Multimedia Đọc Báo in

Trăn trở tìm “đất sống” cho sử thi Tây Nguyên

14:59, 08/04/2011

“Sử thi Tây Nguyên đang “kêu cứu” do tác động của nhiều nền văn hóa, tác động của lối sống hiện đại, các nghệ nhân biết hát kể sử thi người thì đã “sang thế giới bên kia”, còn lại hầu hết đã ở cái tuổi “gần đất xa trời”… Nếu không sớm truyền dạy sử thi trong các buôn làng thì tài sản văn hóa cổ quý giá này sẽ bị mai một”. Tâm tư của A Thút, nghệ nhân người Bana ở tỉnh Kon Tum cũng là băn khoăn, trăn trở của nhiều nhà nghiên cứu, nhiều nghệ nhân nặng lòng với sử thi Tây Nguyên và đang nỗ lực hiến kế, chọn đường tìm đất sống cho loại hình văn hóa độc đáo này.

Ama Bích – Nghệ nhân người Êđê, Buôn Trinh, TX. Buôn Hồ, Dak Lak: Truyền dạy sử thi dưới dạng karaoke

 

Làm như thế nào để đưa sử thi Tây Nguyên về với buôn làng, tôi không dám gọi là giải pháp mà chỉ có nguyện vọng nho nhỏ: Tất cả các cấp, ngành từ trung ương đến địa phương phải quan tâm bởi nếu chỉ địa phương, đồng bào gìn giữ thì khó lắm, cần có sự hỗ trợ của các ngành. Từ những suy nghĩ của bản thân, tôi xin mạnh dạn, thẳng thắn đề xuất là có thể tận dụng sự phát triển của loại hình karaoke để truyền dạy và lưu giữ sử thi. Nhiều người có thể sẽ cười và cho rằng như thế đâu còn cái vị của sử thi? Nhưng cuộc sống đã đổi thay, thế hệ trẻ bây giờ yêu thích karaoke lắm nên nếu được thu âm, dàn dựng, làm và phát như dạng karaoke thì đồng bào đặc biệt là lớp trẻ sẽ dễ dàng tiếp cận hơn. Bên cạnh đó, không thể bỏ qua vai trò của các tổ chức hội, đoàn thể. Các đơn vị này có thể thường xuyên đứng ra tổ chức các hội thi diễn xướng, còn tài liệu thì do ngành Văn hóa cung cấp để cho đúng với sử thi… Các buôn làng cần đẩy mạnh, củng cố hoạt động của nhà văn hóa cộng đồng, ở mỗi nhà văn hóa cộng đồng cần đào tạo riêng 1 – 2 người có sở thích, sở trường, năng khiếu kể hát sử thi.

Thị Mai, Nghệ nhân người M’nông (con gái cố nghệ nhân Điểu Kâu – Dak Nông): Mở các lớp truyền dạy sử thi

 
Nhớ hồi mới lên 8 tuổi, các nhà nghiên cứu xuống bon làng đi sưu tầm sử thi, tôi thường đi cùng cha. Khi đó nghe sử thi tôi không hiểu, vì nó hát bằng lời vần, bằng chữ cổ, nghe không được, hát cũng không được, nhưng tôi vẫn rất thích. Năm 2003, cha tôi có mở lớp truyền dạy sử thi cho con cháu, thế là tôi tham gia học, từ đó tôi biết nghe và biết phiên âm nhưng dịch thì tôi chưa dịch được, tôi chỉ phụ bố thôi. Bây giờ sử thi tôi hát được rồi, phiên âm và dịch cũng đã làm được rồi. Tôi muốn cả dân làng, cả người đồng bào M’nông và cả nước biết đến sử thi M’nông, là nền văn hóa quan trọng trong đời sống đồng bào. Văn hóa của sử thi hay lắm, nó dạy đời, dạy sinh hoạt hằng ngày. Mong Nhà nước cần đầu tư nhiều hơn cho công tác bảo tồn, lưu giữ sử thi Tây Nguyên nói chung, sử thi M’nông nói riêng.
Năm 2008, cha tôi có nhận mở lớp truyền dạy tục ngữ, ca dao. Trước khi mất, cha có giao lại lớp. Giờ các học viên của tôi ai cũng hát được, nghe được. Tôi mong muốn nhà nước mở lớp truyền dạy sử thi giống như dạy tục ngữ ca dao. Nếu được tôi sẽ truyền dạy cho lớp trẻ, cho hiểu về sử thi và đừng để lớp trẻ bây giờ sa vào chơi bời nhiều quá, sử thi dạy bảo con người rất tốt.

