Multimedia Đọc Báo in

Chung tay xây dựng nông thôn mới

15:30, 13/08/2011

Sau hai năm triển khai, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (MTQG - XDNTM) ở Dak Lak đã thu được kết quả bước đầu đáng khích lệ. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai chương trình vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Để hiểu thêm về vấn đề này, PV Báo Dak Lak đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Văn Đông, Phó Giám đốc Sở NN - PTNT, Ủy viên Thường trực Ban chỉ đạo (BCĐ) XDNTM tỉnh.

*Xin ông khái quát vài nét cơ bản về kết quả bước đầu sau hai năm triển khai Chương trình MTQG - XDNTM ở tỉnh ta?

 
Đến nay, toàn tỉnh có 152 xã tham gia Chương trình, đã ổn định bộ máy tổ chức chỉ đạo từ tỉnh đến xã. BCĐ tỉnh đã chọn ra 3 huyện và mỗi huyện 2 – 3 xã làm điểm, bố trí 23 tỷ đồng vốn cho việc quy hoạch. Dự kiến trong năm nay, tỉnh sẽ hoàn thành quy hoạch và đề án xây dựng NTM các xã, phấn đấu đến năm 2015 có 20 xã (chiếm 20%) đạt tiêu chuẩn NTM theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV.

*Một số tiêu chí trong bộ tiêu chí NTM rất khó đạt được ở địa bàn Dak Lak, vì đây là một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn. Ông nghĩ sao về điều này?

Khó khăn lớn nhất là Dak Lak có gần 90% dân cư sản xuất nông nghiệp, diện tích tự nhiên  rộng, dân cư phân bổ không đều, các quy hoạch sản xuất, dân cư, đất đai còn chưa hoàn chỉnh, nhận thức của người dân chưa cao, cơ sở hạ tầng thấp kém, nguồn nhân lực, tài lực còn yếu, đội ngũ cán bộ thiếu và bất cập…Để bảo đảm tiến độ Chương trình, BCĐ và cơ quan Thường trực đã tập trung vào một số công việc, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân và cả hệ thống chính trị hiểu rõ tầm quan trọng của chương trình và cùng chung sức thực hiện; UBND tỉnh tập trung cao độ nguồn nhân lực, kinh phí, phục vụ Chương trình; tăng cường kiểm tra giám sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn ở cơ sở, đồng thời, lồng ghép các chương trình MTQG khác vào Chương trình NTM để đạt được hiệu quả cao nhất.

Một số tiêu chí trong 19 tiêu chí mà Dak Lak rất khó đạt được trong điều kiện hiện nay, đó là: trường học các cấp đạt chuẩn quốc gia chỉ đạt 16% so với tiêu chí chung là 70%; hộ nghèo là 12,45% so với tiêu chí chung 7%; tỷ lệ lao động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp là 73,5% so với tiêu chí chung 40%… Vì vậy, trong quá trình triển khai, BCĐ Chương trình từ tỉnh đến huyện sẽ học hỏi kinh nghiệm của các địa phương khác để điều chỉnh cho phù hợp và kiến nghị TƯ về một số tiêu chí “quá sức” so với nhiều xã ở tỉnh ta.

Diện mạo nông thôn mới ở xã Cư Ni, huyện Ea Kar.
Diện mạo nông thôn mới ở xã Cư Ni, huyện Ea Kar.

* Được biết, nguồn vốn chủ yếu để thực hiện Chương trình là do các xã, phường tự huy động. Vậy, vai trò của BCĐ và chính quyền cấp cơ sở như thế nào trong việc thực hiện Chương trình, thưa ông?

Đơn vị thực hiện Chương trình đầu tiên là cấp cơ sở vì UBND xã, phường  là chủ đầu tư tất cả các công trình trên địa bàn của mình. Vai trò của BCĐ cấp xã, phường cũng như người dân mỗi địa phương là hết sức quan trọng, bởi thế nên BCĐ cơ sở phải do Bí thư Đảng ủy làm trưởng ban, Chủ tịch UBND làm phó ban để tập hợp lực lượng trong cả hệ thống chính trị  cùng tham gia. Đội ngũ cán bộ xã, phường cần sâu sát với đời sống của người dân để hiểu rõ tâm tư nguyện vọng của họ, đồng thời phải có năng lực để đưa ra quy hoạch, đề án phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương mình, tránh tình trạng chạy đua nhau.

Ngoài ra, các xã, phường phải năng động trong việc huy động và tranh thủ các nguồn lực toàn xã hội xây dựng các công trình thật sự cần thiết, có giá trị lâu dài, với trọng tâm là nâng cao chất lượng đời sống, sản xuất nông nghiệp - nông dân - nông thôn. Nếu làm được như thế, Chương trình sẽ hoàn thành thắng lợi, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống người dân như mục tiêu đề ra.

* Xin cảm ơn ông!

Minh Thông (thực hiện)

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.