Multimedia Đọc Báo in

Ấn tượng mỗi lần cầm lá phiếu

13:13, 20/05/2011

Mỗi lần cầm lá phiếu, cử tri gửi gắm biết bao tâm tư, tình cảm kèm theo đó là niềm tin, hy vọng sẽ tìm ra những người đủ đức, đủ tài, xứng đáng là người đại biểu của nhân dân. Qua mỗi kỳ bầu cử, cử tri càng ý thức sâu sắc thêm về quyền và nghĩa vụ công dân của mình…

Ông Nguyễn Văn Huỳnh, thôn 15, xã Ea Ning, huyện Cư Kuin: Bồi hồi nhớ lần đầu tiên đi bỏ phiếu

 
Mặc dù đã rất nhiều lần đi bỏ phiếu bầu cử nhưng lần bầu cử Quốc hội đầu tiên của đất nước là một ngày không thể nào quên đối với tôi. Lúc ấy, tôi đang là Phó Bí thư Chi đoàn Thanh niên xã Hương Thọ, huyện Hương Khê (nay là huyện Vũ Quang), tỉnh Hà Tĩnh. Hòa cùng không khí háo hức của cả nước trong ngày bầu cử, trách nhiệm của cán bộ xã là vừa phục vụ công tác bầu cử, vừa tự tay cầm lá phiếu bầu Đại biểu Quốc hội. Để chào đón ngày trọng đại của đất nước, thanh niên và các tổ chức đoàn thể đã tiến hành trang hoàng lại cảnh quan của địa phương, cờ đỏ sao vàng rực rỡ được treo khắp mọi ngả đường trong xã. Tôi còn nhớ lần đầu tiên được thực hiện quyền công dân lựa chọn người đại biểu nhân dân thông qua những lá phiếu nên không chỉ bản thân tôi mà tất cả nhân dân trong xã Hương Thọ đều háo hức. Ngày bầu cử thực sự đã trở thành một ngày hội lớn. Ngày ấy, số người biết chữ chưa nhiều nhưng thông qua công tác tuyên truyền của các cấp chính quyền, đa số người dân đều ý thức được tầm quan trọng của lá phiếu mình đang cầm trên tay. Tại các điểm bầu cử, không khí bàn luận rất sôi nổi để tìm ra người đủ sức, đủ đức, đủ tài trong danh sách để bỏ phiếu. Không chỉ trước và trong khi bỏ phiếu mà sau khi đã hoàn thành quyền và nghĩa vụ của mình, không khí bàn luận vẫn tiếp tục diễn ra.

Ông Nguyễn Xuân Quyệt, thôn 10, xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột: Nhớ mãi mốc son lịch sử của thể chế dân chủ Việt Nam

 

Tôi đã được đọc bài viết của một tiến sĩ ở Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh và rất tâm đắc khi đánh giá cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên năm 1946 là một mốc son lịch sử của thể chế dân chủ Việt Nam. Giờ đã bước sang tuổi 84 nhưng ấn tượng và cảm xúc khi cầm lá phiếu tham gia thực hiện quyền công dân của mình ở một thời điểm vô cùng ý nghĩa ngày 6-1-1946 vẫn không phai mờ.
Ngày 3-9-1945, chỉ một ngày sau khi đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị sớm tổ chức cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu để bầu ra Quốc hội. Trong lịch sử hiếm có một quốc gia nào vừa giành được độc lập, với biết bao khó khăn đang chồng chất lại dám quyết định tổ chức một cuộc tổng tuyển cử thật sự dân chủ như bấy giờ. Do trình độ dân trí chưa cao, lại là cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên, bầu cử ở tất cả các tỉnh, thành trong cả nước, nên nhân dân còn có nhiều bỡ ngỡ... Cách tuyên truyền, vận động bầu cử cũng độc đáo, sáng tạo. Có nơi cán bộ phải ở cùng với dân cả khi làm đồng, cả khi xay lúa, lấy bèo, dạy chữ..., ngày cũng như đêm, giải thích đi, giải thích lại một cách cụ thể và dễ hiểu cho đồng bào về Quốc hội, về tầm quan trọng của Tổng tuyển cử, về quyền bầu cử, ứng cử... của công dân. Ngày 6-1-1946, nhân dân khắp mọi miền nô nức tham gia ngày bầu cử. Trước sự đàn áp, chống đối của thực dân, có những lá phiếu nhuốm cả máu. Thật xúc động và thiêng liêng trong ngày đầu tiên được hưởng quyền dân chủ của mình.

Ông Lê Hữu Chỉnh, phường Thắng  Lợi (TP. Buôn Ma Thuột): Những lá phiếu có sức nặng trách nhiệm

 
Được cầm lá phiếu để thực hiện quyền làm chủ của mình là niềm phấn khởi, tự hào của người dân một nước độc lập, tự do, dân chủ.

