Multimedia Đọc Báo in

Công tác dân tộc đã góp phần quan trọng vào mục tiêu nâng cao đời sống kinh tế - xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số

15:44, 29/04/2011

Ngày 3-5-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 58 về tổ chức bộ máy của Bộ Nội vụ, trong đó có Nha Dân tộc thiểu số, tiền thân của Cơ quan công tác Dân tộc ngày nay. Trải qua 65 năm hình thành và phát triển, Cơ quan công tác Dân tộc đã ngày càng khẳng định vai trò và có những đóng góp quan trọng trong việc thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước. Nhân kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống Cơ quan công tác Dân tộc, phóng viên Báo Dak Lak đã có cuộc phỏng vấn ông AMA PHONG, Trưởng Ban Dân tộc Dak Lak...

*Trong những năm qua, công tác dân tộc luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, trong đó việc ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) luôn được đặt lên hàng đầu. Vậy xin ông cho biết cụ thể các chính sách lớn mà chúng ta đã và đang triển khai thực hiện cho đồng bào DTTS?

 

- Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành rất nhiều chủ trương, chính sách để phát triển kinh tế - xã hội đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi. Có thể nói, những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đều xuất phát từ yêu cầu thực tế và đã phát huy được hiệu quả. Thứ nhất là các chính sách về xóa đói giảm nghèo với các chương trình cụ thể như: Chương trình 135, Chương trình 132, Chương trình 134, Chương trình 167, Chương trình 168, chính sách trợ giá trợ cước và hỗ trợ trực tiếp cho các hộ dân tộc thiểu số nghèo ở vùng khó khăn, chính sách cho vay vốn sản xuất đối với hộ đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn. Thứ hai là chính sách hỗ trợ di dân, thực hiện định canh định cư cho đồng bào DTTS. Thứ ba là công tác sắp xếp, ổn định dân di cư tự do. Thứ tư là các chính sách về giáo dục – đào tạo, y tế, văn hóa thông tin và thể thao. Thứ năm là chính sách quy hoạch, đào tạo và sử dụng cán bộ DTTS... Và mới đây, ngày 14-1-2011, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 05/2011/NĐ-CP về công tác dân tộc, trong đó quy định rất rõ các nguyên tắc cơ bản của công tác dân tộc là: Thực hiện chính sách dân tộc theo nguyên tắc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển; bảo đảm và thực hiện chính sách phát triển toàn diện, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào DTTS; bảo đảm việc giữ gìn tiếng nói, chữ viết, bản sắc dân tộc, bảo tồn và phát huy những phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mỗi dân tộc... 

* Ông đánh giá thế nào về những kết quả thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn Dak Lak trong thời gian qua?

- Công tác dân tộc ở tỉnh Dak Lak có nhiều  điều kiện bất lợi như: địa bàn rộng, số lượng và thành phần dân tộc nhiều, đồng bào dân tộc thiểu số chủ yếu sống tập trung ở vùng sâu, vùng xa, đời sống kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn... Tuy nhiên, nhờ sự quan tâm của cấp ủy Đảng, đoàn thể và chính quyền địa phương các cấp, cùng với sự nỗ lực phấn đấu của những người làm công tác dân tộc nên công tác dân tộc và các chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước đã kịp thời được triển khai và đã đem lại nhiều hiệu quả thiết thực. Các chương trình, chính sách đặc thù cho vùng đồng bào DTTS, cho vùng đặc biệt khó khăn như: Chương trình 132 và 134 về hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt và nhà ở cho đồng bào dân tộc; chương trình 135 về đầu tư phát triển vùng đặc biệt khó khăn; chương trình trợ giá trợ cước; chương trình hỗ trợ dân tộc đặc biệt khó khăn... đều đã được triển khai thực hiện đúng nội dung, đúng đối tượng, mang lại hiệu quả rất thiết thực. Các chính sách trên các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội... đã đạt được nhiều kết quả tốt. Nhờ đó đã giúp cho phần lớn các hộ DTTS trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là địa bàn vùng sâu, vùng xa nâng cao rõ rệt về đời sống vật chất, văn hóa – xã hội, góp phần quan trọng đối với công tác xóa đói giảm nghèo trong đồng bào DTTS.

