Multimedia Đọc Báo in

Chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời với thiên tai

16:31, 02/07/2011

Là khu vực hằng năm phải hứng chịu 65% số cơn bão vào Việt Nam kèm theo các trận lũ lụt, sạt lở đất và lũ quét với mức độ nghiêm trọng, liên tục, các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên (MT-TN) luôn phải gánh chịu nhiều hậu quả nặng nề do thiên tai gây ra. Chính vì vậy, công tác phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn, giảm nhẹ thiên tai (PCLB, TKCN, GNTT) cũng đặt ra nhiều yêu cầu mới. Ông NGUYỄN XUÂN DIỆU, Ủy viên thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương đã trao đổi với phóng viên Báo Dak Lak về vấn đề này.

* Ông có thể khái quát những đặc thù cũng như tầm quan trọng của công tác PCLB, TKCN, GNTT đối với khu vực MT-TN?

 

 

- Có thể nói, đây là khu vực hứng chịu tất cả các loại thiên tai xảy ra hằng năm với mức độ, cường độ luôn cao hơn những vùng miền khác. Đó là bão nhiều hơn, lũ thì lên nhanh, xuống nhanh do địa hình dốc, gây sạt lở đất, mưa nhiều gây ngập úng ở hạ du; đồng thời còn có cả nguy cơ cao về sóng thần… Thêm nữa, các công trình phòng chống thiên tai ở MT –TN còn thiếu hệ thống đê điều có thế ngăn lũ sông trong khi lũ ở vùng này khắc nghiệt với biên độ lớn, do vậy khi lũ tràn về thường gây ngập úng nghiêm trọng. Bất cứ ở vùng miền nào, công tác PCLB và GNTT cũng đều quan trọng, cấp bách, nhưng đối với khu vực này, cần được chú trọng hơn, nhất là làm thế nào phải bảo vệ được tính mạng, tài sản của nhân dân.

* Như vậy, công tác PCLB, TKCN, GNTN của khu vực này thường đối mặt với những khó khăn, thách thức gì thưa ông?

- Vì thiên tai khắc nghiệt, diễn biến bất thường do tác động biến đổi khí hậu nên thiên tai xảy ra không theo mùa nhất định, không theo quy luật thông thường như trước đây. Các tỉnh ven biển miền Trung lại có số lượng lớn tàu thuyền đánh bắt thủy sản trên biển, đặc biệt tàu thuyền đánh bắt xa bờ, làm nguy cơ rủi ro rất lớn khi thiên tai xảy ra. Trong khi đó công tác quản lý tàu thuyền còn nhiều bất cập... Để nâng cao hiệu quả của công tác này, cần nắm bắt, theo dõi sát sao, có phương án ứng phó kịp thời.

* Khu vực này cũng có hàng nghìn công trình thủy lợi, thủy điện lớn nhỏ nằm trên hệ thống sông ngòi làm tăng nguy cơ rủi ro khi thiên tai xảy ra, vậy, phương án phòng tránh, đối phó, cũng như bảo đảm an toàn hồ chứa ở đây cần được đặt ra như thế nào, thưa ông?

-Thứ nhất, việc xây dựng hồ đập phải tuân theo quy hoạch. Thứ hai, chất lượng phải bảo đảm thích ứng với tình hình đột biến của thiên tai trong thời gian tới, với những công trình hồ đập cũ, xuống cấp phải được kiểm tra kịp thời tu bổ, tăng cường chất lượng để bảo đảm an toàn trong mùa mưa lũ. Thứ ba, chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng các phương án vật tư, phương tiện, nhân lực để xử lý các sự cố nếu xảy ra trong lũ. Thứ tư, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý hồ đập với chính quyền địa phương và Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão cứu nạn địa phương để có thể điều phối đóng mở cửa hồ cho hợp lý, làm thế nào để vừa bảo đảm an toàn công trình nhưng cũng phải an toàn cho hạ du. Cuối cùng đó là phải chủ động sơ tán dân vùng hạ du kịp thời khi lũ về. Ngoài ra, cũng cần chú trọng việc xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho công tác chỉ đạo điều hành; quan tâm đến công tác thông tin, đo đạc quan trắc, khí tượng thủy văn, nhất là phải bảo đảm dự báo chính xác, kịp thời, giúp cơ quan điều hành cũng như nhân dân chủ động trong việc phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai.

* Xin cảm ơn ông!

Yên Ninh (thực hiện)

 


Ý kiến bạn đọc