Với tôi, có chút ít chữ nghĩa là nhờ ơn Đảng, Chính phủ cho đi học để thành người nên cảm nhận được giá trị tinh thần ấy. Lần bầu cử nào cũng để lại ấn tượng, nhưng đặc biệt ấn tượng là lần đầu tiên được đi bầu cử và lần thứ hai là sau khi giải phóng miền Nam, bầu cử Quốc hội của đất nước thống nhất.
Năm 1960 tôi đang học Khoa Xã hội Trường Sư phạm Trung cấp Đông Phù, Thanh Trì, Hà Nội (Trường chỉ có hai khoa, Khoa Xã hội dạy Văn – Sử - Địa, Khoa Tự nhiên dạy Toán – Lý – Hóa – Sinh, chưa tách riêng khoa và có nhiều khoa như các trường sư phạm ngày nay). Điều kiện kinh tế - xã hội còn hạn chế, không có phương tiện nghe nhìn nên cũng không tuyên truyền rầm rộ, liên tục như hiện nay. Chỉ được nghe phổ biến quy định, ngày giờ bầu cử, địa điểm bầu cử ở trên hội trường mà ai cũng náo nức. Có lẽ hầu hết giáo sinh đều ở tuổi 18, lần đầu tiên được cầm lá phiếu, xác lập quyền làm chủ của mình. Cờ mở, trống giong, tiếng hô khẩu hiệu dõng dạc, đội hình ngay ngắn, diễu hành đến nơi bầu cử. Trật tự và trang nghiêm khi tới địa điểm, từng người làm nghĩa vụ công dân của mình. Cảm giác lá phiếu ấm trong tay.

Năm 1975, sau khi giải phóng miền Nam, tính từ lần bầu cử Quốc hội đầu tiên 1946 là 30 năm, mới có kỳ bầu cử Quốc hội trên toàn quốc. Với tôi cùng đồng chí, đồng đội từ miền Bắc chi viện vào chiến trường đã mấy kỳ không được bầu cử. Những cán bộ nằm vùng và cả đồng bào vùng mới giải phóng đã thực sự là người làm chủ trên đất nước của mình. Lòng người náo nức reo vui theo cờ hoa lộng lẫy. Lá phiếu trong tay tôi như nóng dần lên, hình như có sức nặng hơn khi nghĩ về đồng đội đã ngã xuống ở Dak Lak cũng như các chiến trường. Sức nặng ấy là mang theo cả trách nhiệm các anh, chị trao gửi lại, bầu cho được người xứng đáng với lý tưởng mà các anh, chị không tiếc tuổi xuân, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.

Ông Trần Hữu Mai, khối 2, phường Tân Hòa,TP. Buôn Ma Thuột: Luôn gửi trọn niềm tin vào lá phiếu

 

Năm 1946, mặc dù đất nước ở vào hoàn cảnh thù trong giặc ngoài với vô vàn khó khăn, nhưng cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội khóa I của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vẫn diễn ra trong niềm phấn khởi của toàn dân. Ngày đó, tôi mới học lớp 3 (11 tuổi) nhưng rất may mắn khi được cùng bố mẹ đi bỏ những lá phiếu đầu tiên. Hạnh phúc khi làm chủ đất nước sau 80 năm nô lệ đã khiến tinh thần mọi người lên rất cao. Nhiều người dân lúc đó còn chưa biết rõ mặt chữ nhưng rất hồ hởi nhờ những người biết chữ để thực hiện quyền công dân, lựa chọn những ứng cử viên tiêu biểu trong cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của đất nước.

Tới năm 1956, sau Hiệp định Genevơ, trước sự đàn áp của chính quyền tay sai, bù nhìn Ngô Đình Diệm khi tuyên bố không tiến hành Hiệp thương Tổng tuyển cử, phong trào cổ vũ toàn dân, đấu tranh đòi thực hiện đúng Hiệp định càng lên cao. Ngày đó, tôi cũng hăng hái vận động mọi người đi đấu tranh với suy nghĩ có thể hy sinh do bị địch đàn áp nhưng quan trọng và thiêng liêng hơn cả đó là mỗi người được thực hiện quyền công dân, lựa chọn những đại biểu nhân dân ưu tú nhất cùng chung sức gánh trọng trách vì một đất nước Việt Nam thống nhất toàn vẹn lãnh thổ.

Trải qua những năm tháng lao tù dưới đòn roi tra tấn dã man của kẻ thù ở nhà tù Côn Đảo, thấm thía ý nghĩa của độc lập, tự do, tôi càng cảm thấy hạnh phúc và may mắn khi được cầm lá phiếu trong dịp bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 trong ngày 22-5 sắp tới. Tôi gửi trọn niềm tin vào lá phiếu, về tương lai đất nước càng có nhiều đổi mới, người dân ngày càng được ấm no.

Nhóm PV (thực hiện)

 


Ý kiến bạn đọc