Ama Oanh – Nghệ nhân người Êđê, Buôn Đôn, Dak Lak: Thành lập các câu lạc bộ sử thi

 

Về phương thức đưa sử thi trở lại đời sống buôn làng, cá nhân tôi nhất trí với những đề xuất được các nhà nghiên cứu đưa ra như: mở lớp truyền dạy sử thi cho lớp trẻ; truyền dạy sử thi trong gia đình và dòng họ; chọn một số sử thi đã ghi âm, nhân bản rồi phát trên hệ thống đài phát thanh địa phương, trên hệ thống loa công cộng của xã, của buôn làng; đưa sử thi vào giảng dạy ở trường nội trú, cao đẳng, sư phạm địa phương; sử thi in song ngữ rồi cung cấp cho đồng bào; chuyển sử thi thành truyện tranh, phim hoạt hình, phim truyện để phục vụ cho đời sống văn hóa của đồng bào.
Theo tôi, tất cả những phương thức vừa nêu trên đều khả thi nhưng đòi hỏi chúng ta phải mất nhiều thời gian, nhân lực, vật lực và tài lực. Điều kiện trước tiên là đòi hỏi nguồn nhân lực. Ví dụ cụ thể, muốn mở lớp truyền dạy sử thi cho lớp trẻ hay truyền dạy sử thi trong gia đình, dòng họ thì đòi hỏi phải có giáo trình, có người giảng dạy. Mà người giảng dạy hay soạn thảo giáo trình thì cần phải đào tạo thành nghệ nhân thuần thục, trong khi số nghệ nhân chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Muốn chuyển sử thi thành truyện tranh, thành phim, hoạt hình thì phải có họa sĩ am hiểu thấu đáo về cảnh vật, về trang phục cổ truyền dân tộc mới có thể sáng tạo được. Muốn chuyển sử thi thành phim truyện thì đòi hỏi phải có đội ngũ diễn viên là người dân tộc bản địa, hoặc diễn viên nói thạo ngôn ngữ địa phương đóng vai nhân vật sử thi. Từ những yêu cầu trên về nguồn nhân lực, tôi có một đề xuất một mô hình khả thi, thuận lợi, đơn giản, ít tốn kém về thời gian, nhân lực, tài lực ngay trong giai đoạn sơ khởi, đó là mô hình câu lạc bộ sử thi. Người điều hành câu lạc bộ sẽ vận động và động viên các nghệ nhân tham gia truyền dạy và những thành viên của câu lạc bộ sẽ trở thành nhân tố đưa sử thi trở lại với đời sống buôn làng.

Y Jek – Nghệ nhân người Ja Rai, Đài Tiếng nói Việt Nam - Cơ quan thường trú khu vực Tây Nguyên: Tiếp tục đầu tư cho công tác sưu tầm, dịch thuật sử thi

 

Sử thi Tây Nguyên là tài sản quý báu, quá trình tham gia dịch thuật tôi cảm thấy vẫn chưa thỏa mãn khi chưa diễn đạt, lột tả để độc giả là người của đồng bào dân tộc mình hiểu được giá trị đích thực của sử thi. Để đưa sử thi về với buôn làng, để nó “sống” lại trong buôn làng, tôi nghĩ các nghệ nhân, trí thức các dân tộc, các cơ quan ban ngành, các nhà khoa học phải đồng lòng, cùng tập trung giải quyết vấn đề mà yêu cầu những người yêu mến sử thi buôn làng đang đặt ra. Tôi có suy nghĩ là có thể soạn lại những tập sách mỏng, kể lại sử thi có in song ngữ, biếu bà con, nếu có thể chuyển thể, đưa những sử thi đã ghi âm, âm thanh rõ đem nhân bản, rồi phát trên phương tiện thông tin đại chúng, cụ thể là đài phát thanh khu vực, địa phương; tổ chức thi tìm hiểu sử thi; mở lớp truyền dạy sử thi, đặc biệt truyền dạy cho cán bộ dân vận, mặt trận và văn hóa xã, phường; đem sử thi giảng dạy trong các trường cao đẳng sư phạm, trường nội trú, các địa phương có đông đồng bào bản địa, vùng sử thi làm môn học. Đồng thời tổ chức thi tìm hiểu sử thi hằng năm ở các buôn làng, trong những lễ hội truyền thống để khuyến khích lớp trẻ say mê sử thi.
Có một điều, khi tìm đường đưa sử thi về với buôn làng, thời gian tới cũng mong muốn Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Văn hóa dân gian Việt Nam, cùng lãnh đạo các cơ quan, ban ngành tỉnh tiếp tục công tác sưu tầm, dịch những sử thi chưa được dịch, chưa được xuất bản, bởi vì tôi rất tiếc khi sử thi Dăm Tiêng ở Krông Năng đã vĩnh viễn ra đi cùng những người sáng tác, có thể truyền dạy nó.