Đồng bào dân tộc thiểu số đã từng bước tiếp cận được với khoa học kỹ thuật để đem lại năng suất cao trong sản xuất nông nghiệp.
Đồng bào dân tộc thiểu số đã từng bước tiếp cận được với khoa học kỹ thuật để đem lại năng suất cao trong sản xuất nông nghiệp.

Nhờ triển khai thực hiện tốt các chương trình, chính sách nêu trên, đến nay kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và sinh hoạt trong vùng đồng bào DTTS đã được cải thiện đáng kể, bộ mặt nông thôn mới không ngừng đổi thay, phát triển; đời sống của đồng bào đã được nâng lên một bước, số hộ nghèo giảm đáng kể. Hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh đã có 98% thôn buôn có nhân viên y tế, 100% số hộ DTTS thuộc đối tượng 139 được cấp thẻ khám chữa bệnh miễn phí; 89% hộ dân đã được sử dụng điện lưới quốc gia và trên 62% hộ dân ở nông thôn, trong đó phần lớn là đồng bào DTTS được sử dụng nước hợp vệ sinh...

Nhờ các chính sách đối với đồng bào DTTS được triển khai kịp thời và sớm phát huy hiệu quả nên đời sống của nhân dân vùng đồng bào DTTS đã được cải thiện đáng kể, tình hình an ninh chính trị trên địa bàn cơ bản được ổn định; người dân ngày càng tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng, yên tâm lao động sản xuất xây dựng buôn làng ngày càng bình yên, giàu đẹp. 

* Qua thực tế công tác dân tộc trong thời gian qua, theo ông thì trong thời gian đến Đảng và Nhà nước cần có những chương trình, chính sách cụ thể nào nữa để tiếp tục thực hiện các Nghị quyết của Đảng về công tác dân tộc trong thời kỳ mới?

- Mặc dù các kết quả đã đạt được trong việc thực hiện các chính sách dân tộc là rất khả quan, tuy nhiên thực tế phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh còn rất nhiều khó khăn. Khoảng cách về kinh tế, đời sống giữa đồng bào DTTS với người Kinh, giữa vùng đồng bào DTTS với các vùng đô thị có biểu hiện ngày một dãn ra. Hiện nay Chính phủ đã ban hành Nghị định số 05/2011/NĐ-CP về công tác dân tộc. Để giúp đồng bào DTTS trong tỉnh phát triển toàn diện, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, trong thời gian tới các cấp, các ngành cần thực hiện thật tốt các chính sách đã quy định tại Nghị định số 05/2011/NĐ-CP với mức đầu tư nhiều hơn, tập trung và đồng bộ hơn nữa. Đồng thời, Chính phủ cũng như các địa phương cần sớm ban hành chiến lược và các kế hoạch, chương trình cụ thể dài hạn, ngắn hạn về công tác dân tộc để huy động cao nhất mọi nguồn lực của xã hội cho công tác dân tộc.

*Ông có thể nói rõ hơn nội dung Nghị định 05 của Chính phủ về công tác dân tộc?

- Nghị định 05/2011/NĐ-CP gồm có 5 chương, 28 điều, trong đó ở chương II  nêu rất rõ về các chính sách dân tộc. Cụ thể gồm có 12 chính sách chung được quy định tại 12 Điều trong Nghị định là: Chính sách đầu tư và sử dụng nguồn lực; Chính sách đầu tư phát triển bền vững; Chính sách phát triển giáo dục và đào tạo; Chính sách cán bộ người dân tộc thiểu số; Chính sách đối với người có uy tín ở vùng dân tộc thiểu số; Chính sách bảo tồn và phát triển văn hóa; Chính sách phát triển thể dục, thể thao vùng dân tộc thiểu số; Chính sách phát triển du lịch vùng dân tộc thiểu số; Chính sách y tế, dân số; Chính sách thông tin - truyền thông; Chính sách phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý; Chính sách bảo vệ môi trường, sinh thái; Chính sách quốc phòng, an ninh. Cũng theo quy định của Nghị định 05 thì từ năm 2011 trở đi, cơ quan quản lý Nhà nước về công tác dân tộc được tổ chức từ Trung ương đến cấp tỉnh và cấp huyện.

*Xin cảm ơn ông!

Việt Cường (thực hiện)

 


Ý kiến bạn đọc