nỗ lực kiềm chế giá, tạo điều kiện tốt nhất để bà con sử dụng sản phẩm của phân bón Bình Điền.

Ông Hoàng Bá Nghiệm, Phó giám đốc Công ty Tư vấn Đầu tư Phát triển Nông - Lâm nghiệp Ea Kmat (Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên): Tiếp tục nghiên cứu, cho ra đời những giống cây trồng mới

 
Những ngày Lễ hội Cà phê diễn ra, có rất nhiều bà con nông dân, các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu về những hoạt động và các sản phẩm khoa học của Viện. Đối với các doanh nghiệp trong nước, họ chú trọng vào nguồn gốc, chất lượng hạt cà phê qua quá trình chăm bón, thu hoạch và chế biến để tạo ra các sản phẩm cà phê sạch, chất lượng cao, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, riêng các doanh nghiệp nước ngoài thì quan tâm đến quá trình sản xuất cây giống cà phê bằng phương pháp nuôi cấy mô… ; còn người trồng và sản xuất cà phê, họ quan tâm đến các tiến bộ trong công tác chọn, tạo giống cà phê có năng suất cao, chống chịu bệnh tốt, tìm hiểu về các loại phân bón chuyên dùng cho cây cà phê. Qua đó, chúng tôi có cơ hội giao lưu và trao đổi các thông tin về khoa học - kỹ thuật với các cơ quan, ban ngành từ Trung ương đến địa phương và các đơn vị trong ngành cà phê, để định hướng phát triển, đưa tiến bộ khoa học - kỹ thuật áp dụng vào quá trình sản xuất cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh cà phê cũng như chuyển tải các thông tin về khoa học - kỹ thuật đến với người nông dân.
Sắp tới, ngoài công tác nghiên cứu, Viện sẽ tăng cường hoạt động chuyển giao khoa học, công nghệ đến với người trồng và sản xuất cà phê theo hướng bền vững, giảm chi phí đầu tư, tăng năng suất hiệu quả kinh tế cao, bảo đảm thân thiện với môi trường.

Ông Trần Sỹ, Cơ khí chế tạo Trần Sỹ (xã Hòa Thuận, TP. Buôn Ma Thuột): Mang thương hiệu cối Hòa Thuận đi xa...

 
Cối Hòa Thuận đã trở thành địa chỉ tin dùng, được đông đảo bà con nông dân trong và ngoài tỉnh tìm đến mua. Với kinh nghiệm 20 năm trong nghề, anh Sỹ có bí quyết làm nên những chiếc cối xay cà phê bền, chắc, sạch vỏ. Anh cho biết, năm vừa qua đã bán ra thị trường gần 2000 chiếc cối xay. Đặc biệt, cuối năm 2010, anh Sỹ cho ra đời loại cối xay cà phê S10, tách vỏ cà phê khô lồng dập bằng thép tấm, trục dao đôi, có năng suất xay được từ 4-6 tấn/giờ, với những ưu điểm vượt trội: giữ lại được nguyên nhân và vỏ lụa của hạt mà không cần dùng đến nước, tiết kiệm nhiên liệu, thời gian phơi… Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột là dịp để người trồng cà phê tìm đến tận nơi,  hiểu kỹ hơn về tính năng của các đời máy chế biến và hướng dẫn cách sử dụng để mang lại hiệu quả cao. Những ngày qua, gian hàng của anh tại Hội chợ Triển lãm chuyên ngành cà phê, lúc nào cũng tấp nập du khách ra vào, nhiều bà con ở xa cũng tìm đến đặt hàng. Đây là cơ hội để mở rộng sản xuất, đưa thương hiệu cối Hòa Thuận đi xa. Dự kiến, sắp tới, anh Sỹ sẽ tiến hành làm các thủ tục đăng ký bản quyền lại cho cối S10, nâng cao chất lượng sản phẩm, tiếp tục tìm tòi nghiên cứu cho ra đời những loại cối xay với công nghệ ngày càng cao, phục vụ lao động sản xuất của bà con nông dân.

Anh Lê Xuân Tư, du khách đến từ tỉnh Kon Tum: Nhiều chương trình đặc sắc trong lễ hội

 

Lễ hội đã có nhiều chương trình thiết thực, quảng bá sâu rộng về các thương hiệu cà phê, tư vấn nhiều thông tin rất bổ ích cho người nông dân về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây cà phê… Việc tổ chức Lễ hội là một hoạt động cần thiết giới thiệu những sản phẩm cà phê đặc sắc, để du khách trong và ngoài nước biết đến các thương hiệu cà phê Việt Nam nhiều hơn. Qua Lễ hội, tôi còn được thưởng thức nhiều chương trình nghệ thuật hấp dẫn, mang đậm âm hưởng Tây Nguyên, biết cách pha chế cà phê như thế nào để giữ được hương vị thơm ngon… Và thú vị hơn cả, lần đầu tiên tôi được tận mắt thấy những hạt cà phê chồn thô – loại nguyên liệu làm ra sản phẩm cà phê chồn ngon nổi tiếng, từ lâu đã được nghe nói đến.

Nhóm PV (thực hiện)

 


Ý kiến bạn đọc