Ông Vũ Văn Tùng – Trưởng Phòng Văn hóa Xã hội thuộc UBND tỉnh Dak Lak: Bảo tồn công chúng yêu sử thi

 
Sử thi Tây Nguyên cần phải được bảo tồn, cần được sống trong cộng đồng buôn làng. Với quyết tâm đó đã có nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, nhiều đề tài khoa học nghiên cứu đề xuất những giải pháp nhằm phát huy, bảo tồn lời nói vần của đồng bào bản địa nói chung, trong đó có sử thi. Một trong những giải pháp được đưa ra tương đối thống nhất và phổ biến là mở lớp truyền dạy trong thiếu niên các buôn làng, tổ chức cho thanh thiếu niên nghe các nghệ nhân kể khan. Giải pháp này cũng tốt, dễ làm nhưng dễ dẫn đến tình trạng đánh trống bỏ dùi, bởi vì đó là một cách làm chỉ mang tính cấp thời. sử thi một loại hình nghệ thuật không thể bắt chước được, muốn bảo tồn nó trước hết cần nuôi dưỡng để nó có môi trường thể hiện. Khôi phục lại hình thức diễn xướng của sử thi trong đời sống buôn làng, không thể làm theo lối cũ, duy ý chí mà cần phải thay đổi quan điểm, phải xuất phát từ đặc điểm của văn hóa dân gian, phải có giải pháp trước mắt và giải pháp lâu dài, phải tính đến phạm vi, mức độ bảo tồn, tính đến đối tượng cụ thể và phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội và đời sống tinh thần của đồng bào trong giai đoạn hiện nay. Theo tôi khi lựa chọn các phương thức bảo tồn sử thi, không khôi phục đại trà ở tất cả các buôn làng, mà chỉ chọn một số buôn có điều kiện thuận lợi để chúng ta triển khai. Đối tượng quan trọng nhất để việc bảo tồn sử thi được hiệu quả và lâu dài đó là thanh thiếu nhi, ở đây tôi muốn nói đến vai trò của giáo dục đào tạo. Việc quan trọng nhất cần làm là đưa sử thi vào chương trình dạy chính khóa hoặc ngoại khóa ở các trường đào tạo giáo viên dạy tiếng dân tộc bản địa, các trường văn hóa nghệ thuật, các trường phổ thông dân tộc nội trú, các trường tiểu học có học sinh dân tộc học tiếng mẹ đẻ. Điều này hoàn toàn có thể thực hiện được ở các địa phương.
Tôi cũng muốn nhấn mạnh là bảo tồn sử thi không phải là chúng ta chỉ bảo tồn nghệ nhân đâu, mà phải bảo tồn cả công chúng nghe kể, hát sử thi nữa vì đó mới là lớp người kế tục, chứ nghệ nhân không thể cưỡng lại quy luật sinh lão bệnh tử.  Ngoài việc phục hồi môi trường diễn xướng nguyên thủy, cần phổ biến sử thi dưới nhiều hình thức khác nhau, có thể kể trên sân khấu, có thể biểu diễn dưới dạng kịch, có thể làm truyện tranh, làm phim hoạt hình… để lôi kéo các đối tượng, nhất là các đối tượng nhỏ tuổi cùng tham gia. Tất nhiên để đưa sử thi trở lại với đời sống buôn làng là công việc hết sức khó khăn, nhưng tôi nghĩ với khả năng hiện nay, với sự phối hợp của nhiều ngành chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện các phương thức trên và tin tưởng sử thi không chỉ trở lại với đời sống buôn làng mà còn có thể là sự yêu thích của các dân tộc khác. Vì truyền thống là của dân tộc, nhưng tinh hoa văn hóa là không biên giới.

Lan Anh – Đàm Thuần (thực hiện)

 


Ý kiến bạn đọc