Multimedia Đọc Báo in

Sử thi Tây Nguyên xứng đáng để đề nghị UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại

14:47, 08/04/2011

Nhân tọa đàm khoa học đề xuất và lựa chọn các phương thức đưa sử thi Tây Nguyên trở lại đời sống buôn làng được tổ chức tại TP. Buôn Ma Thuột ngày 5-4 vừa qua, phóng viên Báo Dak Lak đã có cuộc trao đổi với Giáo sư, Tiến sĩ ĐỖ HOÀI NAM, Chủ tịch Viện KHXH Việt Nam về việc bảo tồn, “nuôi dưỡng” sử thi Tây Nguyên.

*Thưa ông, qua các công trình nghiên cứu cũng như hội thảo khoa học, giá trị sử thi Tây Nguyên đã được khẳng định và làm rõ, trong thời gian vừa qua Viện KHXH Việt Nam đã triển khai những hoạt động gì để gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa này?

 
-Thời gian vừa qua, Viện KHXH Việt Nam đã chủ trì thực hiện Dự án điều tra, sưu tầm, bảo quản, biên dịch và xuất bản kho tàng sử thi Tây Nguyên. Phối hợp thực hiện dự án này gồm có các viện trực thuộc của Viện KHXH Việt Nam như Viện Văn hóa, Viện Văn học, Viện Sử học và một số chuyên gia của các bộ, ban, ngành, phối hợp với địa phương là các tỉnh trên địa bàn Tây Nguyên để tiến hành điều tra, sưu tầm, bảo quản và biên dịch, xuất bản. Hiện nay chúng tôi đã xuất bản được gần 100 tác phẩm bằng song ngữ, ngoài ra đã in vào đĩa, băng hình; lưu giữ hơn 800 bài diễn xướng, hồ sơ về các nghệ nhân để làm cơ sở nghiên cứu sau này và đồng thời cũng là bảo quản có tính chất lâu dài, bởi vì việc ghi và in vào đĩa hình có giá trị bảo quản tới 50 năm. Bên cạnh đó Viện Nghiên cứu Văn hóa cũng đã xuất bản một số bản tóm tắt nội dung các sử thi với ý nghĩa là để cho các cháu tại các buôn làng, các trường có thể tiếp xúc, để có thể đọc, để có thể hiểu và từ đó gợi mở sự quan tâm, yêu thích và niềm đam mê của các cháu đối với di sản văn hóa của cha ông mình.

Hiện nay việc bảo quản, giữ gìn, phát huy các giá trị của sử thi Tây Nguyên đang phải đối mặt với nhiều thách thức nhưng dù khó khăn thách thức lớn đến thế nào đi chăng nữa, chúng ta vẫn phải đối mặt và vượt qua để bảo tồn, phát huy giá trị của sử thi Tây Nguyên.

*Hiện nay sử thi Tây Nguyên đang có nguy cơ bị mai một, vậy đâu là nguyên nhân, thưa ông?

-Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự mai một của sử thi Tây Nguyên, đó là không gian diễn xướng của sử thi bị thu hẹp; môi trường sống hiện đại; nhịp sống của nền kinh tế thị trường; sự du nhập của nhiều nền văn hóa; canh tác nương rẫy nhường chỗ cho canh tác công nghiệp… đã khiến sử thi dần nhường “đất sống” cho những loại hình văn hóa khác.

Lễ hội đâm trâu ở Buôn Đôn. (Ảnh: Gia Thịnh)
Lễ hội đâm trâu ở Buôn Đôn. (Ảnh: Gia Thịnh)

*Qua buổi tọa đàm đã có nhiều phương hướng, giải pháp được đề ra, vậy theo ông, trước mắt chúng ta nên tập trung vào những giải pháp nào?

-Trong buổi tọa đàm, chúng tôi đã tập trung bàn thảo về các giải pháp để đưa sử thi Tây Nguyên trở lại với đời sống buôn làng như: Mở lớp truyền dạy sử thi cho lớp trẻ; truyền dạy sử thi trong gia đình và dòng họ; chọn một số sử thi đã ghi âm nhân bản rồi phát trên hệ thống đài phát thanh địa phương, trên hệ thống loa công cộng của xã, của buôn làng; đưa sử thi vào giảng dạy ở trường nội trú, cao đẳng, sư phạm địa phương; kể lại một cách ngắn gọn sử thi in song ngữ rồi cung cấp cho đồng bào; chuyển sử thi thành truyện tranh, phim hoạt hình, phim truyện để phục vụ cho đời sống văn hóa của đồng bào. Các giải pháp này đều có cơ sở của nó. Với tư cách là những người sẽ chủ trì cho việc triển khai tiếp, chúng tôi sẽ nghiên cứu cụ thể những đề xuất này để có thể trao đổi lại với các tỉnh, trên cơ sở đó sẽ có một chương trình hành động rất cụ thể để bảo đảm tính khả thi của giải pháp.

Hiện tại chưa thể nói trước được là giải pháp nào sẽ được tập trung thực hiện mà điều này còn tùy thuộc vào sự chuẩn bị và tùy thuộc vào các điều kiện bảo đảm cho tính khả thi của giải pháp như nhân lực, tài chính… Nhưng theo suy nghĩ của tôi thì một số hình thức, biện pháp đã được áp dụng trước đây thì nay vẫn có thể tiếp tục, ví dụ như mở các lớp truyền dạy sử thi, nhưng việc lựa chọn lựa đối tượng người học, người dạy, người truyền đạt, sẽ được thực hiện với một quy trình chặt chẽ hơn, có những tiêu chí, tiêu thức rõ ràng hơn để bảo đảm cho hiệu quả của các lớp học…

*Tại cuộc tọa đàm, nhiều ý kiến của các nhà nghiên cứu đã cho rằng cần phải lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận sử thi Tây Nguyên là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại…

-Đây mới là ý tưởng và mong muốn của các nhà khoa học. Và theo kinh nghiệm thì để có thể triển khai, điều rất quan trọng là trước hết phải xây dựng được một hồ sơ khoa học về sử thi Tây Nguyên, đáp ứng được những yêu cầu của UNESCO và thứ hai là phải duy trì, bảo tồn và phát huy được giá trị của sử thi trong sự phát triển chung của cuộc sống đương đại vùng Tây Nguyên. Để hai điều này sẽ trở thành căn cứ đề nghị UNESCO công nhận sử thi Tây Nguyên là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

*Theo ông dự án này có khả thi không?

-Tôi tin dự án này có nhiều cơ sở để chúng ta hy vọng, bởi sử thi Tây Nguyên xứng đáng với điều đó.

*Xin cảm ơn ông!

L.A - Đ.T (thực hiện)

 


Ý kiến bạn đọc